1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga âm thầm mở “con đường sống” cho Triều Tiên?

(Dân trí) - Nga được cho là đang âm thầm trợ giúp Triều Tiên nhằm ngăn chặn nỗ lực của Mỹ trong việc lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trong bối cảnh Moscow lo ngại rằng bất ổn chính trị sẽ ảnh hưởng đến an ninh khu vực, cũng như viễn cảnh Mỹ sẽ triển khai quân đội tại ngay cửa ngõ biên giới Nga.

Người Triều Tiên lên phà đậu tại bến tàu Vladivostok, Nga tháng 5/2017. (Ảnh: Reuters)
Người Triều Tiên lên phà đậu tại bến tàu Vladivostok, Nga tháng 5/2017. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù Nga đang có thiện ý trong việc cải thiện mối quan hệ song phương với Mỹ nhưng Moscow vẫn bày tỏ quan điểm đối lập và cứng rắn trong một số vấn đề mà Nga cho rằng Mỹ đang can thiệp vào tình hình nội bộ nước khác.

Moscow đã từng rất bất bình khi Washington xây dựng lực lượng NATO do Mỹ đứng đầu tại biên giới phía Tây Nga và chắc chắn Nga không muốn kịch bản này lặp lại ở châu Á.

Vì vậy, một mặt Nga vẫn ủng hộ Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên nhằm kìm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, mặt khác vẫn đang âm thầm mở “con đường sống” cho Triều Tiên.

Một công ty Nga đã thông báo kế hoạch kết nối mạng Internet cho Triều Tiên, trở thành nước thứ 2 sau Trung Quốc giúp kết nối Triều Tiên với thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Phát triển Viễn Đông của Nga, kim ngạch thương mại song phương Nga - Triều đã tăng gấp đôi lên 31,4 triệu USD trong quý I năm 2017 do Moscow đã tăng lượng dầu xuất khẩu sang Bình Nhưỡng. Theo một quan chức Mỹ theo dõi việc thực thi lệnh trừng phạt với Triều Tiên, có khoảng 8 tàu chở dầu đã rời Nga về cập bến Triều Tiên dù trước đó những tàu này đăng ký lộ trình khác.

Nga cũng đồng thời chống lại nỗ lực của Mỹ nhằm trục xuất hàng ngàn lao động Triều Tiên ở nước này hồi hương. Đây là lực lượng góp phần mang lại nguồn ngoại tệ về cho chính phủ Bình Nhưỡng.

Reuters trích lời ông Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề Quốc tế Nga, nhận định: “Điện Kremlin thực sự tin rằng giới lãnh đạo Triều Tiên cần có thêm đảm bảo và tin tưởng rằng Mỹ không thay đổi được chế độ”.

“Viễn cảnh thay đổi chế độ là mối quan tâm lớn. Kremlin hiểu rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump là người khó đoan. Họ cảm thấy an toàn hơn với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama bởi ông không thực hiện bất cứ hành động nào gây bùng phát căng thẳng, nhưng với Trump, họ không thể nắm bắt được”, ông Kortunov cho biết.

Đường biên giới chiến lược

Trong khu vực, hiện thời Trung Quốc và Nga đang đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc đang tỏ ra cứng rắn hơn trong việc trừng phạt Triều Tiên, Nga dường như lại đang tăng cường hỗ trợ Bình Nhưỡng. Nguồn thạo tin trong điện Kremlin cho biết Nga làm như vậy vì không muốn chế độ Triều Tiên sụp đổ.

Trong quá khứ, quan chức Nga đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Mỹ và phương Tây cố tình can thiệp và góp phần khiến nhiều chế độ chính trị bị lâm vào khủng hoảng. Gần đây, Nga và Belarus đã tổ chức tập trận Zapad dựa trên kịch bản giả định Lực lượng liên quân 2 nước phối hợp đẩy lùi các lực lượng muốn tấn công và can thiệp vào lãnh thổ Belarus.

Lính gác ở đường biên giới Nga - Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Lính gác ở đường biên giới Nga - Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Dù vẫn lên án tham vọng hạt nhân Triều Tiên nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận trong một diễn đàn kinh tế ở thành phố Vladivostok tháng trước rằng ông hiểu được mối lo ngại về mặt an ninh của Bình Nhưỡng đối với Mỹ và các đồng minh.

“Triều Tiên đã nhìn thấy bài học nhãn tiền từ Iraq. Giờ họ chỉ có tên lửa và vũ khí hạt nhân để phòng thủ. Bạn nghĩ rằng họ sẽ từ bỏ chúng hay không?”, ông Putin nhận định.

Nước cờ tinh tế

Ông Kortunov cho biết ông không nghĩ việc Kremlin hỗ trợ Triều Tiên dựa trên bất cứ tình cảm cá nhân nào. Điều này giống như Nga đang ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al Assad trong cuộc chiến chống IS.

Ông Kortunov nhận định rằng Nga sẽ mất đi ảnh hưởng trong khu vực nếu ông Kim Jong-un bị lật đổ, giống như tầm ảnh hưởng của họ ở Trung Đông sẽ tụt giảm nghiêm trọng nếu kịch bản phiến quân Hồi giáo hạ bệ Tổng thống Assad xảy ra vào năm 2015.

“Đó là một nước cờ rất tinh tế”, ông Kortunov nhận xét.

Theo ông Kortunov, nếu Mỹ lật đổ chế độ của ông Kim Jong-un, Nga một mặt sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở biên giới, mặt khác với Triều Tiên bị đẩy tới bước đường cùng, số vũ khí họ đang phát triển và sở hữu có thể gây nguy hiểm khôn lường.

Vì vậy, mặc dù vẫn đồng ý trừng phạt Bình Nhưỡng, nhưng Nga vẫn muốn giúp đỡ Triều Tiên tham gia vào các dự án của các quốc gia khác trong khu vực. “Chúng ta cần dần dần giúp Triều Tiên hội nhập vào nền kinh tế khu vực”, ông Putin nhận định trong diễn đàn kinh tế ở Vladivostok hồi tháng trước.

Đức Hoàng

Theo Reuters