1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Donald Trump: Nếu Mỹ bị tấn công, người Nhật vẫn ngồi nhà xem tivi

(Dân trí) - Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump lại gây sốc khi đưa ra bình luận về quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, cho rằng Tokyo sẽ chỉ khoanh tay đứng nhìn nếu nước Mỹ bị tấn công.


Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump. (Ảnh: AFP)

Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump. (Ảnh: AFP)

Trong một bình luận hôm qua 6/8 tại buổi vận động tranh cử ở bang Iowa, tỷ phú Trump đã bày tỏ bức xúc việc Mỹ theo đuổi hiệp ước bảo vệ đồng minh Nhật Bản, nhưng đổi lại người Nhật có thể chỉ khoanh tay đứng nhìn nếu Mỹ bị tấn công.

“Chúng ta có hiệp ước với Nhật Bản, nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng ta phải huy động toàn bộ lực lượng và sức mạnh của nước Mỹ. Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản sẽ chẳng làm gì cả. Họ có thể ngồi nhà và xem tivi Sony”,ông Trump nói.

Tỷ phú Trump ngầm chỉ việc Hiến pháp Nhật Bản không cho phép triển khai lực lượng vũ trang ở nước ngoài.

Ông Trump nói thêm rằng, Mỹ đã phải bảo vệ cho các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ả rập Xê út và một số quốc gia khác nhưng không được trả công. “Họ phải trả phí. Bởi bây giờ không phải như 40 năm trước. Có đi phải có lại”, ông Trump nhấn mạnh.

Đây không phải là lần đầu tiên ứng viên tổng thống của Mỹ đề cập đến chuyện hối thúc đồng minh phải “sòng phẳng chuyện tài chính” để nhận được sự bảo vệ an ninh từ Mỹ. Hồi tháng 4, ông Trump từng nói các đồng minh như Nhật Bản hay Hàn Quốc hoặc phải trả tiền cho Mỹ hoặc phải tự đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.

Mỹ và Nhật Bản đã ký kết Hiệp ước hợp tác an ninh vào tháng 1/1960. Hai bên nhất trí hỗ trợ lẫn nhay trong trường hợp bị tấn công vũ trang. Tuy nhiên, hiện tại, Nhật Bản không thể hỗ trợ Mỹ nếu Washington bị tấn công, bởi lẽ theo Điều khoản 9 trong Hiến pháp nước này, Nhật Bản không được triển khai lực lượng ở nước ngoài.

Mỹ hiện có 47.000 binh sĩ đồn trú tại Nhật Bản. Quan hệ đồng minh với Nhật Bản được cho là đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh chung cũng như chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Minh Phương

Tổng hợp