1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do Ukraine luôn đau đầu với bài toán tiêm kích F-16

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ đã chấp thuận việc gửi tiêm kích hiện đại F-16 cho Ukraine và việc chuyển giao sẽ diễn ra sau khi phi công Ukraine hoàn tất khóa huấn luyện, nhưng Kiev vẫn rất đau đầu với bài toán này.

Lý do Ukraine luôn đau đầu với bài toán tiêm kích F-16 - 1

Tổng thống Zelensky tại căn cứ không quân Eindhoven ở Hà Lan hồi đầu tháng 8 (Ảnh: EPA).

Kể từ khi chiến sự bùng nổ, Ukraine đã vận động trong thời gian dài để thuyết phục Mỹ và các đồng minh viện trợ F-16 với hy vọng loại tiêm kích hiện đại này sẽ giúp các lực lượng của Kiev ứng phó với sức mạnh trên không vượt trội của Nga.

Kiev càng khẩn thiết kêu gọi phương Tây cung cấp F-16 khi họ triển khai chiến dịch phản công quy mô lớn vài tháng gần đây với mục tiêu giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát.

Cảm giác cấp bách của Ukraine trong nỗ lực phải có được máy bay chiến đấu tân tiến này phản ánh mối lo ngại về tình hình chiến sự hiện nay cũng như tình hình địa chính trị ở phương Tây.

Mỹ đã chấp thuận việc gửi tiêm kích hiện đại F-16 cho Ukraine theo yêu cầu và việc chuyển giao sẽ diễn ra sau khi phi công Ukraine hoàn tất khóa huấn luyện, nhưng Kiev vẫn rất đau đầu với bài toán này. Trong đó, việc đào tạo phi công và phi hành đoàn hỗ trợ là một quá trình lâu dài.

Các tiêm kích F-16 sẽ không được giao cho Ukraine cho đến năm sau. Nhưng điều đó không ngăn cản Tổng thống Volodymyr Zelensky lên ngồi trên một chiếc F-16 vào tuần trước khi đến thăm Hà Lan, điểm dừng trong chuyến công du châu Âu để kêu gọi các nước phương Tây cam kết và nhanh chóng chuyển F-16 càng nhanh càng tốt. 

Trong chuyến công du này, khi đến Đan Mạch, Tổng thống Zelensky ca ngợi chính phủ nước chủ nhà đã "giúp Ukraine trở nên bất khả chiến bại" với cam kết gửi 19 chiếc F-16. Tại Athens, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết lời đề nghị đào tạo phi công cho Ukraine của Hy Lạp sẽ "giúp chúng tôi đấu tranh cho tự do của mình".

Trong vòng vài ngày sau khi trở về Kiev, ông Zelensky đã nhận được cam kết cung cấp F-16 của nhiều quốc gia phương Tây, có thể là hơn 60 chiếc, hoặc cung cấp đào tạo cho phi công và phi hành đoàn hỗ trợ.

"Điều này quan trọng và cần thiết", Thủ tướng Jonas Gahr Store của Na Uy nói với ông Zelensky ở Kiev, đồng thời thông báo rằng chính phủ của ông sẽ cung cấp một số lượng F-16 chưa xác định, có thể là 10 chiếc hoặc ít hơn, trong thời gian tới.

Đó là một vòng chiến thắng đáng chú ý trong bài toán kêu gọi cung cấp tiêm kích hiện đại này của Kiev, điều mà ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cũng thừa nhận khó có thể sử dụng cho đến mùa xuân năm sau, và thậm chí khi đó chỉ một số phi công đủ trình độ mới có thể lái nó.

Giữa lúc cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra chậm chạp vào mùa hè này, những thông báo của ông Zelensky về việc có được F-16 báo hiệu một sự thừa nhận ngầm rằng, cuộc chiến kéo dài hơn 18 tháng ở Ukraine có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Đó cũng là một tín hiệu rõ ràng cho thấy, ông Zelensky đang tập trung vào một máy bay chiến đấu mạnh hơn và linh hoạt hơn các loại hiện có, nhưng điều đó đã làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc nó có thể thúc đẩy nỗ lực chiến tranh của Kiev đến mức nào.

F-16 có cả khả năng tấn công và phòng thủ và được trang bị để bắn hạ tên lửa và máy bay địch đang lao tới. Ukraine kiên quyết khẳng định, các máy bay sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể, mặc dù các quan chức Mỹ từ lâu vẫn nhấn mạnh rằng, xe tăng, đạn dược và hơn hết là lực lượng mặt đất được huấn luyện tốt đóng vai trò quan trọng hơn nhiều trong bối cảnh chiến sự hiện nay chủ yếu là một cuộc chiến trên bộ.

Việc vận hành các máy bay chiến đấu của phương Tây rất tốn kém và có thể phải mất nhiều năm để đào tạo và huấn luyện đủ số phi công để cung cấp đủ lực lượng yểm trợ trên không cần thiết.

Mối lo địa chính trị thay đổi

Khi thúc đẩy các nước phương Tây cung cấp F-16, Ukraine cũng cảm nhận được tình hình địa chính trị đang thay đổi, các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức ở Kiev và Washington cho biết.

Ông Zelensky dường như nỗ lực thúc đẩy các nước giao càng nhiều F-16 càng tốt trước khi diễn ra các cuộc bầu cử ở châu Âu và Mỹ bởi kết quả các cuộc bầu cử này có thể mang lại sự thay đổi quan điểm của chính phủ các nước đã hứa sẽ cung cấp máy bay.

Ví dụ, Hà Lan đã cam kết cung cấp cho Ukraine tới 42 chiếc F-16 mà nước này đang loại bỏ dần khỏi lực lượng không quân và nước này sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 11 này.

Tuy nhiên, mối lo ngại lớn hơn là Mỹ, nơi đảng Cộng hòa đang có khuynh hướng giảm dần sự hỗ trợ cho Ukraine. Hồi tháng 7, cựu Tổng thống Donald Trump, hiện là ứng viên số 1 của đảng Cộng hòa, cho biết ông sẽ thúc đẩy Tổng thống Zelensky đạt được các thỏa thuận hòa bình với Nga nếu trở lại nắm quyền.

Lý do Ukraine luôn đau đầu với bài toán tiêm kích F-16 - 2

Tổng thống Zelensky (trái) gặp các Thượng nghị sĩ Mỹ ở Kiev hồi đầu tháng 8 (Ảnh: Reuters).

"Những bất ổn chính trị của Mỹ đang đè nặng lên tâm trí của người Ukraine và toàn bộ châu Âu", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Richard Blumenthal, người đã gặp ông Zelensky ở Kiev hồi tuần trước nhận định và nói thêm: "Rõ ràng, một trong những mục tiêu ở đây là đảm bảo các cam kết một cách rõ ràng và dứt khoát nhất có thể".

Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa gửi cho Ukraine bất kỳ chiếc F-16 nào từ phi đội của mình, mặc dù tuần trước họ đã thông báo rằng sẽ đào tạo phi công tại các căn cứ không quân ở Texas và Arizona bắt đầu từ tháng 9.

Dự kiến sẽ phải mất ít nhất 4 tháng để đào tạo phi công Ukraine trên những chiếc máy bay tiên tiến hơn. Có thể còn mất nhiều thời gian hơn nữa để dạy họ trình độ tiếng Anh đủ để hiểu các tài liệu huấn luyện và giao tiếp với người hướng dẫn và kiểm soát viên không lưu. Hệ thống điện tử hàng không trên máy bay, bao gồm cả các nút bấm, đều bằng tiếng Anh.

Có một vấn đề khác trong kế hoạch cung cấp máy bay. Mỹ phải chấp thuận trước khi các quốc gia khác có thể gửi máy bay F-16 do Mỹ sản xuất tới Ukraine. Theo một quan chức Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đã ra tín hiệu với Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan rằng họ sẽ cho phép chuyển giao, nhưng một tổng thống mới có thể đảo ngược các thỏa thuận nếu việc giao hàng vẫn chưa hoàn thành.

Một cựu quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden cho rằng, việc ông Zelensky liên tiếp thông tin  hàng loạt cam kết về F-16 có thể nhằm mục đích khóa các cam kết của phương Tây nếu cuộc phản công chậm chạp của Kiev tiếp tục làm xói mòn sự ủng hộ của các đồng minh.

Cảm giác bất an và cấp bách của Tổng thống Zelensky được thể hiện rõ. Ngoài những nỗ lực ngoại giao, ông còn đề cập đến F-16 ít nhất 8 lần trong các bài phát biểu hàng đêm vào tháng 8, dự đoán rằng sự hiện diện của chúng trên bầu trời Ukraine sẽ đánh bại lực lượng Nga.

Ukraine thiếu các phi công quân sự đủ trình độ

Nhiều lực lượng không quân ở các nước châu Âu có F-16 và đang loại bỏ chúng để chuyển sang sử dụng F-35 thậm chí còn tiên tiến hơn. Vì vậy, số lượng F-16 của phương Tây rất dồi dào với chuỗi cung ứng và sửa chữa có sẵn. Phương Tây cũng có sẵn các chương trình đào tạo có thể hỗ trợ Kiev trong nhiều năm tới.

Lý do Ukraine luôn đau đầu với bài toán tiêm kích F-16 - 3

Một chiếc F-16 tại căn cứ không quân Skrydstrup ở thị trấn Vojens, Đan Mạch trong ảnh chụp hồi tháng 8 (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, trở ngại trước mắt đối với việc triển khai những chiếc F-16 như đã cam kết chính là việc Ukraine thiếu hụt các phi công quân sự đủ trình độ và phi hành đoàn hỗ trợ bay và bảo trì chúng.

Một cựu sĩ quan cấp cao của Lực lượng Không quân Mỹ cho biết cần có từ 8 đến 14 nhân viên hỗ trợ để bảo trì, cung cấp nhiên liệu và hỗ trợ cho mỗi chiếc F-16, tùy thuộc vào số lượng căn cứ mà các máy bay này hoạt động. Sĩ quan này cho biết sẽ mất khoảng thời gian dài để đào tạo các phi đội hỗ trợ như vậy.

Các quan chức Mỹ cho biết, cho đến nay, chỉ có 8 phi công Ukraine đủ trình độ tiếng Anh và có kinh nghiệm lái máy bay chiến đấu để bắt đầu huấn luyện trên F-16 ở Đan Mạch. Ít nhất 20 phi công khác đang bắt đầu theo học các lớp giảng dạy bằng tiếng Anh ở Vương quốc Anh.

Ngay cả các phi công Ukraine có kỹ năng lái các máy bay phản lực MiG-29 thời Liên Xô, vốn chiếm phần lớn phi đội hiện tại của Kiev, cũng sẽ phải học cách điều hướng công nghệ "tay ga và cần điều khiển" (HOTAS) của F-16. Đó là một hệ thống cho phép họ chuyển từ ném bom các mục tiêu trên mặt đất sang tham gia chiến đấu không đối không mà không cần rời tay khỏi bộ điều khiển. Hệ thống giúp việc điều hướng giữa hai mục tiêu dễ dàng hơn so với trên MiG-29, nhưng vẫn cần thời gian để tìm hiểu.

"Tất cả điều đó sẽ mất thời gian và có lẽ sẽ không thể hoàn thành trước cuối năm nay", tướng James B. Hecker, Chỉ huy không quân hàng đầu của Mỹ ở châu Âu nhận định.

Theo New York Times