1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bí mật trại huấn luyện của CIA phục vụ sự kiện Vịnh Con Lợn

Khắc Nam

(Dân trí) - Sự kiện Vịnh Con Lợn cách đây 60 năm là sự kiện chấn động thế giới, thất bại ê chề của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh nhằm xâm lược nhà nước Cuba non trẻ.

Bí mật trại huấn luyện của CIA phục vụ sự kiện Vịnh Con Lợn - 1

Đảo Useppa - nơi từng được CIA dùng để huấn luyện chiến binh cho kế hoạch xâm lược Cuba (Ảnh: Wiki).

Đảo Useppa ở đâu?

Tháng 4 năm nay, các tờ báo lớn của Mỹ đã đồng loạt đăng tải vụ Vịnh Con Lợn cách đây tròn 60 năm.

Vịnh Con Lợn (Bay of Pigs), gọi theo người Cuba là Playa Giron hay Trận chiến Hi-rôn, là chiến dịch xâm lược đổ bộ thất bại diễn ra tại bờ biển phía tây nam Cuba hồi trung tuần tháng 4/1961 của những người Cuba lưu vong chống Cộng dưới sự hậu thuẫn của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhằm lật độ chính phủ non trẻ của nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro. Kế hoạch diễn ra vào thời điểm chưa đầy 3 tháng kể từ khi John F. Kennedy nhậm chức tổng thống Mỹ. Kết quả, sau 3 ngày chiến đấu, quân đội cách mạng Cuba đã đánh bại đội quân lưu vong. Từ đây, quan hệ Cuba - Mỹ tiếp tục xấu đi, nhất là sau sự kiện tiếp theo, Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962.

Trong số ra ngày 16/4, tạp chí Smithsonian của thuộc Viện nghiên cứu và bảo tàng Smithsonian của chính phủ Mỹ đã đăng tải bài viết của tác giả Tony Perrottet, nhà văn kiêm nhà báo, phơi bày bí mật ở đảo Useppa, nơi từng được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dùng làm trại huấn luyện bí mật phục vụ cuộc xâm lược Cuba ngày 17/4/1961.

Bí mật trại huấn luyện của CIA phục vụ sự kiện Vịnh Con Lợn - 2

Những người Cuba lưu vong được CIA tuyển mộ huấn luyện tại Useppa may mắn sống sót sau sự kiện Vịnh Con Lợn (Ảnh AFP).

Theo tác giả bài viết, Useppa là "nơi bắt đầu mọi chuyện", một hòn đảo nằm phía bắc của đảo Pine Island Sound (hay còn gọi là đảo Thông) ở hạt Lee, thuộc bang Florida. Nơi đây được biết đến với các khu nghỉ mát sang trọng từ cuối thế kỷ 19, và sau đó là đại bản doanh của câu lạc bộ đảo Useppa tư nhân. Useppa dài đúng 1 dặm, rộng chưa tới 3 dặm, nằm trên tuyến đường thủy của Pine Island Sound.

Lịch sử của đảo bắt đầu từ hàng nghìn năm trước với người da đỏ Calusa sinh sống. Từ thập niên 1870, Useppa là thiên đường của dân đánh cá, thời hoàng kim của nó nở rộ từ năm 1911 khi một triệu phú người Florida tên là Barron Collier đã bỏ ra 100.000 USD để mua lại hòn đảo để làm nơi thư giãn, tiệc tùng để tránh xa những ánh mắt tọc mạch của dư luận. Đầu thế kỷ 20, Collier đã xây dựng các căn nhà, sân golf, dinh thự và một khách sạn sang trọng. Barron Collier qua đời năm 1939, và từ đây Useppa rơi vào hoang phế, quên lãng.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Chiến tranh Lạnh thế chân đã biến hòn đảo nhiệt đới đã trở thành nơi lý tưởng cho CIA để thực hiện một kế hoạch tham vọng và tuyệt mật để chống lại khối xã hội chủ nghĩa. Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã ủy quyền cho người kế nhiệm, John F. Kennedy, thực hiện tiếp giấc mơ của mình hòng lật đổ chính phủ Cuba non trẻ kề cạnh. Hơn 6 thập niên trôi qua nhưng nhiều bằng chứng sự kiện này vẫn còn lưu lại tại bảo tàng Hialeah Gardens Museum (HGM) tại Useppa.

