DMagazine

Bí ẩn vụ lộ tài liệu mật của Mỹ và tác động đến chiến sự Ukraine

(Dân trí) - Giữa lúc cả Ukraine lên dây cót cho kế hoạch phản công Nga, loạt tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ đã phơi bày thông tin bất lợi cho Kiev. Tuy nhiên, chính Moscow cũng hoài nghi về sự xác thực của chúng.

BÍ ẨN VỤ LỘ TÀI LIỆU MẬT CỦA MỸ VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN CHIẾN SỰ UKRAINE

Giữa lúc cả Ukraine lên dây cót cho kế hoạch phản công Nga, loạt tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ đã phơi bày thông tin bất lợi cho Kiev. Tuy nhiên, chính Moscow cũng hoài nghi về sự xác thực của chúng.

BÍ MẬT RÒ RỈ QUA PHÒNG TÁN GẪU

Khoảng hơn 100 trang tài liệu mật dưới dạng ảnh chụp, bao gồm cả hình ảnh, biểu đồ, của Lầu Năm Góc bất ngờ bị rò rỉ trên các mạng xã hội và trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế những ngày qua. Đây có thể coi là vụ rò rỉ tài liệu mật nghiêm trọng nhất kể từ vụ hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao của Mỹ xuất hiện trên trang web WikiLeaks năm 2013.

Tài liệu phần lớn bao gồm những thông tin liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, ngoài ra còn có những tóm tắt nhạy cảm về Nga, Triều Tiên, Ai Cập, Ả Rập Xê Út hoặc các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Israel.

Ảnh chụp cho thấy các tài liệu có nhiều nếp gấp được đặt trên quyển tạp chí, xung quanh là một số đồ vật khác. Chúng dường như được gấp lại vội vàng và nhét vào túi trước khi được chuyển ra khỏi một địa điểm an toàn.

Giới chức Mỹ cũng như các nhà điều tra độc lập đang tìm cách vẽ lại "đường đi" của tài liệu mật - một trong những vụ rò rỉ được cho là khá bất thường.

Theo các nhà phân tích, một số tài liệu được đăng tải trên nền tảng nhắn tin Discord từ tháng 1. Tuy nhiên, chỉ đến đầu tháng này giới quân sự Mỹ mới phát hiện một số tài liệu rò rỉ trên Telegram.

Nhóm nhà báo điều tra Bellingcat đã phỏng vấn 3 người trong phòng trò chuyện mang tên Thug Shaker Central trên Discord - một nền tảng nhắn tin phổ biến với các game thủ.

Theo Bellingcat, các tài liệu mật đăng tải trên Thug Shaker Central dường như đã được chia sẻ trong một phòng tán gẫu trên mạng khác quen thuộc với game thủ, trước khi xuất hiện trên 4Chan, Telegram, Twitter. Đến đầu tháng 4, nó mới trở thành chủ đề gây xôn xao trên truyền thông.

Aric Toler, giám đốc nghiên cứu và đào tạo của Bellingcat, cho biết các thành viên của một nhóm Discord riêng tư khác nói với họ rằng những hình ảnh này nằm trong bộ tài liệu lớn hơn được đăng lên một máy chủ đã bị xóa trên Discord từ tháng 1.

Nhân vật chia sẻ các tài liệu của Lầu Năm Góc có tài khoản tên Lucca. Theo những người trong phòng tán gẫu, Lucca dường như không muốn tiết lộ bí mật của chính phủ một cách rộng rãi mà chỉ nhằm gây ấn tượng với những người trong nhóm.

Lầu Năm Góc đến nay không xác nhận hay phủ nhận các tài liệu bị rò rỉ. Một số quan chức cho hay, một số tài liệu dường như đã bị chỉnh sửa. Giới chức Mỹ tiếp tục điều tra vụ việc và nghiêng về giả thuyết vụ rò rỉ có liên quan đến một người Mỹ hoặc các nhân vật thân Nga. Một số nước được nhắc đến trong tài liệu cũng lên tiếng bác bỏ thông tin rò rỉ, trong đó có Hàn Quốc, Israel, Nga.

Vụ rò rỉ xảy ra sau khoảng 10 năm kể từ khi cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden tiết lộ hàng trăm nghìn tài liệu mật của chính phủ. Tuy nhiên, ông James Bamford, tác giả của nhiều cuốn sách về hoạt động tình báo, cho rằng hai vụ việc này không giống nhau. "Nếu Snowden tập trung vào những hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, thì lần rò rỉ này dường như không có bất cứ sự chọn lọc thông tin nào".

NHỮNG MẢNH GHÉP VỀ CUỘC CHIẾN UKRAINE

Bí ẩn vụ lộ tài liệu mật của Mỹ và tác động đến chiến sự Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa gần Bakhmut ngày 7/4 (Ảnh: Reuters).

Tài liệu rò rỉ cho thấy cách Mỹ đánh giá và cuộc xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt ở thời điểm hai bên được cho là đều đang chuẩn bị cho trận chiến mang tính quyết định.

New York Times mô tả những tài liệu này giống với các bản cập nhật thông thường hàng ngày của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, song không được công khai, có văn bản được đóng dấu tuyệt mật.

Phần lớn tài liệu thuộc dạng tóm tắt, bao gồm phác thảo vị trí, hoạt động của lực lượng phòng không Ukraine như số lượng từng loại tên lửa phòng không và dự đoán khi nào quân đội Ukraine sẽ cạn kiệt đạn dược. Ngoài ra, chúng còn chứa thông tin về một số điểm yếu của vũ khí do Mỹ viện trợ cho Kiev, thậm chí cả lịch trình, đường bay của máy bay trinh sát của Mỹ và đồng minh làm nhiệm vụ ở Biển Đen.

Nhiều thông tin chưa từng được Mỹ công bố như tốc độ tiêu thụ đạn của các hệ thống pháo phản lực HIMARS trong biên chế quân đội Ukraine. Để đối phó với Không quân Nga, Kiev đang sử dụng các hệ thống phòng không S-300 và Bulk thời Liên Xô. Tuy nhiên, các tài liệu rò rỉ cho thấy, họ sẽ cạn kiệt vũ khí này vào giữa tháng 4 hoặc tháng 5 nếu không được cung cấp một lượng lớn đạn dược.

Tài liệu mật bị rò rỉ cũng cho biết một khi đạn dược cho phòng thủ lớp đầu tiên của Ukraine cạn kiệt, "tỷ lệ tiêu hao đối với lớp thứ 2, thứ 3 sẽ tăng lên, làm giảm khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công trên không của Nga từ mọi độ cao".

Nói cách khác, hệ thống phòng không của Ukraine đang gặp rủi ro. New York Times trích dẫn tài liệu bị rò rỉ cho biết: "Hệ thống phòng không Ukraine được thiết kế để bảo vệ quân đội ở tiền tuyến, nơi tập trung phần lớn sức mạnh không quân của Nga, song nó sẽ hoàn toàn suy yếu vào ngày 23/5".

Thông tin này có thể thúc đẩy Nga sử dụng máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay không người lái, từ đó chiếm ưu thế trong cuộc xung đột hiện tại.

Các tài liệu cũng tiết lộ rằng, cuối tháng 2 vừa qua, Nga gần như đã bao vây quân đội Ukraine tại Bakhmut, thành phố miền Đông Ukraine, nơi diễn ra cuộc giao tranh ác liệt nhiều tháng nay. Khi đó, giám đốc tình báo quân sự Ukraine mô tả tình hình "rất thảm khốc", và một quan chức quân sự cấp cao khác của Ukraine chỉ ra rằng, tinh thần của binh sĩ vào thời điểm đó đi xuống vì không có đủ đạn dược để chiến đấu.

Quân đội Ukraine đang tiếp tục bám trụ ở "chảo lửa" Bakhmut, tìm cách giữ lại những binh sĩ được trang bị và huấn luyện tốt nhất cho một cuộc phản công được dự đoán sẽ diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới, New York Times cho biết.

Tuy nhiên, theo tài liệu rò rỉ, giới chức Mỹ dường như bi quan về kế hoạch này của Kiev do những thách thức về quy mô lực lượng và đạn dược.

Mỹ đánh giá Ukraine có thể thành lập 12 lữ đoàn tác chiến cho cuộc phản công mùa xuân, trong đó có 3 lữ đoàn được huấn luyện tại Ukraine, 9 lữ đoàn được Mỹ huấn luyện và trang bị. Trong đó, 6 lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu vào cuối tháng 3, số còn lại vào cuối tháng 4.

Tài liệu cho thấy mục tiêu của các lực lượng Ukraine trong cuộc phản công là giành lại lãnh thổ ở miền Đông và miền Nam nhằm cắt đứt hành lang trên bộ của Nga nối với Crimea. Tình báo Mỹ hoài nghi về khả năng thành công của kế hoạch này.

 "Việc Ukraine chưa thể giải quyết những thiếu sót trong đào tạo và cung cấp đạn dược có thể sẽ cản trở tiến độ phản công, làm trầm trọng thêm mức độ thương vong trong cuộc tấn công", tài liệu của Lầu Năm Góc cho hay, đồng thời nhấn mạnh Nga đang củng cố mạng lưới phòng thủ vững chắc trên khắp Kherson.

Ngoài dữ liệu về quân đội Ukraine, tài liệu cũng đưa ra thông tin về các đồng minh của Mỹ, những người vẫn còn hoài nghi về việc cung cấp vũ khí cho Kiev.

Ví dụ, khi Hàn Quốc cung cấp đạn pháo để giúp Mỹ bổ sung kho dự trữ, nước này lo sợ rằng, Washington sẽ chuyển vũ khí cho Ukraine. Theo New York Times, các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa một bên là áp lực của Washington phải cung cấp đạn dược cho Ukraine và một bên là chính sách là không cung cấp vũ khí sát thương cho các quốc gia có chiến tranh.

Tương tự, Israel cũng tỏ ra ngần ngại trong việc viện trợ vũ khí cho Kiev. Quốc gia này đang giúp Ukraine phát triển một hệ thống cảnh báo sớm tùy chỉnh thông minh, song họ từ chối cung cấp vũ khí sát thương. Tuy nhiên, điều này có thể sớm thay đổi trong những tháng tới. Israel nhiều khả năng sẽ chuyển các hệ thống phòng thủ sát thương cho Ukraine thông qua các bên thứ ba, theo các tài liệu bị rò rỉ.

Về Nga, các tài liệu mật đề cập đến những vấn đề còn tồn tại của Moscow và dự đoán xung đột sẽ rơi vào bế tắc trong tương lai gần. "Chiến dịch tiêu hao của Nga ở vùng Donbass có thể rơi vào bế tắc, cản trở mục tiêu của Moscow là chiếm được toàn bộ khu vực trong năm 2023", một tài liệu mật nhận định.

Thông tin rò rỉ khác nói rằng, nhằm nâng cao tinh thần của binh sĩ, quân đội Nga đã áp dụng chiến thuật khích lệ bằng tài chính. Tài liệu đề cập: "Binh sĩ sẽ nhận được các ưu đãi tài chính nếu bắt giữ và phá hủy được xe tăng của nước ngoài. Các video quay cảnh xe tăng bị phá hủy sẽ được phát tán rộng rãi để làm giảm lòng tin của Ukraine và phương Tây, đồng thời giúp trấn an quân đội Nga về khả năng áp đảo loại vũ khí mới này".

THÁCH THỨC HAY CƠ HỘI CỦA UKRAINE?

Bí ẩn vụ lộ tài liệu mật của Mỹ và tác động đến chiến sự Ukraine - 2

Ông Mikhail Podolyak, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Một số đối tác an ninh của Mỹ đang xem nhẹ tác động của vụ việc đối với tình hình trên chiến trường Ukraine mặc dù có nguồn tin nói rằng Kiev buộc phải thay đổi kế hoạch quân sự sau vụ rò rỉ.

Andriy Chernyak, phát ngôn viên của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, mô tả các tài liệu bị rò rỉ là một "hoạt động của các cơ quan đặc biệt Nga". "Điều đó sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác liên tục của chúng tôi với các đồng minh", ông nhấn mạnh. Khi được hỏi về cuộc phản công của Ukraine dự kiến trong những tuần tới, ông Chernyak cho biết, mọi thứ sẽ diễn ra theo kế hoạch do Bộ chỉ huy quân sự đề ra.

Ông Mikhail Podolyak, Cố vấn của Tổng thống Zelensky, cho biết các kế hoạch chiến lược của Kiev không thay đổi nhưng các chiến thuật cụ thể luôn có thể thay đổi. Ông tin rằng, tài liệu bị rò rỉ là một phần trong chiến dịch phát tán thông tin sai lệch của Moscow. "Nga đang tìm mọi cách để giành lại thế chủ động và cố gắng tác động đến các kịch bản phản công của Ukraine", ông nói.

Ông khẳng định việc rò rỉ tài liệu mật sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ của Ukraine với các nước phương Tây. "Đây là dữ liệu bình thường. Tôi không thấy nó có thể làm suy yếu mối quan hệ với các đối tác của chúng tôi. Nó không phá hỏng bất kỳ kế hoạch nào vì các kế hoạch đó vẫn đang được thực hiện, mới chỉ đang được xem xét về mặt chiến thuật", ông Podolyak nói.

Giới chức Mỹ có lẽ sẽ phải đối mặt với không ít chất vấn khi tới Đức vào tuần tới để dự cuộc họp của nhóm liên lạc về hỗ trợ Ukraine gồm hơn 50 quốc gia. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Washington nói với AP, vụ rò rỉ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc họp cũng như cam kết viện trợ của đồng minh dành cho Kiev.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken những ngày qua đều nỗ lực liên hệ với các đối tác ở Ukraine, khẳng định vụ việc sẽ không tác động đáng kể đến các kế hoạch phản công mùa xuân của Kiev.

"Chiến lược của Ukraine không bị chi phối bởi một kế hoạch cụ thể nào. Họ có một kế hoạch lớn mà chỉ Tổng thống Zelensky và ban lãnh đạo của ông thực sự biết toàn bộ chi tiết của kế hoạch", Bộ trưởng Austin nhấn mạnh.

Oleksii Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng An ninh Ukraine, cũng cho biết không quá 5 người trên hành tinh này nắm thông tin về địa điểm và thời điểm cuộc phản công của nước này.

Thậm chí, một số chuyên gia nêu ra khía cạnh tích cực với Ukraine từ vụ rò rỉ. Ví dụ, tình trạng cạn kiệt đạn dược của Ukraine được đề cập trong tài liệu có thể sẽ thôi thúc Mỹ và các đồng minh tăng cường viện trợ cho Kiev.

"Việc thừa nhận tình trạng thiếu hụt tên lửa phòng không, đạn dược của Ukraine có thể khiến Nga thỏa mãn. Tuy nhiên, nếu nó tạo động lực cho các đối tác của Ukraine tăng cường chuyển tên lửa cũng như các khí tài phòng không khác, đó sẽ là điều mà Kiev mong muốn. Ẩn số lớn hơn là mức độ mà những vụ rò rỉ này ảnh hưởng đến sự hỗ trợ chính trị của Mỹ dành cho Ukraine", Ben Barry, chuyên gia cấp cao tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở ở London, bình luận.

Những người theo thuyết âm mưu còn cho rằng, đây có thể là một vụ rò rỉ tin giả có chủ ý của Mỹ, Ukraine và các đồng minh nhằm gây bối rối cho Nga. Chính Moscow cũng không loại trừ điều này.

"Chúng có thể là tài liệu thật, nhưng cũng có thể là giả, hoặc một vụ rò rỉ có chủ đích. Vì Mỹ là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine và về cơ bản đang tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp chống lại chúng tôi, rất có thể họ đang áp dụng những mánh như vậy để đánh lừa chúng tôi, đánh lừa Nga", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 12/4 nhận định.

Trong lúc bí ẩn tiếp tục bao trùm, chắc chắn Nga và Ukraine vẫn dốc sức chuẩn bị cho "cuộc chiến cuối cùng" nhằm chấm dứt xung đột kéo dài hơn một năm qua, còn Mỹ sẽ tìm cách xoa dịu các đồng minh sau vụ rò rỉ.

Minh Phương

Theo AP, New York Times, Reuters, Washington Post

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine