1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ có thể phải thất hứa với Ukraine để viện trợ cho Israel?

Quốc Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết tăng cường hỗ trợ quân sự cho Israel sau cuộc tấn công chưa từng có của Hamas khiến hơn 1.000 người Israel thiệt mạng.

Mỹ có thể phải thất hứa với Ukraine để viện trợ cho Israel? - 1

Ông Biden phát biểu sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel (Ảnh: Reuters).

Lời hứa của ông Biden đặt câu hỏi về việc liệu Washington có thể tăng cường viện trợ quốc phòng cho Israel mà không tác động tới viện trợ cho Ukraine hay không, đặc biệt là khi Hạ viện Mỹ chưa tìm được lãnh đạo thay thế.

Quan chức chính quyền ông Biden khẳng định Washington hoàn toàn có thể làm được cả hai, nhưng thừa nhận sẽ có những thách thức.

Ghế lãnh đạo Hạ viện Mỹ bị trống sẽ có tác động gì?

Do Quốc hội Mỹ kiểm soát chi tiêu nên, ông Biden phải thuyết phục cả Thượng viện và Hạ viện thông qua luật bổ sung tài trợ. Các dự luật chi tiêu như vậy thường bắt nguồn từ Hạ viện và Chủ tịch Hạ viện - lãnh đạo do đảng chiếm đa số bỏ phiếu chọn - sẽ quyết định dự luật nào được đưa ra biểu quyết.

Hiện nay, đảng Cộng hòa chiếm đa số sít sao 221-212 tại Hạ viện. Điều này khiến chỉ cần số ít đảng viên phản đối đã đủ để lật đổ cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vào tuần trước.

Việc ông McCarthy bị bãi nhiệm là điều chưa từng có tiền lệ nên hiện chưa rõ liệu Hạ nghị sĩ Patrick McHenry, người giữ chức Chủ tịch Hạ viện tạm thời, có thể tổ chức bỏ phiếu về các dự luật viện trợ hay không.

Vấn đề càng phức tạp hơn khi nhiều thành viên cực hữu giúp lật đổ ông McCarthy có thái độ phản đối viện trợ cho Ukraine, bao gồm cả Hạ nghị sĩ Jim Jordan, người đang dẫn đầu trong cuộc đua vào ghế Chủ tịch Hạ viện.

Tháng trước, chính đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã từ chối đưa viện trợ cho Ukraine vào dự luật chi tiêu được thông qua vào phút chót để ngăn chính phủ Mỹ đóng cửa.

Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho Israel mạnh mẽ hơn nhiều, và đảng Cộng hòa có quan hệ gắn bó chặt chẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.  Do đó, chính quyền ông Biden đang xem xét ràng buộc yêu cầu hỗ trợ cho Ukraine với đề nghị viện trợ cho Israel.

Mỹ có thể phải thất hứa với Ukraine để viện trợ cho Israel? - 2

Quân nhân Ukraine kiểm tra đạn súng cối bên trong hầm ở tiền tuyến Donetsk, Ukraine vào ngày 7/10 (Ảnh: Reuters).

Nhu cầu của Israel và Ukraine chồng lấn ở mức nào?

Israel là nước nhận hỗ trợ quân sự lâu dài và nguồn viện trợ ổn định từ Mỹ. Năm 2016, hai nước đã nhất trí thỏa thuận có thời hạn 10 năm trị giá 38 tỷ USD, bao gồm các khoản tài trợ hàng năm để mua thiết bị quân sự và khoản ngân sách phòng thủ tên lửa trị giá 5 tỷ USD.

Trong xung đột hiện nay, nhu cầu chính của Israel là có vũ khí cầm tay cho bộ binh và tên lửa phòng không đánh chặn để bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự, cũng như các trung tâm chỉ huy - kiểm soát quân sự. Trong khi đó, Ukraine có nhu cầu về đạn dược, hệ thống phòng thủ tên lửa và phương tiện đường bộ.

Khả năng Israel đã dùng gần hết đạn dược vũ khí cầm tay sau khi xung đột bùng nổ vào ngày 7/10 là rất thấp.

Còn về tên lửa phòng không, Israel sử dụng hệ thống Iron Dome ("Vòm Sắt"), được phát triển với sự hỗ trợ của Mỹ. Iron Dome không dùng cùng loại tên lửa đánh chặn với hệ thống Patriot của Mỹ đang được triển khai ở Ukraine.

Cả Israel và Ukraine đều sẽ được lợi nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn ngân sách giúp tăng cường năng lực sản xuất lâu dài của các nhà thầu quốc phòng tại nước này.

Điều đó cũng sẽ làm giảm bớt nỗi lo cho rằng việc viện trợ vũ khí cho nước ngoài đang làm cạn kiệt kho vũ khí của Mỹ và gây ra rủi ro đến an ninh quốc gia.

Mỹ có thể phải thất hứa với Ukraine để viện trợ cho Israel? - 3

Binh sĩ Israel đứng bên thi thể của thường dân Israel thiệt mạng gần biên giới với Dải Gaza (Ảnh: New York Times).

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Ông Biden hôm 10/10 cho biết Nhà Trắng đã bắt đầu gửi viện trợ quân sự cho Israel, bao gồm tên lửa đánh chặn bổ sung cho Iron Dome.

Theo Tổng thống Mỹ, khi Quốc hội họp trở lại, chính quyền của ông sẽ yêu cầu các nhà lập pháp "khẩn cấp hành động trước yêu cầu an ninh quốc gia của các đối tác quan trọng".

Quốc hội có thể bỏ phiếu về dự luật chi tiêu kết hợp viện trợ cho cả Israel và Ukraine, như đề xuất ngân sách mà ông Biden từng đưa ra vào tháng 8, kết hợp viện trợ cho Ukraine, cứu trợ thiên tai và kinh phí an ninh biên giới.

Ngân sách viện trợ cho cả hai nước cũng có thể được đưa vào dự luật chi tiêu lớn hơn mà Quốc hội Mỹ phải thông qua vào cuối năm nay, để duy trì hoạt động của chính phủ liên bang khi ngân sách chi tiêu tạm thời hết hạn vào tháng 11.

Theo Reuters