1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải pháp nào cho Gaza khi lệnh ngừng bắn Israel - Hamas hết hạn?

Thanh Thành

(Dân trí) - Thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas được gia hạn đến ngày 1/12, tạo điều kiện cho hoạt động trao trả con tin. Câu hỏi đặt ra là liệu Tel Aviv sẽ tiếp tục chiến dịch tấn công thế nào nhằm vào Hamas.

Giải pháp nào cho Gaza khi lệnh ngừng bắn Israel - Hamas hết hạn? - 1

Người Palestine chạy nạn khỏi địa điểm xảy ra cuộc không kích của Israel ở Khan Younis, Dải Gaza (Ảnh: Reuters).

Những ngày gần đây, thế giới đã chứng kiến tin tức tích cực đầu tiên từ Gaza sau một thời gian dài chiến sự khốc liệt.

Là một phần của lệnh ngừng bắn do Qatar, Ai Cập và Mỹ làm trung gian bắt đầu vào 24/11 và được gia hạn tới ngày 1/12, Hamas đã thả hàng chục trong số hơn 200 người mà lực lượng này bắt giữ trong cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10. Về phần mình, Israel đã thả 150 tù nhân Palestine, tạm dừng bắn phá Gaza và cho phép thêm hàng hóa nhân đạo vào dải đất này sau hơn 5 tuần chiến sự căng thẳng.

Thỏa thuận mở ra triển vọng các bên có thể gia hạn thêm lệnh ngừng bắn và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27/11 cho biết chính quyền của ông đang nỗ lực để giúp các bên đạt được mục tiêu đó. Đó là mục tiêu đúng đắn.

Giờ đây, chính quyền Tổng thống Biden phải làm rõ lý do vì sao việc gia hạn như vậy lại có lợi cho cả Israel và người Palestine, cũng như lợi ích của Washington và các đối tác quốc tế của nước này.

Một lệnh ngừng bắn kéo dài có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao trả nhiều con tin Israel hơn và giảm nguy cơ làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo đối với dân thường ở Gaza. Nó cũng có thể giúp làm dịu căng thẳng ở Bờ Tây và giảm nguy cơ chiến tranh leo thang và lan rộng bằng cách thu hút các tác nhân bên ngoài, chẳng hạn như nhóm Hezbollah ở Li Băng và cả Iran.

Tuy nhiên, việc gia hạn lệnh ngừng bắn chỉ là bước khởi đầu trong một quá trình kéo dài và lớn hơn, vốn đòi hỏi chính sách ngoại giao khu vực mạnh mẽ được Mỹ hậu thuẫn và điều quan trọng là cần có một cuộc cải tổ chính sách của Washington.

Khi Tổng thống Biden nhậm chức vào năm 2021, ông quyết tâm không lãng phí thời gian và sức lực vào những nỗ lực vô ích nhằm giải quyết xung đột Israel-Palestine. Nhưng cuộc chiến ở Gaza đã cho thấy vấn đề này không thể bỏ qua.

Để thực hiện tốt tuyên bố ngày 8/11 của Ngoại trưởng Antony Blinken về việc không thể quay trở lại hiện trạng rõ ràng là "không bền vững" trước đó, Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận tổng thể và cam kết thực hiện một tiến trình ngoại giao trên diện rộng để cuối cùng có thể giải quyết xung đột và ưu tiên quyền lợi và nhân đạo cho người dân trong khu vực.

Danh tiếng và uy tín toàn cầu của Mỹ đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi sự ủng hộ của nước này đối với chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza. Nhưng Washington vẫn là quốc gia duy nhất có các mối quan hệ và ảnh hưởng cần thiết để đảm bảo việc gia hạn lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện thuận lợi cho một quá trình mà cuối cùng có thể dẫn đến một thỏa thuận chấm dứt xung đột.

Cần giải pháp lâu dài

Nếu lệnh ngừng bắn ở Gaza được duy trì, nó có thể mở đường cho một giải pháp cho cuộc chiến hiện tại.

Bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải chấm dứt việc Israel phong tỏa và giam giữ thường dân Palestine ở Gaza. Nó cũng phải bác bỏ khả năng Hamas tiến hành các cuộc tấn công vào Israel. Mục tiêu mà chính phủ Israel nêu ra là "tiêu diệt Hamas" là điều dễ hiểu nhưng không thực tế.

Israel khó loại hoàn toàn Hamas, nhưng có thể khiến lực lượng này ôn hòa hơn bằng cách giải bài toán "tức giận và vô vọng" mà Hamas nuôi dưỡng lâu nay trong mối quan hệ với Tel Aviv. Cuối cùng, bất kỳ giải pháp công bằng nào cũng sẽ đòi hỏi phải tính đến thương vong hàng loạt của dân thường ở mỗi bên.

Mỹ đã ủng hộ cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Và Washington có thể phải làm điều tương tự ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine nếu muốn đi đến một giải pháp hòa bình lâu dài cho Gaza.

Một lệnh ngừng bắn kéo dài cũng sẽ tạo cơ hội cho Washington nghiêm túc sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine rộng lớn hơn một cách công bằng.

Giải pháp nào cho Gaza khi lệnh ngừng bắn Israel - Hamas hết hạn? - 2

Người dân Palestine rời đi trong ngày ngừng bắn gần thành phố Gaza hôm 27/11 (Ảnh: Reuters).

Nói rộng hơn, Mỹ cũng nên từ bỏ chính sách thất bại của mình trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán song phương, trực tiếp giữa các bên có sự mất cân bằng lớn về sức mạnh quân sự và ngoại giao. Thay vào đó, nếu lệnh ngừng bắn kéo dài được duy trì, Washington nên triệu tập ngay các bên đã gặp nhau vào tháng 2 để thảo luận về cuộc xung đột giữa Israel - Palestine và đưa ra cái gọi là "Thông cáo Aqaba" gồm Ai Cập, Israel, Jordan, Mỹ và đại diện của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Lần này Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, các đối tác an ninh duy trì các kênh mở với Iran và Hamas, cũng nên được mời.

Mục tiêu là đảm bảo một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột phù hợp với luật pháp quốc tế. Điều này sẽ bao gồm việc bình thường hóa toàn cầu và công nhận các quyền dân tộc của cả người Israel và Palestine trong khi vẫn đảm bảo an ninh và phúc lợi của họ.

Những bên tham gia có thể đề xuất các mô hình khác nhau làm điều khoản tham khảo. Một mô hình tiềm năng là "Sáng kiến Hòa bình Ả Rập", theo đó, đề xuất sự công nhận hoàn toàn của người Ả Rập đối với Israel để đổi lấy việc chấm dứt sự chiếm đóng bắt đầu từ năm 1967, một giải pháp công bằng cho vấn đề người tị nạn Palestine và thành lập một nhà nước Palestine.

Dù công thức nào được đưa ra, nó đều phải đối mặt với thực tế cơ bản rằng việc Israel chiếm đóng vô thời hạn và sáp nhập lãnh thổ Palestine trên thực tế là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Việc không thể khiến Israel loại bỏ nỗ lực thiết lập kiểm soát như vậy những vùng lãnh thổ này thì sẽ khó có thể giải quyết xung đột ngoại giao và còn có nguy cơ làm bùng thêm bạo lực.

Một nghị quyết công bằng cũng phải đảm bảo quyền của người Palestine trên tất cả các vùng lãnh thổ: Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem. Bất kỳ cách tiếp cận nào nhằm tách Gaza đều sẽ thất bại vì đây là một phần không thể thiếu của Palestine.

Ngoài việc dẫn đầu chính sách ngoại giao khu vực, Mỹ phải định hướng lại chính sách của mình, thực hiện các bước đi cụ thể để chấm dứt sự chiếm đóng ngày càng sâu rộng của Israel.

Washington cũng nên ngừng sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bảo vệ Israel khỏi những chỉ trích đối với các hoạt động liên quan đến việc sáp nhập và định cư của nước này.

Washington không nên mở đường cho Israel hoặc bất kỳ quốc gia nào khác sử dụng vũ khí mua từ Mỹ hoặc nguồn tài trợ của mình để vi phạm luật nhân đạo quốc tế hoặc cho bất kỳ mục đích nào bị luật pháp Mỹ cấm. Washington cũng nên ủng hộ một tiến trình dân chủ nhằm tạo ra một ban lãnh đạo hợp pháp của người Palestine, một ban lãnh đạo có thể đưa ra những cam kết đáng tin cậy thay mặt cho người dân Palestine.

Tổng thống Biden là người ủng hộ mạnh mẽ Israel trong suốt sự nghiệp chính trị của ông. Ông đã tạo dựng được uy tín to lớn đối với người dân Israel và bây giờ là lúc để ông sử dụng uy tín đó để thúc đẩy chính phủ Israel đi đúng hướng.

Nhà lãnh đạo Mỹ có thể dễ dàng chứng minh rằng những bước đi như vậy không gây căng thẳng với những cam kết đã hứa đối với an ninh lâu dài của Israel; trên thực tế, đó sẽ là việc hiện thực hóa lời hứa.

Gaza đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh kể từ năm 2007 và kịch bản luôn giống nhau: Một vài tuần các bên liên quan nhất trí cuộc khủng hoảng này phải được giải quyết, và sau đó mọi người đều lãng quên.

Thảm họa hiện nay là kết cục của mô hình đó. Thật khó để tưởng tượng rằng điều gì tốt đẹp có thể xảy ra sau gần 2 tháng đầy kinh hoàng và đổ máu vừa qua. Nhưng cam kết của Mỹ đối với một tiến trình ngoại giao bền vững dựa trên luật pháp quốc tế sẽ là một bước nhảy vọt hướng tới một tương lai an toàn và hòa bình cho cả hai dân tộc.

Theo Foreign Affairs
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas