1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Luật của kẻ mạnh

Theo Hãng phân tích chiến lược Stratfor (Mỹ), Trung Quốc có thể đang xây 16 nhà chứa máy bay dọc đường băng trên đảo Phú Lâm, nhiều khả năng dành cho chiến đấu cơ J-11 sau khi Bắc Kinh triển khai loại máy bay này tới đây hồi tháng 11/2015.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đang cấp tập xây dựng nhiều tòa nhà lớn để chứa vũ khí và xe chở đạn phục vụ chiến đấu cơ hoặc tên lửa phòng không. Stratfor cũng cảnh báo, Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng trên đảo Phú Lâm nhằm kéo dài đường băng phi pháp ở đây, đồng thời bồi đắp để mở rộng đảo này.

Khiêu khích có chủ ý

Ngày 21/2, khi trả lời phỏng vấn Hãng ABC, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết, Trung Quốc không xác nhận cũng không bác bỏ thông tin đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; và máy bay dân dụng, cùng tàu thuyền thương mại nên hoạt động bình thường bởi Bắc Kinh đã hứa sẽ không quân sự hóa khu vực này!?

Trước đó (17/2), Hãng ABC coi việc Trung Quốc triển khai HQ-9 ở Biển Đông là hành động khiêu khích có chủ ý.

Chiến đấu cơ J-31 Trung Quốc
Chiến đấu cơ J-31 Trung Quốc

Ngày 20/2, tờ The Independent bình luận, tháng 11/2018 sẽ kỷ niệm 100 năm Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc và khi đó thế giới lại có thể thấy một liên minh vừa tuyên chiến với Trung Quốc. Và từ đầu năm 2016, nguy cơ về một cuộc chiến tranh kiểu cũ đã được “hâm nóng” ở Biển Đông, và Chiến tranh thế giới thứ ba có thể xảy ra ở Biển Đông.

Cũng trong ngày 20/2, Đài Phát thanh Đức (DLF) dẫn quan ngại leo thang căng thẳng ở Biển Đông của tác giả Klaus Bardenhagen sau khi Trung Quốc lần đầu triển khai tên lửa đất đối không tại đảo Phú Lâm. Trong khi đó, Tiến sĩ Euan Graham thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy coi đây là một động thái leo thang.

Ngày 19/2, tờ Nhân Dân nhật báo đã kêu gọi quân đội Trung Quốc tấn công tàu chiến Mỹ trên Biển Đông để “bảo vệ hòa bình khu vực”; đồng thời khẳng định, Trung Quốc cần dạy cho Mỹ một bài học vì quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc!?

Tờ Thời báo Hoàn Cầu cũng vừa dẫn khẳng định của Bộ Quốc phòng Trung Quốc - các hệ thống phòng thủ trên biển và trên không đã tồn tại trên các đảo này từ lâu nay. Và tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vô tình đập lại lời nói trước đó của Ngoại trưởng Vương Nghị khi ông cho rằng, thông tin Bắc Kinh triển khai hệ thống tên lửa phòng không ở đảo Phú Lâm là sự dựng chuyện của báo chí phương Tây.

Đạo đức giả

Trung Quốc bị cáo buộc là “đạo đức giả” sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị khuyên Ngoại trưởng Australia (khi bà Julie Bishop có chuyến thăm Bắc Kinh hôm 17/2) không nên mua tàu ngầm của Nhật Bản vì “cảm xúc của các quốc gia châu Á” trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Theo ông Yoichi Shimada, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường đại học Fukui Prefectural, thật là đạo đức giả khi Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng, Nhật Bản hay Australia đang làm mất cân bằng trong khu vực, nhất là khi phát biểu này diễn ra đúng ngày hệ thống tên lửa phòng không của Trung Quốc bị phát hiện trên đảo Phú Lâm, đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.

Và trong khi Trung Quốc yêu cầu các nước không chế tạo tàu ngầm mới, nhưng Bắc Kinh lại đang khẩn trương chế tạo thêm nhiều tàu ngầm, đó chẳng phải là một kiểu đạo đức giả hay sao? Các nước trong khu vực đều thừa nhận, Trung Quốc hiện là quốc gia hung hăng nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương, nên chẳng ai tin và muốn “dây” với người chỉ thích bắt nạt kẻ yếu hơn mình.

Tờ Japan Times vừa dẫn phản ứng trước việc Bắc Kinh điều HQ-9 ra Biển Đông của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani - không thể bỏ qua hành vi đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng khu vực.

Được biết, trong cuộc gặp Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, ông Gen Nakatani cam kết, Tokyo sẽ tiếp tục hỗ trợ Washington tổ chức các chiến dịch tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trước đó (17/2), Tokyo đã bày tỏ quan ngại khi hay tin, Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến trên quần đảo Hoàng Sa.

Cũng trong ngày 17/2, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, 3 tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đây là lần thứ 5 Bắc Kinh xua tàu xâm nhập lãnh hải đất nước mặt trời mọc kể từ đầu năm 2016 đến nay.

Ngày 18/2, tờ điện tử Sóng Đức (DW) dẫn nhận định của chuyên gia Peter Kreuzer thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột Hessen (Đức), cùng kiến nghị: châu Âu nói chung và Đức nói riêng cần sẵn sàng tham gia sâu hơn vào các tiến trình giải quyết xung đột để góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, ít nhất là bàn thảo nhiều hơn về chủ đề Biển Đông.

Trong mấy ngày qua, Đài RFI, tờ La Croix, tờ Les Echos, tờ Le Monde đã có bài viết xung quanh việc Bắc Kinh triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 tới đảo Phú Lâm và đều coi đây là bước tiếp theo của tham vọng độc bá Biển Đông mà Trung Quốc đang theo đuổi. Thậm chí còn coi đây là một sự leo thang và động thái này cũng chứng tỏ, Trung Quốc không còn trong quá trình chuẩn bị, mà thực sự đã làm xong việc lấn chiếm, bồi đắp phi pháp.

Mượn cớ để quân sự hóa

Ngày 20/2, Hãng Kyodo News và Hãng Nikkei Asian Review cùng dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook khẳng định, Trung Quốc đã diễn tập tên lửa bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trước khi triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 tới đây.

Trước đó, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Scott Swift cũng tuyên bố, Bắc Kinh đã 3 lần điều HQ-9 đến đảo Phú Lâm. 2 lần trước để phục vụ tập trận phi pháp, 1 lần bắn hạ máy bay không người lái.

Ngày 18/2, tờ South China Morning Post dẫn bình luận của giới phân tích Trung Quốc - Bắc Kinh sẽ điều tên lửa chống hạm, chiến đấu cơ ra Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Và việc này “phụ thuộc vào cái gọi là mức độ khiêu khích từ phía Mỹ”.

Học giả Michael Pillsbury, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc thuộc Viện Hudson, Washington, Mỹ coi việc Trung Quốc điều tên lửa ra Hoàng Sa là động thái “vượt giới hạn đỏ”.

Giáo sư James Holmes đến từ Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, 16 quả tên lửa ở Hoàng Sa nằm trong hệ thống phòng thủ nhiều lớp do Bắc Kinh xây dựng ở những khu vực tự nhận là lãnh thổ của mình sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát Biển Đông mà không cần phải giao chiến. Và từ đó đặt ra luật chơi của họ, thậm chí phong tỏa tuyến hàng hải ở Biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông cho rằng, việc triển khai HQ-9 là minh chứng cho thấy, Trung Quốc có thể làm điều tương tự ở quần đảo Trường Sa trong thời gian tới với lý do “đối phó với mối đe dọa đến từ Mỹ”. Và các đường băng trên đảo Phú Lâm có thể phục vụ nhiều loại chiến đấu cơ như Su-27, Su-30, máy bay ném bom H-6 và máy bay vận tải lớn.

Ngày 19/2, phát biểu sau cuộc gặp gỡ Thủ tướng New Zealand John Key tại Sydney, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã kêu gọi các bên tranh chấp trên Biển Đông kiềm chế mọi hoạt động xây dựng, quân sự hóa các hòn đảo, cũng như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời cho rằng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cần giải quyết các tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Australia cũng cảnh báo Trung Quốc về nguy cơ xung đột trên Biển Đông.

Theo Đài RFI, hầu hết các chuyên gia có mặt tại Singapore tham dự Triển lãm Hàng không Quốc tế Singapore Airshow 2016 (từ 16 đến 21/2) đều cho rằng, thị trường máy bay trinh sát biển và các thiết bị do thám đang hết sức sôi động ở Đông Nam Á, khu vực có nhiều nước đang phải đối phó với hành động quyết liệt và ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo

PetroTimes