1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ mạo hiểm dùng thiết bị "Tàu" cho "siêu" chiến đấu cơ F-35

(Dân trí) - Lầu Năm Góc đã nhiều lần phớt lờ luật cấm sử dụng các thiết bị Trung Quốc nhằm duy trì dự án sản xuất máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35 đi đúng lộ trình trong hai năm 2012-2013, bất chấp những quan ngại về nguy cơ tiềm ẩn từ quyết định này.

Mỹ mạo hiểm dùng thiết bị Tàu cho siêu chiến đấu cơ F-35

Một chiếc F-35 được kiểm ra an toàn trên tàu USS Wasp sau chuyến bay thử nghiệm ở North Carolina tháng 8 năm ngoái.

Theo một tài liệu rò rỉ, Giám đốc phụ trách mua bán vũ khí của Lầu Năm Góc Frank Kendall đã cho phép hai nhà sản xuất chiến đấu cơ F-35 là Northrop Grumman CorpHoneywell International Inc được mua các thanh nam châm của Trung Quốc gắn cho hệ thống radar, bộ phận hạ cánh và một phần cứng khác trên máy bay này.

Cũng theo tài liệu, nếu không nhận được “đặc ân” trên, hai công ty sẽ phải đối mặt với án phạt vì tội vi phạm luật pháp liên bang, trong khi dự án sản xuất chiến đấu cơ F-35 với tổng trị giá 392 tỷ USD có thể sẽ phải tiếp tục trì hoãn thêm nhiều năm.

“Đó là một quyết định mạo hiểm và cũng là tình huống bất thường vì mọi hoạt động quốc phòng  bị cấm can dự với Trung Quốc, cho dù không chủ tâm”, sĩ quan nghỉ hưu Frank Kenlon nhận định.

Ông Frank Kenlon từng là sĩ quan cao cấp làm việc trong cùng bộ phận với Giám đốc Frank Kendall ở Lầu Năm Góc. Ông mới về nghỉ hưu và hiện làm giảng viên tại trường Đại học America.

“Tôi chưa bao giờ thấy điều này xảy ra trước đây”, ông nói thêm.

Tài liệu ghi rõ, Lầu Năm Góc đã đồng ý cho lắp 2 thiết bị không quan trọng, trong đó có một thanh nam châm, vào máy bay F-35 số hiệu 115 đã được cho bay thử nghiệm và đang trong quá trình huấn luyện. Theo kế hoạch, chiếc F-35 cuối cùng sẽ được xuất xưởng vào tháng 5 tới.  

Giải thích về việc này, ông Kendall nói rằng việc cho phép lắp đặt thiết bị của Trung Quốc nhằm đảm bảo quy trình sản xuất, thử nghiệm và huấn luyện F-35 diễn ra đúng tiến độ; giúp dự án tiết kiệm hàng triệu USD đầu tư cho các thiết bị mới và đảm bảo cho Hải quân Mỹ được tiếp nhận những chiếc F-35 đầu tiên theo đúng kế hoạch vào giữa năm 2015.   

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ an ninh quốc gia, Mỹ sẽ phải tiêu tốn tới 10,8 triệu USD và 25.000 giờ công lao động cho việc tháo dỡ các thiết bị của Trung Quốc và thay thế bằng thiết bị do chính Mỹ sản xuất.

Được biết, Văn phòng giải trình liên bang - cơ quan điều tra của Quốc hội Mỹ - đang điều tra 3 hồ sơ về F-35. Trong đó có nội dung liên quan kiến nghị của các nhà lập pháp về việc một số hãng tự động cắt giảm sản xuất các thiết bị kim loại khiến ngành vũ khí Mỹ có thể bị phụ thuộc vào sản phẩm do một công ty của đối thủ cung cấp. Giới nghị sĩ Mỹ lo ngại một số công ty Mỹ có thể cũng đã sử dụng thanh nam châm tương tự loại đã được lắp cho máy bay F-35.

F-35 là dự án sản xuất vũ khí tham vọng nhất của Lockheed Martin với tổng kinh phí tài trợ từ chính phủ Mỹ cùng 8 nước khác gồm Anh, Canada, Australia, Italy, Norway, Turkey, Denmark và Netherlands. Hiện Israel và Nhật Bản đã đặt hàng máy bay hiện đại nhất này.

Dự án sản xuất F-35 đã bị quá hạn vài năm nhưng mới chỉ đi được 70% chặng đường. Lo ngại dự án phải tiếp tục kéo dài và chi phí bị đội lên là lý do chính khiến giới chức Lầu Năm Góc đã đi đến quyết định mạo hiểm trên.

 

Vũ Anh

Tổng hợp