1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hiện trường vụ tấn công của Ukraine khiến Nga mất 9 trực thăng quân sự

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ảnh vệ tinh cho thấy hình ảnh căn cứ quân sự tại khu vực Nga kiểm soát dường bị thiệt hại sau khi Ukraine tuyên bố phóng tên lửa tầm xa ATACMS phá hủy số lượng lớn trực thăng của Moscow.

Hiện trường vụ tấn công của Ukraine khiến Nga mất 9 trực thăng quân sự - 1

Ukraine tuyên bố phá hủy số lượng lớn vũ khí Nga trong vụ tấn công bằng tên lửa ATACMS ở sân bay quân sự Berdyansk (Ảnh: Planet Labs).

Công ty Planet Labs công bố hình ảnh vệ tinh chụp ngày 18/10 cho thấy thiệt hại tại 1 trong 2 sân bay quân sự ở khu vực Nga kiểm soát sau khi Ukraine tuyên bố tấn công bằng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ viện trợ vào đêm 16, rạng sáng 17/10.

Ukraine nói họ đã tấn công 2 sân bay quân sự ở Lugansk và Berdyansk ở Zaporizhia, phá hủy của đối phương 9 trực thăng, kho đạn và một số vũ khí khác.

Nga chưa lên tiếng về thông tin này, nhưng một tài khoản Telegram do cựu phi công Moscow vận hành nhận định, đây được xem là một trong những vụ tập kích nghiêm trọng nhất mà Moscow đối mặt trong gần 20 tháng chiến sự với Ukraine. 

Hình ảnh của Planet Labs cho thấy hiện trường vụ tấn công ở sân bay Berdyansk. Có thể thấy nhiều vết cháy xém nơi được cho là nơi trực thăng Nga từng đậu trước khi bị tấn công.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, nhận định rằng vụ tấn công của Ukraine bằng tên lửa ATACMS có thể sẽ khiến bộ chỉ huy Nga phải phân tán các vũ khí và rút một số máy bay vào khu vực sâu hơn so với tiền tuyến.

Phiên bản ATACMS Mỹ cấp cho Ukraine có tầm tấn công 165km, là biến thể mang đạn chùm. Mỗi quả ATACMS chứa 950 viên đạn chùm bên trong, có khả năng bung ra sau khi khai hỏa, gây ra khả năng tàn phá trên diện rộng.

Vụ tấn công đêm 16/10 được xem là lần đầu tiên Ukraine sử dụng ATACMS trong chiến sự. Nó đánh dấu sự thay đổi của Mỹ sau khi Washington mất nhiều tháng do dự cấp vũ khí tầm xa cho Kiev, vì lo ngại chiến sự sẽ leo thang vượt tầm kiểm soát. Ukraine cũng đã cam kết sẽ không sử dụng ATACMS tấn công vào lãnh thổ của Nga.

Ukraine lần đầu đăng video khai hỏa tên lửa ATACMS phá hủy 9 trực thăng Nga (Video: Quân đội Ukraine).

Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận rằng tên lửa ATACMS của Mỹ sản xuất gây ra mối đe dọa cho Moscow. Tuy nhiên, ông cho rằng đây sẽ không thể là vũ khí làm thay đổi cuộc chơi và việc Mỹ viện trợ tên lửa này cho Ukraine là "một sai lầm khác của Washington".

Trong khi đó, Mykhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống Ukraine, tuyên bố rằng "một chương mới của cuộc chiến này đã bắt đầu". Ông cho rằng, với việc Ukraine sở hữu tên lửa tầm xa, quân đội Nga không còn an toàn trong các khu vực mà Moscow đang kiểm soát.

Mặt khác, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine trong thời gian tới. 

Ông Kuleba tiết lộ, đây là kết quả trực tiếp của các thỏa thuận giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp hồi tháng 9 ở Washington.

"Nếu đọc bài phát biểu của Tổng thống Zelensky sau cuộc gặp với Tổng thống Biden, chúng ta có thể hiểu rằng một quyết định rất quan trọng đã được đưa ra… Vì vậy, xin cảm ơn Mỹ vì đã thực hiện các thỏa thuận và tăng cường hỏa lực cho Ukraine", ông nói.

Các nguồn tin nói rằng, Washington dường như đã chuyển cho Kiev 20 quả ATACMS trong lô đầu tiên. Nhà ngoại giao Ukraine bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine tên lửa ATACMS phiên bản có tầm tấn công 165km trong tương lai.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine