1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đại dương - Nơi diễn ra sự đối đầu giữa các cường quốc

Từ một thập kỷ nay và lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, các vùng biển đã trở thành nơi đối đầu giữa các cường quốc và là thách thức sống còn về mặt chiến lược...

Ồ ạt tái vũ trang hải quân

Tái vũ trang hải quân tại các quốc gia và khu vực đang diễn ra ở mức độ rất cao. Trong 4 năm qua, Hải quân Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 80 tàu chiến, trong đó có 1 tàu sân bay và 3 tàu ngầm hạt nhân. Hiện Trung Quốc là nước thứ hai sở hữu tàu chiến lớn nhất thế giới xét về mặt trọng tải và dự kiến sẽ thiết lập thế cân bằng với Mỹ vào năm 2025.

Hạm đội tàu ngầm của Nga, vốn rất ít được quan tâm cách đây 20 năm thì hiện đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các viện nghiên cứu hải quân. Hiện Nga đang cùng lúc sản xuất 3 loại tàu ngầm hiện đại. Loại thứ nhất là tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei trang bị tên lửa đạn đạo thế hệ mới (3 chiếc đang hoạt động và 5 chiếc đang được sản xuất). Tiếp theo là loại tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen; dự kiến sẽ sản xuất thêm 6 đến 7 chiếc nữa. Cuối cùng là loại tàu ngầm dạng Kilo, trong đó 6 chiếc đã được đưa vào sử dụng từ năm 2014 đến 2016 dành cho Hạm đội Biển Đen; 6 chiếc mới cũng đang được đặt hàng sản xuất.

Tàu sân bay USS Gerald R.Ford trị giá 13 tỷ USD của Mỹ. Ảnh: Huntington Ingalls Industries
Tàu sân bay USS Gerald R.Ford trị giá 13 tỷ USD của Mỹ. Ảnh: Huntington Ingalls Industries

Cũng trong cơn bão tái vũ trang hải quân, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cam kết tăng cường tàu chiến cho hải quân nước này lên ít nhất là 350 chiếc, con số tương đương với quy mô của Hải quân Mỹ thời đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, theo RT, Nhật Bản đang có ý định tăng gấp đôi kế hoạch đóng mới tàu chiến và dự kiến sẽ đóng thêm 2 tàu hộ vệ có lượng giãn nước 3.000 tấn/tàu trong một năm, thay vì chỉ đóng một tàu có lượng giãn nước 5.000 tấn như những năm trước đây. Theo kế hoạch, Tokyo sẽ xây dựng hạm đội 8 tàu chiến hiện đại để tối đa hóa năng lực của lực lượng hải quân, đồng thời nâng cao phạm vi tuần tra trên biển Hoa Đông.

Cạnh tranh kiểm soát

Môi trường chiến lược đang chứng kiến một sự thay đổi sâu sắc, thể hiện qua sự tái quân sự hóa các vùng biển một cách nhanh chóng. Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và nhiều quốc gia khác đang đầu tư vào các vùng biển bị bỏ trống sau Chiến tranh Lạnh.

Một sự cạnh tranh rộng lớn đang xuất hiện nhằm kiểm soát những khu vực mà các cường quốc có thể tính toán, thậm chí đối đầu nhau. Hải quân các nước châu Á hiện cũng hoạt động thường xuyên hơn tại Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Cũng như vậy, từ vài năm nay hải quân Nga hoạt động ngày càng xa và với thời gian lâu hơn. Việc Nga lập căn cứ hải quân thường trực tại Tartus (Syria) cho thấy sự quay trở lại của chiến lược kiểm soát các căn cứ yểm trợ và kiểm soát các eo biển. Trung Quốc cũng triển khai các căn cứ xung quanh Ấn Độ Dương, từ Djibouti đến Guada của Pakistan.

Sách Trắng gần đây nhất của Trung Quốc năm 2015 nhấn mạnh đến quy mô hải quân, cho thấy ý chí của nước này trong việc vươn lên từ một cường quốc lục địa sang cường quốc hải quân. Từ nay đến năm 2050, nhờ vào các tàu ngầm và tàu sân bay, Trung Quốc có tham vọng hiện diện ở tất cả vùng biển trên thế giới và có khả năng đáp trả bất cứ tình huống nào, vào bất cứ lúc nào. Bộ Quốc phòng Mỹ đang tỏ ra lo ngại đối với việc bảo đảm an toàn cho các căn cứ mặt đất của Mỹ, nơi nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Con át chủ bài tàu sân bay

Để vươn xa tầm ảnh hưởng, các lực lượng vũ trang hiện đại cần có khả năng cơ động, vì vậy, tàu sân bay đang đóng vai trò như một con át chủ bài đối với hải quân của các nước lớn.

Hải quân Pháp, một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới, đang cân nhắc việc xây dựng tàu sân bay thứ hai. Hải quân Pháp hiện có đầy đủ các khả năng với công nghệ hiện đại, hiện diện tại cả 5 châu lục, hoạt động trải rộng hơn 11 triệu km vuông, cùng với các tàu hộ tống chống tàu ngầm FREMM và FTI, tàu ngầm tấn công hạt nhân Barracuda, tên lửa hành trình... Ngoài Mỹ, Pháp là quốc gia duy nhất có tàu sân bay hạt nhân. Tuy nhiên Paris hiện mới chỉ có duy nhất 1 tàu sân bay Charles De Gaulle.

Trong khi đó, tại châu Á, Trung Quốc- nước thứ hai sau Thái Lan sở hữu tàu sân bay, đang nhanh chóng hoàn thiện chiếc tàu nội địa đầu tiên mang tên Shandong sau gần 3 năm chế tạo. Đây sẽ là chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sau Liêu Ninh. Ấn Độ hiện có 1 tàu sân bay mang tên INS Vikramaditya được Nga giao hàng năm 2013, cũng tham vọng sở hữu 3 tàu sân bay vào năm 2030.

Hiện trên thế giới có khoảng 10 nước sở hữu tàu sân bay, trong đó Mỹ sở hữu nhiều tàu sân bay nhất. Lâu nay, lực lượng hải quân nước này luôn lấy các tàu sân bay làm nòng cốt trong việc duy trì sự hiện diện ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Sức mạnh thuộc vào loại “vô đối” của các tàu sân bay của Mỹ cũng khiến nhiều nước trong khu vực tỏ ra hết sức lo ngại. Ngoài khả năng tham chiến khi cần thiết, những tàu sân bay này còn có “sức mạnh ảo” giúp nâng cao hình ảnh và sức răn đe quân sự của Mỹ, đồng thời được coi là chỗ dựa cho các đồng minh của Washington.

Dù vậy, việc các nước ồ ạt đầu tư vào tàu sân bay, thứ vũ khí lợi hại và mang lại nhiều lợi thế trong việc nâng tầm ảnh hưởng, chưa hẳn đã là điều tốt, bởi rất có thể nó sẽ mở đầu cho một cuộc đua đầy gay cấn và quyết liệt, vượt ngoài tầm kiểm soát trên đại dương.

Theo Ngọc Thư

Quân đội nhân dân