1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đức coi Trung Quốc là mối đe dọa trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đức lần đầu công bố chiến lược an ninh quốc gia, trong đó coi Trung Quốc là mối đe dọa, đồng thời cam kết tăng chi tiêu quốc phòng.

Đức coi Trung Quốc là mối đe dọa trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên - 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Reuters).

Trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên được công bố hôm 14/6, Đức xem đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng gia tăng với an ninh toàn cầu.

Đức cáo buộc Trung Quốc tìm cách gia tăng quyền lực ở châu Á và sử dụng sức mạnh kinh tế để đạt được các mục tiêu về chính trị.

Tài liệu nêu bật các mối đe dọa chính mà Đức phải đối mặt, từ biến đổi khí hậu đến gián đoạn chuỗi cung ứng và bao gồm một số chi tiết cụ thể về chính sách, ví dụ như cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và thành lập một cơ quan chống lại các cuộc tấn công mạng.

Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, tài liệu là một thay đổi lớn đang được Đức thực hiện liên quan chính sách an ninh khi chuyển từ chiến lược quân sự sang khái niệm an ninh tổng hợp.

"Trong tương lai, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào vấn đề an ninh khi đưa ra các quyết định về chính sách kinh tế. Chúng tôi đã trả gấp đôi và gấp ba lần cho mỗi mét khối khí đốt của Nga bằng an ninh quốc gia của chúng tôi", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói.

Việc Đức phụ thuộc vào khí đốt Nga đã khiến nước này không thể ngay lập tức ngừng giao dịch năng lượng với Moscow sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát tháng 2/2022. Tài liệu cho thấy Đức coi Nga là mối đe dọa hàng đầu đối với hòa bình châu Âu ở thời điểm hiện tại.

Tài liệu nhấn mạnh sự cần thiết để Đức giảm tất cả sự phụ thuộc vào hàng hóa của các quốc gia khác và khuyến khích các công ty Berlin nắm giữ dự trữ chiến lược.

Theo Reuters, các biện pháp này hiện đặc biệt phù hợp với Đức khi châu Âu đang phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng vì chúng chìa khóa cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.

Văn bản cũng nêu mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng của Đức lên 2% GDP để đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng.

Theo Reuters