1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Gadhafi sẵn sàng đàm phán cải cách chính trị với phương Tây

(Dân trí) - Chính phủ Libya cho hay nhà lãnh đạo Gadhafi sẵn sàng đàm phán cải cách chính trị với các cường quốc thế giới, trong khi có tin quân đội chính phủ đang “quyết tử” với lực lượng nổi dậy tại thành phố Misrata, thành trì cuối cùng của phe này tại miền tây.

Gadhafi sẵn sàng đàm phán cải cách chính trị với phương Tây - 1
Quân nổi dậy trong cuộc giao tranh với lực lượng chính phủ bên ngoài Brega, miền đông Libya, ngày 4/4.
 
Hôm qua đài truyền hình Libya đã cho phát hình ảnh nhà lãnh đạo Gadhafi vẫy chào những người ủng hộ ở bên ngoài đại bản doanh được bảo vệ nghiêm ngặt của ông tại thủ đô Tripoli. Ông Gadhafi xuất hiện trước những người ủng hộ trong bối cảnh các phái viên của ông đang nỗ lực đàm phán ở châu Âu về khả năng chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.

Trong động thái chứng tỏ hòa giải tiếp theo, người phát ngôn chính phủ Mussa Ibrahim hôm nay cho hay Libya đã sẵn sàng cho một “giải pháp chính trị” với các cường quốc thế giới.

“Chúng ta có thể có bất kỳ hệ thống chính trị nào, bất kỳ thay đổi nào, từ hiến pháp, bầu cử, mọi thứ. Nhưng nhà lãnh đạo (Gadhafi) phải là người đứng đầu để đưa ra”, ông cho biết với các phóng viên khi được hỏi về nội dung đàm phán với các nước khác.

Người phát ngôn cũng nhấn mạnh tương lai của nhà lãnh đạo Gadhafi là “không thể đàm phán”.

 

Tuyên bố trên của chính phủ Libya được đưa ra vài giờ sau khi phe đối lập từ chối một thỏa thuận hòa bình được biết theo đó con trai của ông Gadhafi sẽ đảm trách điều hành đất nước.

 

Ông Gadhafi là “chiếc van an toàn” để đoàn kết các bộ lạc, người dân trong nước, ông Ibrahim cho hay. “Chúng tôi cho rằng ông Gadhafi đóng vai trò rất quan trọng để dẫn dắt bấy kỳ cuộc chuyển giao nào tới một hình mẫu dân chủ và minh bạch”.

 

Tuyên bố cũng được đưa ra khi phái viên của ông Gadhafi đã có các cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ và Malta về một “lộ trình” dân chủ và khi báo chí Mỹ đưa tin 2 trong số những người con trai của ông Gadhafi đề nghị giám sát một cuộc chuyển giao dân chủ, có thể bao gồm cả việc nhà lãnh đạo Gadhafi từ bỏ quyền lực.

 

Tuy nhiên, Italia, từng đô hộ Libya, đã cho rằng giải pháp chính trị là không đáng tin cậy, khi các cuộc giao tranh giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ vẫn ác liệt.

 
Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cho biết họ đang nỗ lực làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn, khi một phái viên của chính phủ Libya từ Athens tới Ankara.

“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để chấm dứt đau thương và đóng góp vào tiến trình tạo dựng một lộ trình bao gồm cả những yêu cầu chính trị của người dân Libya”, Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu cho hay.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng dự kiến sẽ sớm đón đại diện của Hội đồng quốc gia lâm thời, đại diện cho phe nổi dậy ở Libya. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ cả hai bên đều “có ý muốn ngừng bắn”.

“Al-Qaeda đang lợi dụng tình thế ở Libya”

Gadhafi sẵn sàng đàm phán cải cách chính trị với phương Tây - 2
Tàu Thổ Nhĩ Kỳ đưa 250 người bị thương rời Misrata.
 
Một quan chức ở nước láng giềng Algeria cảnh báo al-Qaeda đang lợi dụng tình thế ở Libya để “kiếm chác” vũ khí, trong đó có cả tên lửa đất đối không. Quan chức giấu tên này cho biết đoàn xe gồm 8 chiếc xe tải Toyota đã rời miền đông Libya và hướng qua Chad, Niger tới miền bắc Mali, nơi vài ngày trước đã có một chuyến vũ khí được đưa tới đây.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã tỏ ra lo ngại với lực lượng nổi dậy tại Libya.

Còn ông Gadhafi cho biết cuộc nổi dậy là do những kẻ cấp tiến Hồi giáo và cường quốc phương Tây muốn tranh giành dầu lửa của Libya kích động.

Trong khi đó, những người sơ tán khỏi Misrata, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy tại miền Tây, miêu tả thành phố như “địa ngục”. Họ cho biết lực lượng của ông Gadhafi đã dùng xe tăng, súng bắn tỉa nhắm vào người dân, khiến đường phố rải đầy xác chết, trong khi các bệnh viện chật cứng người bị thương.

Tuy nhiên, giới chức Libya phủ nhận họ bắn vào dân thường ở Misrata và cho biết họ đang chiến đấu với các băng nhóm có vũ trang, liên hệ với al-Qaeda.

Misrata cùng với các thành phố khác đã bắt đầu nổi lên chống lại nhà lãnh đạo Gadhafi từ tháng trước. Tuy nhiên, hầu hết các thành phố khác đã bị lực lượng chính phủ chiếm lại.

Trong một diễn biến khác, một chuyến tàu của Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Misrata để cứu 250 người bị thương. Được tàu chiến và máy bay yểm trợ, tàu đã phải rời vội thành phố bởi có hàng ngàn người mong muốn được sơ tán chen lấn lên boong. Một chuyến tàu khác do Medecins Sans Frontieres tổ chức cũng đã tới Misrata đưa 71 người bị thương rời đi.

Phan Anh

Theo Reuters, AFP