1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hàn Quốc lần đầu tập trận chống phổ biến vũ khí hủy diệt

(Dân trí) - Hàn Quốc hôm nay đã chính thức khởi động cuộc tập trận quốc tế trên biển đầu tiên theo PSI, một sáng kiến đa quốc gia do Mỹ chủ xướng nhằm ngăn chặn buôn bán vũ khí hủy diệt hàng loạt.

 
Hàn Quốc lần đầu tập trận chống phổ biến vũ khí hủy diệt - 1

Tàu khu trục Mỹ tham gia cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trên vùng biển phía đông Bán đảo Triều Tiên hồi tháng 7.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cuộc tập trận mang tên “Eastern Endeavor Ten” đã mở màn tại khu vực biển ngoài khơi thành phố Busan, phía nam Hàn Quốc. Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 12 đến 14/10 với sự tham dự của 14 nước, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Theo một quan chức Bộ Quốc phòng, kịch bản tập trận không nhằm vào quốc gia cụ thể nào, kể cả Triều Tiên.

Khoảng 10 tàu chiến của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, trong đó có tàu khu trục USS Lassen 9.000 tấn của Mỹ và 2 tàu khu trục KDX-II 4.500 tấn của Hàn Quốc, đã tham gia tập trận.

Australia cử các máy bay tuần tra hải quân P-3C và máy bay chống tàu ngầm. Các nước khác như Pháp và Canada gửi quan sát viên.

Cuộc tập trận trên biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ được thực hiện vào ngày 14/10 và hai nước sẽ điều động tàu khu trục Aegis và trực thăng Lynx nhằm chống tàu ngầm.

Trong khuôn khổ hoạt động diễn tập, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã tổ chức hội nghị chuyên đề với sự tham dự của các đại biểu từ 14 nước. Các bên đã thảo luận về kế hoạch thực hiện theo PSI và cách thức ngăn chặn các loại vũ khí trên biển.

Sáng kiến PSI do Mỹ khởi xướng năm 2003 nhằm kêu gọi các nước phong tỏa, ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí hủy diệt hàng loạt và các nước tham gia PSI đã thay phiên nhau tổ chức cuộc huấn luyện này.

PSI cho phép kiểm tra các tàu thuyền bị nghi ngờ chở vũ khí hủy diệt hàng loạt và giám sát các động thái của Triều Tiên, Iran và Syria. Ban đầu, Hàn Quốc không tham gia các hoạt động ngăn chặn đường biển do lo ngại phản ứng từ phía Triều Tiên, nhưng khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân thứ hai vào tháng 5 năm ngoái, Seoul đã trở thành thành viên đầy đủ của PSI.

Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cuộc huấn luyện đã diễn ra tại Australia vào 14/9 năm nay và tại Singapore ngày 27/10 năm ngoái.

Việt Hà
Theo Yonhap, AP