1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ dồn dập đưa vũ khí tới Trung Đông, Tổng thống Biden nhận "tối hậu thư"

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố Washington triển khai loạt khí tài tới Trung Đông nhằm hỗ trợ Israel và bảo vệ lực lượng Mỹ trong khu vực.

Mỹ dồn dập đưa vũ khí tới Trung Đông, Tổng thống Biden nhận tối hậu thư - 1

Mỹ triển khai tàu sân bay Gerald R. Ford và các tàu hỗ trợ đến phía đông Địa Trung Hải sau khi Hamas tấn công vào Israel (Ảnh: Reuters).

Trong bài phát biểu trước ủy ban của thượng viện hôm 31/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã phác thảo "bốn hướng chính" trong nỗ lực của Lầu Năm Góc ở Trung Đông.

Các hướng này bao gồm: thứ nhất, bảo vệ lực lượng Mỹ khỏi các cuộc tấn công do các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn thực hiện và tiến hành thêm hành động chống lại họ nếu cần thiết; thứ hai, cung cấp hỗ trợ an ninh quan trọng cho Israel; thứ ba, phối hợp với Israel nhằm giúp đảm bảo việc thả mọi con tin bị Hamas bắt giữ; thứ tư, tăng cường sức mạnh của lực lượng Mỹ trong khu vực.

"Hai nhóm tác chiến tàu sân bay (của Mỹ) đang có mặt trong khu vực. Tuần trước, một phi đội F-16 đã đến khu vực, bổ sung cho các phi đội máy bay chiến đấu khác đã được triển khai tại khu vực này. Tất cả điều này nhấn mạnh cảnh báo rõ ràng của Tổng thống (Mỹ) rằng: các chính phủ hay phe nhóm muốn gây tổn hại cho Israel không nên tìm cách mở rộng cuộc khủng hoảng này", ông Austin tuyên bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông "liên tục nói rõ" với các nhà lãnh đạo Israel rằng, họ phải đảm bảo việc bảo vệ dân thường Palestine.

"Bây giờ, chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng Hamas không đại diện cho người dân Palestine. Và chúng tôi thương tiếc cho sự mất mát của dân thường Palestine", ông Austin nói.

Theo ông Austin, 36 công dân Mỹ đã thiệt mạng ở Israel và Gaza kể từ sau cuộc tấn công quy mô lớn của Hamas vào Israel hôm 7/10.

Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Israel tên lửa cho hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt), bom dẫn đường tầm xa (JDAM) cho máy bay chiến đấu và đạn pháo 155mm cho pháo binh, cùng nhiều loại vũ khí khác.

Lầu Năm Góc ngày 21/10 thông báo, Mỹ sẽ đưa thêm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và các hệ thống tên lửa phòng không Patriot tới Trung Đông. Động thái này diễn ra sau các vụ tấn công gần đây nhằm vào quân đội Mỹ ở khu vực.

Bộ trưởng Austin cũng cho biết Mỹ đang điều động thêm quân lực nhưng không tiết lộ con số chính xác. Lầu Năm Góc đã chuẩn bị khoảng 2.000 binh sĩ luôn trong trạng thái sẵn sàng cao độ, chờ lệnh triển khai tới khu vực làm nhiệm vụ trong trường hợp cần thiết.

Tổng thống Biden nhận "tối hậu thư"

Reuters ngày 31/10 đưa tin, những người Mỹ theo đạo Hồi và một số nhà hoạt động của đảng Dân chủ cho biết họ sẽ nỗ lực huy động hàng triệu cử tri Hồi giáo từ chối quyên góp và bỏ phiếu cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden vào năm 2024, trừ khi ông thực hiện các bước ngay lập tức để đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Trong một bức thư ngỏ có tựa đề "Tối hậu thư ngừng bắn năm 2023", các nhà lãnh đạo Hồi giáo cam kết vận động cử tri Hồi giáo "từ chối sự tán thành, ủng hộ hoặc bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên nào tán thành cuộc tấn công của Israel chống lại người dân Palestine".

"Sự hỗ trợ vô điều kiện của chính quyền của ngài, bao gồm tài trợ và vũ khí, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì bạo lực gây thương vong cho dân thường và làm xói mòn niềm tin của những cử tri trước đây đã đặt niềm tin vào ngài", bức thư cho biết.

Bức thư là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự tức giận và thất vọng ngày càng tăng trong cộng đồng người Mỹ gốc Ả rập và người Mỹ theo đạo Hồi về việc Tổng thống Biden không lên án các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza. Ít nhất 8.500 người, trong đó có 3.457 trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công dữ dội trên không và trên bộ kéo dài ba tuần qua của Israel vào Dải Gaza.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh hôm 30/10 nói rằng Mỹ đang gửi các chuyến hàng vũ khí và đạn dược tới Israel "gần như hàng ngày". Bà Singh tuyên bố Mỹ "không đặt ra bất kỳ giới hạn nào đối với cách Israel sử dụng vũ khí".

Nhà Trắng cho đến nay vẫn phản đối lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, nói rằng lệnh này sẽ chỉ có lợi cho Hamas.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 30/10 cho biết, lệnh ngừng bắn không phải giải pháp "đúng đắn" ở thời điểm hiện tại khi xung đột Israel và Hamas tiếp tục leo thang.

"Chúng tôi không tin rằng lệnh ngừng bắn là câu trả lời đúng đắn vào lúc này. Chúng tôi tin rằng lệnh ngừng bắn hiện nay đang mang lại lợi ích cho Hamas và Hamas là tổ chức duy nhất được hưởng lợi từ điều đó vào lúc này", ông Kirby nói.

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo vào tuần trước để thông qua nghị quyết kêu gọi "thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững" giữa Israel và Hamas. Mỹ và Israel nằm trong số 14 quốc gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 30/10 tuyên bố ông sẽ không chú ý đến lời kêu gọi ngừng bắn, đồng thời khẳng định "đây là thời điểm chiến tranh".

Theo Reuters, CNN