1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ xác nhận hiện diện quân sự ở Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Nhà Trắng xác nhận, một nhóm nhỏ quân sự của Mỹ hiện diện ở Ukraine, nhưng không tham chiến.

Mỹ xác nhận hiện diện quân sự ở Ukraine - 1

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby (Ảnh: Reuters).

"Tôi không muốn đề cập đến số lượng cụ thể, nhưng có một nhóm nhỏ quân sự của Mỹ hiện diện tại Đại sứ quán ở Kiev cùng với văn phòng tùy viên quốc phòng, để giúp chúng tôi giải quyết việc đưa tài liệu ra vào Ukraine. Vì vậy, họ gắn bó với đại sứ quán và tùy viên quốc phòng đó", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 12/4 cho hay.

Tuy nhiên, ông Kirby nhấn mạnh, lực lượng này không tham gia vào các hoạt động trên chiến trường Ukraine. "Không có bất cứ thay đổi nào đối với cam kết của Tổng thống Biden về việc không triển khai quân đội chiến đấu trong cuộc xung đột tại Ukraine", ông nói.

Tháng 11 năm ngoái, Lầu Năm Góc xác nhận các lực lượng Mỹ đã có mặt ở Ukraine để kiểm tra việc vận chuyển hàng viện trợ quân sự của Mỹ ở nước này.

Xác nhận của ông Kirby đưa ra sau khi Guardian dẫn các tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ cho biết, tính đến ngày 1/3, gần 100 lính đặc nhiệm NATO, trong đó có 50 binh sĩ Anh, 14 binh sĩ Mỹ và 15 lính Anh, hiện động ở Ukraine.

Nói về nỗ lực hạn chế tác động của vụ rò rỉ, ông Kirby cho biết, Mỹ đã liên hệ với các đồng minh và đối tác để giải thích cho họ về thông tin mà Washington thu thập.

Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào xung đột ở Ukraine. Moscow cảnh báo, bất cứ khí tài hay chuyên gia quân sự nước ngoài nào vào Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Nga. Tuy nhiên, phương Tây khẳng định không phải bên tham chiến, mà chỉ hỗ trợ quân sự giúp Kiev tự vệ.

Xung đột Ukraine tiếp tục bế tắc

Theo tài liệu mật bị rò rỉ, giới chức quân sự Mỹ đánh giá, xung đột Nga - Ukraine còn kéo dài đến năm 2024, không bên nào giành chiến thắng nhưng cũng không đồng ý hòa đàm. Tài liệu nêu rõ, ngay cả khi Ukraine giành lại được nhiều lãnh thổ và gây tổn thất lớn cho Nga, điều đó cũng không dẫn đến hòa đàm.

"Đàm phán chấm dứt xung đột khó xảy ra trong năm 2023 dù ở bất cứ kịch bản nào", tài liệu nhận định. Bế tắc do vậy là kịch bản "nhiều khả năng xảy ra nhất".

Đánh giá này dựa vào phân tích của Mỹ trên nhiều khía cạnh như số lượng binh sĩ, khí tài của mỗi bên. Theo đó, Washington dự đoán, trong năm nay, cả Nga và Ukraine đều chỉ giành những bước tiến nhỏ do thiếu binh sĩ và khí tài.

Theo tài liệu, Ukraine được cho là sẽ tiến hành tổng động viên nếu cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Ngoài ra, Kiev cũng có thể gia tăng các hoạt động tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga, điều khiến Washington lo ngại sẽ làm tình hình leo thang.

Về phía Nga, sự bế tắc sẽ buộc Moscow phải sử dụng "nguồn dự trữ đã suy giảm mạnh", tài liệu viết. Điện Kremlin cũng có khả năng tìm cách đẩy nhanh nỗ lực sáp nhập các vùng lãnh thổ đã kiểm soát vào Nga.

Theo Fox News, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine