1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Ukraine muốn có tiêm kích của Thụy Điển dù sắp được cấp F-16?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine tiếp tục kêu gọi Thụy Điển viện trợ tiêm kích Saab JAS 39, sau khi các nước phương Tây cam kết sẽ chuyển cho Kiev hàng chục chiếc F-16 do Mỹ sản xuất.

Vì sao Ukraine muốn có tiêm kích của Thụy Điển dù sắp được cấp F-16? - 1

Tiêm kích Gripen của Thụy Điển (Ảnh: Wikipedia).

Sau nhiều tháng vận động và kêu gọi, nỗ lực của Ukraine đã có kết quả. Ba quốc gia NATO là Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đã đồng ý chuyển cho Kiev hàng chục tiêm kích Lockheed Martin F-16 để trang bị cho các phi đội.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn chưa dừng lại ở đó. Tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tới Thụy Điển và kêu gọi Stockholm chuyển cho Kiev tiêm kích JAS 39 Gripen.  

Lực lượng không quân Thụy Điển có khoảng 100 chiếc JAS-39C/D và đang thay thế chúng bằng ít nhất 60 chiếc JAS-39E mới.

Theo các chuyên gia, Gripen có những thuộc tính kỹ thuật thậm chí còn phù hợp hơn với Ukraine trong cuộc chiến kéo dài 18 tháng qua với Nga.

Một trong những lý do quan trọng nhất là máy bay phản lực Thụy Điển không gặp khó khăn khi vận hành trên đường bộ và không cần đường băng chuyên biệt như F-16, theo Forbes.

Khả năng cất và hạ cánh trên đường bộ giải quyết một trong những điểm yếu lớn nhất của máy bay hiện đại: Căn cứ không quân. Không có cách nào để che giấu được một căn cứ rộng hàng nghìn héc-ta với đường băng dài 3.048m.

Căn cứ không quân sẽ trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên khi giao tranh bùng phát.

Một giải pháp rõ ràng nhất là các máy bay sẽ chuyển sang sử dụng đường bộ và đường cao tốc, những nơi có thể hoạt động như đường băng trong trường hợp khẩn cấp.

Lực lượng không quân Liên Xô đã thiết kế các máy bay chiến đấu cho chiến thuật này. Ví dụ, tiêm kích MiG-29 khi hạ cánh sẽ kích hoạt hệ thống ngăn chặn đá và các mảnh vật thể lạ trên đường bộ bị hút vào động cơ.

Các máy bay Su-24, Su-25 và Su-27 có cơ chế tương tự. Độ bền của máy bay và khả năng cất, hạ cánh với đường băng ngắn giúp MiG-29 có thể tồn tại được trong kho vũ khí Ukraine trong hơn một năm qua.

Ngày 24/2/2022, nhận được tin tình báo của phương Tây, Ukraine đã phân tán đội máy bay được sản xuất từ thời Liên Xô cũ ra các khu vực đường bộ, đường cao tốc để tránh bị "mưa tên lửa" Nga tấn công và phá hủy.

Trong hơn một năm rưỡi qua, dù Nga đã nhiều lần phóng hỏa lực vào các căn cứ không quân Ukraine, nhưng Kiev vẫn kịp sơ tán các máy bay này nhiều lần và linh hoạt nhờ khả năng có thể vận hành trên đường bộ.

Đây là điểm yếu của F-16. Theo chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin, một vấn đề với F-16 mà Ukraine đang đối mặt chính là Kiev thiếu đi các cơ sở hạ tầng phù hợp để vận hành các tiêm kích này trong hoạt động chiến đấu. 

Để F-16 hoạt động hết công suất, tiêm kích này cần một đường băng dài 762m, sạch sẽ. F-16 không có hệ thống ngăn vật thể lạ như MiG-29.

Trong kịch bản nếu Ukraine xây dựng các cơ sở để phù hợp cho hoạt động của F-16, Nga có thể sẽ tăng cường các cuộc không kích để phá hủy chúng trước khi những căn cứ hoàn thành, ông Litovkin nhận định.

Trong khi đó Gripen lại có các đặc tính phù hợp hơn F-16 để hoạt động trên đường bộ và đường cao tốc. Tiêm kích này sẽ phù hợp hơn với chiến thuật hiện tại của Ukraine hơn là F-16, theo Forbes.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine