1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mối nguy hiểm với Nga khi tiêm kích F-16 Ukraine xung trận

Minh Phượng

(Dân trí) - Ukraine buộc phải thừa nhận rằng, lực lượng phòng không đã tạm thời mất khả năng bắn hạ máy bay chiến thuật của Nga. Bây giờ, họ chỉ có thể trông chờ vào tiêm kích F-16.

Mối nguy hiểm với Nga khi tiêm kích F-16 Ukraine xung trận - 1

Tiêm kích F-16 Ukraine (trái) và Su-35 Nga sắp có những cuộc đối đầu nảy lửa trên bầu trời Ukraine (Ảnh minh họa: Telegram).

Ukraine làm gì để ngăn chặn "vũ khí thần kỳ" của Nga?

Ngày 27/3, trên tạp chí Forbes của Mỹ, chuyên gia David Axe nhận định, bom lượn có điều khiển của Nga là "vũ khí thần kỳ" và Ukraine sẽ phải mất vài tháng mới có thể phản công bằng máy bay chiến đấu F-16.

Chuyên gia Mỹ cho biết, không quân chiến thuật Nga đã thả 125 quả bom lượn mỗi ngày và giúp phá tan pháo đài Avdiivka mà lực lượng vũ trang Ukraine mất 8 năm xây dựng.

Bài báo của Forbes cũng dẫn lời của một người lính thuộc Lữ đoàn xung kích Azov số 3 Ukraine cho biết: "Bất cứ nơi nào bom Nga đánh trúng, chỉ còn lại hố bom trong các tòa nhà".

Trước tình hình máy bay Nga thả bom lượn dồn dập, Ukraine đã mạo hiểm triển khai các hệ thống phòng không Patriot quý hiếm ra sát khu vực chiến tuyến và bắn hạ được một số máy bay chiến thuật của đối phương.

Tuy nhiên, sau khi bị Nga phát hiện và phá hủy, Ukraine đành phải rút số tên lửa Patriot về tuyến sau và buộc phải thừa nhận rằng, lực lượng phòng không của họ đã tạm thời mất khả năng tiêu diệt chiến đấu cơ Nga và bây giờ họ chỉ có thể trông chờ vào tiêm kích F-16.

F-16 có giúp Ukraine thay đổi tình thế chiến trường?

Trung tướng Ukraine Ivan Gavrylyuk, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu F-16 sẽ giúp ích đẩy lùi các cuộc ném bom lượn của Nga.

Một số trang mạng xã hội thân Ukraine cho hay, "các phi công của Ukraine đã lái máy bay chiến đấu F-16 do NATO cung cấp, cất cánh từ Căn cứ Không quân Romania, hạ cánh xuống sân bay trên lãnh thổ Ukraine, rồi quay trở lại Romania". Tuy nhiên, đây chỉ là những tin đồn.

Một số cư dân khu vực biên giới Transcarpathian đã nhìn thấy máy bay chiến đấu F-16 trên bầu trời biên giới giữa hai nước, nhưng không rõ máy bay của ai.

Mặc dù Ukraine muốn F-16 xuất hiện ngay trên chiến trường, nhưng với tình hình hiện tại, họ chưa thể tiếp cận được những chiếc tiêm kích tương đối tiên tiến mà phương Tây hứa viện trợ.

Theo các nhà phân tích, F-16 có thể đối phó với lực lượng không quân chiến thuật Nga, nhưng về cơ bản nó ít tác dụng.

Để đáp ứng được yêu cầu hoạt động của F-16, Ukraine phải cải tạo một số sân bay ở sát biên giới với các quốc gia NATO làm căn cứ, đồng thời sửa chữa một số sân bay sát khu vực chiến tuyến, với mục đích để F-16 hạ và cất cánh để tiếp nhiên liệu.

Chắc chắn các quốc gia NATO giáp biên giới với Ukraine sẽ không mạo hiểm cho F-16 của Ukraine hạ và cất cánh, vì hành động như vậy khiến cuộc chiến tại Ukraine leo thang. Việc này chắc Nga cũng không để yên.

Mối nguy hiểm với Nga khi tiêm kích F-16 Ukraine xung trận - 2

Chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo (giữa và bên phải) cùng với tiêm kích Su-27 Ukraine trong cuộc diễn tập tại Mỹ. (Ảnh: The Drive).

Điều lo ngại nhất với Nga

Có một điều mà Nga biết nhưng không thể làm gì được, đó là việc chia sẻ thông tin tình báo của NATO cho Ukraine. Không quân Ukraine phải phụ thuộc rất nhiều vào thông tin tình báo do Mỹ và NATO cung cấp theo thời gian thực.

Tiêm kích F-16 thực chất chỉ là máy bay chiến đấu thế hệ 4 đời đầu, đã bị các nước như Đan Mạch hay Hà Lan loại khỏi biên chế chiến đấu. Trên thực tế, nó không phải đối thủ xứng tầm của các loại máy bay đánh chặn của Nga như MiG-31 hay Su-35.

Tuy nhiên, với sự giúp đỡ về thông tin tình báo của Mỹ và NATO từ các loại máy bay chiến đấu tàng hình F-35, máy bay cảnh báo sớm, UAV trinh sát chiến lược tầm cao, máy bay trinh sát, máy bay tác chiến điện tử, vệ tinh và các kênh hỗ trợ tình báo…, thì F-16 của Ukraine có thể sẽ làm nên bất ngờ.

Lúc này những chiếc F-16 của Ukraine chỉ đóng vai "ngựa thồ", sử dụng tên lửa không đối không tầm xa AIM-120C, phóng theo kiểu "bắn và quên" ở ngoài tầm hoạt động của các loại tên lửa không đối không của Nga, tiêu diệt máy bay ném bom lượn ở sát khu vực chiến tuyến.

Trong lịch sử, F-16 Pakistan đã sử dụng tên lửa không đối không AIM-120 để bắn hạ MiG-21 của Ấn Độ. Nhưng chiến công này có được một phần là nhờ máy bay cảnh báo sớm ZDK-03 của Không quân Pakistan đứng sau toàn bộ vụ việc. Còn F-16 sẽ không thể đánh bại tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ.

Cách đây không lâu, UAV trinh sát chiến lược tầm cao RQ-4 Global Hawk của Mỹ đã bay trên khu vực Biển Đen, để theo dõi kết quả cuộc tấn công tên lửa của quân đội Ukraine vào quân cảng Sevastopol tại bán đảo Crimea.

Những máy bay cảnh báo sớm của NATO hoạt động trên khu vực Biển Đen hay máy bay cảnh báo sớm của NATO đang tiến hành trinh sát bên ngoài biên giới Ukraine, được điều khiển từ trung tâm chỉ huy của NATO ở Romania và Ba Lan. Mặc dù quân đội Nga đã biết, nhưng không thể bắn hạ, do chiến trường chỉ giới hạn trong biên giới Ukraine.

Các máy bay tác chiến điện tử của NATO không cần phải bay vào Ukraine, mà chỉ cần bay trên không phận Romania, Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia cũng có thể phát hiện các chiến đấu cơ của Không quân Nga cất cánh và cung cấp thông tin tình báo cho quân đội Ukraine qua đường liên kết dữ liệu theo thời gian thực.

Trong cuộc chiến giành ưu thế trên không, nếu chỉ có tiêm kích tiên tiến là chưa đủ mà nó đòi hỏi cả một hệ thống đồng bộ. Việc thiếu máy bay cảnh báo sớm trong Không quân Ukraine là một khó khăn lớn, nhưng họ đã có thể dựa vào nguồn thông tin của NATO.

Dù vậy, lực lượng máy bay cảnh báo sớm của NATO cũng không phải là toàn năng, vì lãnh thổ Ukraine quá rộng lớn, nên khả năng phát hiện mục tiêu ở không phận phía đông nước này cũng bị hạn chế.

Thiếu máy bay cảnh báo sớm, chiến đấu cơ F-16 giống người mù. Quân đội Mỹ chắc chắn không đưa chiến đấu cơ F-35 bay vào không phận Ukraine làm nhiệm vụ trinh sát, mà chỉ dám bay dọc theo đường biên giới Ukraine. Nếu đường bay như vậy, việc phát hiện thấy mục tiêu trên không của Nga là con số 0.

Ukraine sắp nhận được máy bay chiến đấu F-16, đây là mẫu cũ được sản xuất cách đây 40 năm và nó không thể có lợi thế về kỹ thuật và tính năng so với những tiêm kích Su-30SM, Su-35 và Su-57 của đối phương.

Nhưng với Nga, trong trường hợp không có máy bay cảnh báo sớm A-50, hiệu quả phát hiện F-16 sẽ giảm.

Chiến tranh là sự đối đầu của các hệ thống, không phải là một ván cờ, cũng không thể xoay chuyển tình thế chiến trường bằng một hoặc hai loại vũ khí tiên tiến (trừ vũ khí hạt nhân) chứ đừng nói đến một loại vũ khí đã cũ.

Mối nguy hiểm với Nga khi tiêm kích F-16 Ukraine xung trận - 3

Ukraine muốn sớm nhận được tiêm kích F-16 do phương Tây viện trợ (Ảnh: Reuters).

Moscow có chịu ngồi im để NATO hành động?

Hãng tin Nga Interfax hôm 27/3, đã dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, trong trường hợp Ukraine nhận được tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất, các nước thứ ba không được cho phép chúng cất cánh trên sân bay của họ nếu không muốn leo thang căng thẳng với Moscow.

"Nếu chúng được sử dụng từ sân bay của nước thứ ba, chúng sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của chúng tôi, bất kể mục tiêu đó ở đâu", Tổng thống Putin phát biểu trước nhóm quân nhân Nga tại vùng Tver.

Ông Putin khẳng định, việc Ukraine được viện trợ F-16 không thay đổi tình thế trên chiến trường. "Chúng tôi sẽ tiêu diệt máy bay của họ giống cách chúng tôi phá hủy những chiếc xe tăng, xe bọc thép và các loại khí tài khác, bao gồm cả hệ thống pháo phản lực phóng loạt", ông khẳng định.

Theo Forbes, Interfax
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine