1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng hoảng chính trị Thái Lan sẽ đi về đâu?

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan đang có thêm những sắc thái mới khiến cánh cửa thoát hiểm của chính phủ đương nhiệm ngày càng khép chặt.



Vòng xoáy khủng hoảng chính trị ngày cà

Vòng xoáy khủng hoảng chính trị ngày càng khiến xã hội Thái Lan bị chia rẽ sâu sắc.

Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan đã kéo dài hơn 3 tháng qua với các cuộc biểu tình của quần chúng dưới sự lãnh đạo của cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban và sự hậu thuẫn ngầm của phe đối lập thiểu số tại Quốc hội Thái Lan.

Mục tiêu của các cuộc biểu tình rầm rộ này là sử dụng sức mạnh quần chúng để lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra thuộc đảng Puea Thai chiếm đa số trong Quốc hội. Phe đối lập muốn loại bỏ hoàn hoàn sự ảnh hưởng của dòng họ Shinawatra ra khỏi đời sống chính trị đất nước với lý do bà Yingluck chỉ là “con rối” trong tay anh trai Thaksin Shinawatra, cựu Thủ tướng bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và đang phải sống lưu vong ở nước ngoài.  

“Sai một ly, đi một dặm”

Các cuộc biểu tình được phe đối lập Thái Lan phát động sau khi Quốc hội nước này thông qua đạo luật ân xá gây tranh cãi nhằm mở đường cho cựu Thủ tướng Thaksin trở về nước sau hơn 7 năm sống lưu vong ở Dubai. Khi đó, cả Quốc hội Thái Lan và chính phủ của bà Yingluck đã đánh giá thấp mức độ phản kháng của phe đối lập vốn đang nhận được sự hậu thuẫn rộng rãi của tầng lớp trung lưu tại Bangkok lẫn người dân ở hầu hết khu vực phía Nam.

Để hoàn thành ý đồ lật đổ chính phủ, phe đối lập không chỉ dừng lại ở các cuộc biểu tình hòa bình tại Bangkok thông qua chiến dịch “phong tỏa thủ đô”, mà còn kích động tâm lý bất mãn và bạo loạn ở những người chống đối quá khích để gây sự chú ý của quốc tế cũng như lôi kéo sự can thiệp của quân đội. Những nấc thang chống đối ngày càng được mở rộng cả về quy mô và mức độ, chuyển từ biểu tình hòa bình sang biểu tình bạo loạn, từ đấu tranh đường phố sang đấu tranh pháp lý.

Trong chiến lược phản kháng mới nhất, phe đối lập đã cương quyết cự tuyệt cuộc tổng tuyển cử sớm hôm 2/2 và tìm cách ngăn cản hàng triệu cử tri đến bỏ phiếu tại các điểm bầu cử. Kết quả là có tới 10% điểm bỏ phiếu phải đóng cửa do bị người biểu tình ngăn cản, tỷ lệ cử tri đi bầu cũng ở mức rất thấp, gần 47%.

Ngoài ra, phe đối lập còn đệ đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp đòi hủy kết quả bầu cử mà họ cho là vi hiến, đồng thời đe dọa sẽ  tiếp tục đấu tranh đến khi nào hoàn thành ý đồ lật đổ chính phủ.

Thực tế này đang đặt chính phủ tạm quyền Thái Lan trước giai đoạn bất ổn chính trị mới do có nguy cơ bị tòa án can thiệp, hoặc xấu hơn là bị quân đội đảo chính.  

Mặc dù sắc xuất xảy ra những điều này vào thời điểm hiện tại không cao song, không không ai có thể nói trước tương lai của quốc gia nơi mà quân đội và bộ máy tư pháp có lịch sử thường tiến hành can thiệp để thiết lập lại nền chính trị.

Tương lai bất định ở Thái Lan

Hiến pháp Thái Lan năm 1932 thiết lập chế độ Quân chủ lập hiến, theo đó nhà vua chỉ mang tính biểu tượng và quyền lực chính trị hoàn toàn năm trong tay chính phủ. Muốn thay đổi một chính phủ nhất thiết phải thông qua cuộc bầu cử Quốc hội để lập ra chính phủ theo chế độ đại nghị tương tự như Vương quốc Anh.

Chiểu theo Hiến pháp, Thủ tướng Yingluck đã đồng ý tiến hành cuộc tổng tuyển cử sớm nhưng lãnh đạo phe đối lập Suthep Thaugsuban vẫn giữ nguyên yêu sách đòi bà Yingluck phải từ chức và trao lại quyền hạn cho hội đồng nhân dân được tuyển chọn không qua bầu cử. Hội đồng này sẽ thực hiện việc giám sát cải tổ nhằm giảm bớt quyền lực chính trị của bà Yingluck, đồng nghĩa với việc giảm sự ảnh hưởng của dòng họ Thaksin.

Ông Suthep cho biết các cuộc biểu tình và các hoạt động chống đối sẽ tiếp diễn cho tới khi bà Yingluck từ chức và hội đồng nhân dân được thiết lập để thế chỗ bà.

Ông cũng khẳng định sẽ tìm kiếm chỗ dựa pháp lý từ Tòa án Hiến pháp hoặc sự hậu thuẫn từ quân đội như đã từng làm trong cuộc lật đổ chính quyền của cựu Thủ tướng Thaksin.

Nếu kịch bản này xảy ra, đây không phải là lần đầu tiên nền chính trị Thái Lan có sự thay đổi ngoài quy định của hiến pháp. Trong quá khứ, quân đội Thái Lan từng tổ chức 18 lần đảo chính trong 81 năm tồn tại của nền dân chủ Thái Lan (1932-2013), nơi có khoảng 70 triệu dân và có nền kinh tế phát triển thuộc loại cao trong khu vực.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp Tòa án Hiến pháp và quân đội không ra tay, chính phủ của bà Yingluck cũng không mấy dễ thở do không có đủ số nghị sĩ để thành lập chính phủ mới. Bà Yingluck sẽ phải tiếp tục điều hành chính phủ lâm thời với quyền lực hạn chế cho đến khi tổ chức xong các cuộc bầu cử bổ sung ở 69 khu vực chưa thể bỏ phiếu.

Một vấn đề nảy sinh là nếu đảm nhiệm vai trò Thủ tướng lâm thời càng lâu, bà Yingluck càng chịu nhiều sức ép từ phe đối lập. Nguy cơ bị lật đổ càng cao và ngày càng có khả năng các cơ quan độc lập sẽ đưa ra quyết định để phá vỡ thế bế tắc.

Vòng luẩn quẩn này sẽ đẩy chính trường Thái Lan tiếp tục chìm sâu hơn vào khủng hoảng và những người chịu thiệt thòi nhất, không phải ai khác ngoài chính người dân nước này.

Hai chiều hướng chấm dứt khủng hoảng

Tình trạng chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội sẽ ngày càng khiến cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan đi vào ngõ cụt, trừ phi sẽ được giải quyết theo hai chiều hướng sau.

Thứ nhất là, Tòa án Hiến pháp bác đơn kiện của phe đối lập, cho phép tiến hành bầu cử bổ sung và quân đội công khai hậu thuẫn cách giải quyết khủng hoảng của bà Yingluck.

Nếu kịch bản này xảy ra, làn sóng biểu tình sẽ tự tan rã. Kết quả tổng tuyển cử cũng sẽ được nhanh chóng công bố sau khi kết thúc đợt bầu cử bổ sung, cho phép chính đảng chiếm đa số tại Quốc hội đứng ra thành lập chính phủ mới. Bất luận thắng lợi thuộc về bên nào, sự ổn định chính trị cũng sẽ được tái lập và chính phủ mới sẽ vận hành bình thường trở lại theo Hiến pháp.

Hai là, chính phủ tạm quyền của bà Yingluck không nhận được sự ủng hộ của quân đội cũng như của bộ máy tư pháp. Trong chiều hướng này, quân đội Thái Lan, theo tiền lệ, sẽ lại can thiệp vào chính trường để tái ổn định tình hình, dù rằng đây cũng chỉ là tình thế “đảo chính bất đắc dĩ”.

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là sau đảo chính Thái Lan sẽ như thế nào?

Theo hiến định, nước này sẽ lại phải tiến hành một cuộc tổng tuyển cử mới để bầu ra Quốc hội và chính phủ mới, mà với tương quan lực lượng hiện nay thì phần thắng có lẽ vẫn sẽ lại nghiêng về đảng Puea Thai. Câu chuyện biểu tình, chống đối chính phủ của bà Yingluck sẽ trở lại vòng xoay ban đầu với cuộc khủng hoảng chưa biết đến khi nào mới kết thúc.

Đức Vũ