1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhà Trắng kêu gọi ông Tập Cận Bình giữ cam kết không quân sự hóa Biển Đông

(Dân trí) - Nhà Trắng hôm qua 26/2 hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở rộng cam kết không quân sự hóa quần đảo Trường Sa cũng như toàn bộ Biển Đông.

Trung Quốc đã xây trái phép đường băng trên đá Chữ Thập của Việt Nam. (Ảnh: Getty)
Trung Quốc đã xây trái phép đường băng trên đá Chữ Thập của Việt Nam. (Ảnh: Getty)

Dan Kritenbrink, cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề châu Á, đã đưa ra lời kêu gọi trên sau một tuần Mỹ và Trung Quốc “khẩu chiến” về việc Trung Quốc ngang nhiên triển khai tên lửa phòng không, chiến đấu cơ đến Hoàng Sa và lắp radar cao tần ở Trường Sa của Việt Nam.

“Chúng tôi cho rằng sẽ tốt hơn nếu ông Tập Cận Bình mở rộng cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Chúng tôi khuyến khích các người bạn Trung Quốc và những nước khác trong khu vực kiềm chế để tránh các hành động gây căng thẳng”, ông Kritenbrink phát biểu tại một cuộc họp ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).

Trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa Trường Sa. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, giới chức Mỹ vẫn nhận thấy ý đồ quân sự hóa của Trung Quốc khi xây dựng trái phép các đường băng và hệ thống radar ở đây. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi mới đây Trung Quốc tiếp tục đưa hệ thống tên lửa phòng không, chiến đấu cơ tới Hoàng Sa và lắp các radar cao tần ở Trường Sa.

Theo Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ Harry Harris, hành động trên của Trung Quốc “đang làm thay đổi bối cảnh hoạt động” ở Biển Đông và rằng Mỹ sẽ tăng cường tuần tra tự do hàng hải để thách thức tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc.

Ngoài hối thúc Trung Quốc giữ cam kết phi quân sự hóa, ông Kritenbrink cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết của tòa án quốc tế dự kiến đưa ra vào cuối năm nay liên quan đến tranh chấp chủ quyền với Philippines ở Biển Đông. “Khi phán quyết được đưa ra, nó sẽ ràng buộc cả hai bên. Đó sẽ là thời khắc quan trọng mà tất cả chúng ta ở khu vực nên quan tâm”, ông Kritenbrink nói.

Minh Phương

Tổng hợp