1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đối ngoại nhân dân góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam

Thành Đạt

(Dân trí) - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định sự thành công của hoạt động đối ngoại nhân dân năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới tiềm ẩn nhiều thách thức.

Đối ngoại nhân dân góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam - 1

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 4/1 (Ảnh: Ngọc Thư).

Trong cuộc trao đổi với báo chí vào ngày 4/1, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga đã điểm lại các thành tựu của đối ngoại nhân dân trong năm 2022, mặc dù tình hình thế giới và khu vực đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đối ngoại nhân dân đi vào chiều sâu, hiệu quả

Bà Nguyễn Phương Nga cho biết, cùng với các thành tựu đối ngoại chung của cả nước trong năm 2022, đối ngoại nhân dân nói chung cũng như Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nói riêng đã có một năm rất thành công, đạt được hầu hết nhiệm vụ lớn đề ra trong năm. Các hoạt động đối ngoại nhân dân được triển khai với hình thức và nội dung đa dạng theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bảo đảm kế hoạch và yêu cầu đề ra.

Triển khai trọng tâm đối năm 2022 là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, VUFO đã tham gia và trực tiếp chủ trì nhiều hoạt động nổi bật như: Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Lào lần thứ V; Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Campuchia; tham gia tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại cấp cao như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Singapore, Campuchia; Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz thăm Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội Mozambique thăm Việt Nam; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Nguyễn Thị Thanh thăm Campuchia...

Trên bình diện đa phương, Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức một sự kiện lớn như vậy của Hội đồng Hòa bình thế giới trong suốt quá trình hơn 70 năm hình thành và phát triển của Hội đồng.

VUFO đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa và có sức lan tỏa lớn để kỷ niệm các sự kiện lớn như 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo, 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc... Thông qua các hoạt động này và nhiều hoạt động với các đối tác ở các khu vực khác, Việt Nam đã đưa quan hệ song phương, quan hệ đối ngoại nhân dân với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn.

Một trong những điểm rất nổi bật nữa của năm 2022 là sự gắn kết giữa trung ương và địa phương. Các hoạt động hữu nghị, hòa bình, đoàn kết nhân dân không chỉ được tổ chức trong phạm vi các cơ quan, các tổ chức hữu nghị ở trung ương mà được tổ chức ở rất nhiều địa phương, tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là những hoạt động thiết thực, tăng cường sự gắn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước.

Bên cạnh đó, năm 2022 cũng là năm nỗ lực vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra để tiếp tục tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngay cả trong điều kiện mới. Sự tham gia của đối ngoại nhân dân trong hoạt động của các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng là điểm sáng nổi bật của đối ngoại nhân dân trong năm 2022.

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới". Các hoạt động đã được triển khai để đối ngoại nhân dân ngày càng trở nên thiết thực và gắn sát với các mục tiêu phát triển của đất nước.

Cũng với tinh thần như vậy, trong năm 2022, một văn bản chỉ đạo mới (Nghị định số 58/2022/NĐ-CP của Chính phủ) về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đã được triển khai. Trong năm 2022, VUFO với tư cách là đầu mối, cơ quan chuyên trách về vận động PCPNN đã nỗ lực thông tin tới các tổ chức PCPNN về những chủ trương, chính sách và khung pháp lý của Việt Nam đối với các hoạt động của các tổ chức PCPNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức PCPNN triển khai hoạt động tại Việt Nam trong điều kiện cả thế giới đang phục hồi sau Covid-19. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, nguồn lực bên ngoài ngày càng trở nên khan hiếm, vận động viện trợ PCPNN trong năm 2022 vẫn đạt kết quả khả quan với tổng giá trị viện trợ hơn 200 triệu USD.

Một trong những điểm sáng nổi bật nữa của công tác đối ngoại nhân dân trong năm 2022 là công tác thông tin đối ngoại và nghiên cứu tham mưu. Công tác thông tin đối ngoại được triển khai chủ động, hiệu quả trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, bám sát chỉ đạo, định hướng của các cơ quan chức năng, tạo thành các đợt tuyên truyền mạnh mẽ, thống nhất và rộng rãi về các hoạt động đối ngoại lớn của đất nước và các hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Trong công tác nghiên cứu tham mưu, VUFO đã phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức nhiều cuộc tọa đàm về đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, về các vấn đề mới nảy sinh trong đời sống quốc tế, về đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Vượt qua những hạn chế, khó khăn  

Theo bà Nguyễn Phương Nga, năm 2022 là một năm khó khăn không chỉ với VUFO, với công tác đối ngoại nhân dân mà còn với tất cả quốc gia. Việc triển khai các chủ trương về đối ngoại gặp thách thức lớn do những biến động về địa chính trị, cạnh tranh chiến lược rất gay gắt giữa các nước lớn, cuộc khủng hoảng kinh tế, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát gia tăng, nguy cơ khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng… Trong bối cảnh đó, việc tiến hành các hoạt động đối ngoại nhân dân vấp phải nhiều khó khăn.

Tình hình quốc tế phức tạp cũng tác động đến lập trường, quan điểm của các tổ chức đối tác bạn bè của Việt Nam, khiến các bên đôi lúc có những quan điểm khác biệt, không đồng nhất. Việc duy trì quan hệ hợp tác, tìm tiếng nói chung đòi hỏi chúng ta phải kiên định lập trường, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Xuất phát từ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, vì hòa bình, hợp tác, phát triển, chúng ta mới có thể tìm thấy mẫu số chung để kết nối bạn bè quốc tế.

Đối với những bài học kinh nghiệm được rút ra sau các hoạt động đối ngoại nhân dân trong năm 2022, bà Nguyễn Phương Nga cho rằng bài học đầu tiên là cần quán triệt sâu sắc, vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt đường lối đối ngoại của Đảng, đặc biệt là những chủ trương, đường lối mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã vạch ra. Kiên định mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, nhưng cũng linh hoạt kết hợp một cách hài hòa để vừa đáp ứng được lợi ích quốc gia dân tộc nhưng đồng thời đóng góp vào những lợi ích chung của nhân loại, vì sự tiến bộ, công bằng và phát triển bền vững.

Ngoài ra, một kinh nghiệm rất giá trị trong năm 2022 là cần có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa ba trụ cột đối ngoại gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Bên cạnh đó là sự gắn kết chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, phát huy sức mạnh đồng bộ của tất cả các tổ chức làm công tác đối ngoại nhân dân từ trung ương đến địa phương, từ đó giúp các hoạt động của VUFO ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, có chiều sâu. Năm 2022 là một năm thành công của đối ngoại nhân dân ở các địa phương.

Một kinh nghiệm nữa là củng cố tổ chức của VUFO. Công tác đào tạo cán bộ, đội ngũ chuyên trách làm công tác đối ngoại nhân dân cũng rất cần thiết vì chủ trương đặt ra thì phải có người thực hiện. Yếu tố con người vô cùng quan trọng, cần phải có quyết tâm, sáng tạo và đổi mới.

Kỳ vọng, mục tiêu của công tác đối ngoại nhân dân năm 2023

Theo bà Nguyễn Phương Nga, năm 2023 được dự đoán là một năm sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp trong tình hình quốc tế. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng đang bị thách thức nghiêm trọng bởi cạnh tranh chiến lược và xung đột. Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai công tác đối ngoại nhân dân năm 2023 theo hướng chủ động và hiệu quả, nhằm tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và nhiệm vụ công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Toàn hệ thống Liên hiệp hữu nghị bắt tay xây dựng các chương trình hoạt động cụ thể bám sát Chủ đề của năm 2023: "Đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội" để thực sự đóng góp có hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. VUFO xác định mục tiêu này dựa trên ưu tiên của Đảng và Nhà nước, coi năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong quá trình khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, 2023 cũng là năm có ý nghĩa quyết định khi Việt Nam đang tập trung mọi nỗ lực để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cũng là để tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, phát triển bền vững.

Nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân cũng là một trong những trụ cột của đối ngoại, có sứ mệnh, vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Xác định theo chủ đề như vậy, ưu tiên của VUFO là tiếp tục phát huy hiệu quả các quan hệ đối ngoại nhân dân, đi vào chiều sâu hơn nữa, tăng cường hơn nữa tính thiết thực và hiệu quả.

Năm 2023, Việt Nam sẽ có rất nhiều dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao với các nước. Đây là cơ hội để Việt Nam thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, đồng thời tăng cường hợp tác, gắn chặt với những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để huy động nguồn lực cả về vật chất cũng như về tri thức, kinh nghiệm, công nghệ... đóng góp cho sự phát triển của đất nước.