1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ lo "va chạm" với tàu hải giám Trung Quốc ở Biển Đông

(Dân trí) - Trung Quốc đang dùng lực lượng tàu hải giám, hải cảnh để tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và đang “gây khó” cho Hải quân Mỹ. Trong khi đó, Mỹ lo ngại va chạm với các tàu này trên vùng biển có tranh chấp, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Chỉ huy hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cho biết.

Tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc hoạt động tại Biển Đông (Ảnh: AFP)
Tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc hoạt động tại Biển Đông (Ảnh: AFP)

Trả lời phỏng vấn tại Singapore, Phó Đô đốc Joseph Aucoin ngày 15/2 cho biết trong khi tàu chiến Mỹ và Trung Quốc đang hoạt động dựa trên một quy tắc ứng xử được hai nước nhất trí, thì việc Bắc Kinh triển khai các tàu của lực lượng hải cảnh và hải giám tại Biển Đông đang tạo ra "mối quan ngại" cho Hải quân Mỹ.

“Chúng tôi đáp ứng toàn bộ các thoả thuận ở mọi cấp bậc với Hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, cá nhân tôi cảm thấy lo ngại trước những nhân tố khác tại Biển Đông. Đó có thể là tàu của lực lượng hải cảnh hoặc những tàu hải giám màu trắng của Trung Quốc. Do vậy, chúng tôi không chắc về mức độ chuyên nghiệp của Trung Quốc về việc tuân thủ các quy tắc", Phó Đô đốc Joseph Aucoin cho hay.

Bình luận trên của Chỉ huy hạm đội 7 của Hải quân Mỹ được đưa ra trong thời điểm Mỹ đứng ra tổ chức thượng đỉnh với các quốc gia thành viên khối ASEAN tại California nhằm đối phó với quá trình quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tới hơn 80% diện tích.

Theo một số báo cáo, trong vòng hai năm qua, Trung Quốc đã cải tạo nhiều đảo và cho xây dựng những cơ sở quân sự ở Biển Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tập trung sử dụng tàu cá và tàu hải giám để cảnh báo các tàu của nước khác ở vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền này.

Tháng trước, Hải quân Mỹ đã điều một tàu chiến khác tới thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 6 tháng, Mỹ gửi tới Trung Quốc "một thông điệp" về tự do hàng hải. Trong lần đầu tiên làm nhiệm vụ tại Biển Đông, USS Lassen, tàu khu trục đã tiến hành hoạt động tuần tra ở khu vực 12 hải lý xung quanh bãi Xubi mà Trung Quốc đang chiếm giữ, đã bị các tàu của Trung Quốc, trong đó có những tàu không thuộc Hải quân Trung Quốc, "bám đuôi".

"Trong lần hoạt động của tàu Lassen, chúng tôi nhận thấy những đội tàu của Trung Quốc không hoạt động độc lập. Đó là điều mà chúng tôi cần phải tính toán. Làm thế nào để tàu chiến Mỹ có thể tiếp cận các loại tàu không phải tàu chiến của đối phương. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ phải cân nhắc hơn về vấn đề này trong tương lai", Phó Đô đốc Aucoin trình bày.

Tháng trước, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Wu Shengli khẳng định nước này không có ý định quân sự hoá các cơ sở tại Biển Đông. Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng mức độ của các cơ sở phòng vệ của Trung Quốc tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền sẽ được xây dựng dựa vào cấp độ của mối đe dọa mà nước này phải đối diện.

Phó Đô đốc Aucoin cho biết hiện chưa có cuộc đàm phán chính thức nào giữa hai nước liên quan tới lực lượng tàu không thuộc Hải quân của Trung Quốc theo quy tắc mà Washington và Bắc Kinh đã thống nhất trước đó.

"Tôi đang đề nghị lực lượng tuần duyên Mỹ gia tăng can dự và giúp chúng tôi đối phó với những kiểu hoạt động như thế. Vì tàu của đối phương bây giờ không phải là tàu chiến. Tôi nghĩ cần phải có một quy tắc ứng xử để tránh va chạm", Phó Đô đốc Aucoin nhận định.

Mới đây, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin Trung Quốc sắp đóng xong tàu có tên "Quái thú" cho lực lượng hải cảnh nước này. Đây là con tàu có tên 3901 với lượng giãn nước lên tới 12.000 tấn, lớn hơn bất cứ loại tàu chiến nào của Mỹ đang hoạt động tại Biển Đông. Tàu này còn được trang bị súng máy 76 li, hai súng tự động và súng phòng không. Với những loại tàu lớn như thế này, lực lượng tàu không thuộc Hải quân Trung Quốc có thể sử dụng chiến thuật "lao và húc" vào tàu đối phương, không cần phải nổ súng để tránh những rắc rối ngoại giao.

Ngọc Anh

Theo Bloomberg