Useppa trở thành trại huấn luyện của CIA như thế nào?

Theo nhiều tài liệu, sự kiện Vịnh Con Lợn bắt nguồn từ nỗi ám ảnh của giới chính trị gia Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Họ cho rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ thay thế chủ nghĩa đế quốc thống trị thế giới. Từ đây, nhiều kế hoạch chống cộng sản ra đời, trong đó có kế hoạch xâm lược Cuba với mật danh Chiến dịch Pluto do Phó tổng thống Mỹ Richard Nixon đề xuất tháng 4/1959, ba tháng sau khi Cách mạng Cuba thành công, và được Tổng thống Eisenhower phê chuẩn tháng 3/1960, giao cho CIA trực tiếp thực hiện.

Để triển khai, tháng 4/1960, CIA bắt đầu tuyển mộ các phần tử Cuba lưu vong ở Miami, Florida để huấn luyện. Các phần tử này được CIA đã trả lương 400 USD/tháng, cộng thêm phụ cấp 175 USD/tháng để nuôi vợ con. Chuyện bắt đầu vào tháng 5/1960, một doanh nhân người Miami tên là Manuel Goudie y de Monteverde đã cho CIA thuê trọn hòn đảo cho tổ chức có tên Lữ đoàn 2506. Điểm nhấn đầu tiên trên Useppa là 4 căn nhà gỗ nhỏ nơi từng ở của 66 tân binh, tất cả đều là người Cuba lưu vong, trong ngưỡng tuổi 20, thậm chí ở tuổi vị thành niên.

Ban đầu, điệp viên CIA và bác sĩ tiến hành một loạt bài kiểm tra cho tân binh, từ cách chống lại máy phát hiện nói dối, và những bài kiểm tra nhằm xác định sự ổn định tâm lý, quan điểm chính trị đến các bài kiểm tra thể lực. Những cổ vật còn trong bảo tàng HGM như quân phục, ảnh cá nhân cho thấy CIA chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Những bức ảnh về hoạt động huấn luyện trên đảo cho thấy không ít người bị tử trận, bị xử tử, bị chết trong lúc huấn luyện hoặc bị bắt làm tù binh ở Havana.

HGM cũng hé lộ câu chuyện ly kỳ của Useppa, nơi được CIA chọn và sau đó tạm thời biến mất trên bản đồ. Những thanh niên Cuba trẻ tuổi được chiêu mộ từ cộng đồng lưu vong ở Miami được triệu tập vào ban đêm theo từng nhóm nhỏ từ 8 đến 10 người tập trung trong bãi đỗ xe White Castle trên đảo. Những người này được chở trên một chiếc xe tải nhỏ có những khung cửa đen bịt bùng suốt 3 giờ đồng hồ vượt qua vùng đầm lầy Everglades rồi dồn lên một chiếc tàu cao tốc dưới sự điều khiển của 3 nhân viên CIA có vũ trang.

Trong suốt 2 tháng tiếp theo, trong trại huấn luyện kín đáo này, các điệp viên CIA đã đào tạo họ về cách mã hóa, hoạt động vô tuyến, kỹ năng sinh tồn ngoài trời và kỹ thuật phá hủy... Tất cả được trang bị súng trường và súng máy có từ thời Thế chiến II để tiến hành chiến tranh du kích trong rừng ngập mặn. Blanco-Capote, từng tham gia khóa huấn luyện, nhớ lại: "Tôi chẳng biết mình đang ở đâu, có một gã người Mỹ cao to, tóc vàng luôn theo sát chúng tôi. Có 3 nhà tuyển dụng của CIA với những cái tên đơn giản như Bob, Nick hay Bill".

Một người khác có tên là Mirto Collazo cho hay: "Sau khi tập kết tại Useppa, chúng tôi được đưa đến 2 trại huấn luyện nằm trong những cánh rừng đầy muỗi vắt. Nơi đây có thức ăn dở tệ, nhà ở tồi tàn và dột nát, chế độ tập luyện kham khổ. Kết quả sau khóa huấn luyện, còn lại 1.500 người và được đặt tên là Lữ đoàn 2506 và bắt đầu thâm nhập Cuba".

Sản phẩm của Useppa

Bí mật trại huấn luyện của CIA phục vụ sự kiện Vịnh Con Lợn - 3

Sự kiện Vịnh Con Lợn được xem là vụ thất bại ê chề nhất của Mỹ thời Chiến Tranh Lạnh (Ảnh: Getty).

Rạng sáng ngày 17/4/1961, 1.500 phần tử Cuba lưu vong đổ bộ vào Vịnh Con Lợn của Cuba với mục đích lật đổ chính quyền non trẻ của quốc gia này. Tuy nhiên, cuộc tấn công nhanh chóng bị chính quyền Cuba chặn đứng, đánh dấu sự thất bại thảm hại của một âm mưu xâm lược mà cả hai đời tổng thống Mỹ cùng theo đuổi.

Trước khi đổ bộ lên bãi biển Playa Giron (Vịnh Con lợn), CIA đã thực hiện một số cuộc oanh tạc bằng máy bay xuống các doanh trại của dân quân Cuba ở Bayamo ngày 3/4/1961 và nhà máy đường Hershey ở Mantanzas ngày 6/4/1961. Ngoài ra, một chuyến bay của Hàng không Cuba (Cubana Airliner) cũng bị không tặc và chuyển hướng đến Jacksonville, bang Florida, Mỹ.

Theo kế hoạch ban đầu, Lữ đoàn 2506 sẽ đổ bộ vào ban ngày, ở thành phố biển Trinidad, tây nam Cuba. Năm ngày trước khi Chiến dịch Pluto mở màn, Tổng thống Mỹ Kennedy vẫn khăng khăng rằng Washington không can thiệp vào công việc nội bộ của Cuba. Ngày 14/4/1961, Lữ đoàn 2506 rời căn cứ huấn luyện Puerto Cabezas ở Nicaragua để tập kết tại Retalhuleu, Guatemala. Thời điểm này, chính quyền cách mạng Cuba đã biết về âm mưu tấn công. Do đó, vào ngày 15/4, khi phi đội máy bay B-26 đầu tiên của Mỹ bắt đầu đồng loạt ném bom các sân bay Cuba, Cuba đã đón lõng vụ tấn công. Nửa đêm 16/4/1961, Chiến dịch Pluto chính thức mở màn với một toán người nhái Mỹ thâm nhập bãi biển Playa Giron và bật tín hiệu dẫn đường cho 6 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 2506 để đổ bộ vào hai bãi biển Playa Giron và Playa Larga. Tuy nhiên, vào lúc 3 giờ sáng ngày 17/4/1961, Chủ tịch Fidel Castro đã nắm rõ về kế hoạch và ra lệnh phản công tức thì.

Sau ba ngày giao tranh ác liệt, cuối cùng lực lượng Cách mạng Cuba đã đập tan âm mưu xâm nhập của Mỹ. Sau vụ việc nói trên, Giám đốc CIA Allen Dulles cùng hai cấp phó Charles P. Cabell và Richard Bissell đều bị cách chức. Nội bộ CIA đảo trộn bởi những sai phạm trong vụ Vịnh Con Lợn. Thất bại này khiến Mỹ bị bẽ mặt trước cộng đồng quốc tế và là bài học đắt giá cho Washington vì quá coi thường, đánh giá thấp lực lượng Cách mạng non trẻ của Cuba.

Trong sự kiện Vịnh Con Lợn, hơn 200 trong số 1.500 phần tử Cuba lưu vong thuộc Lữ đoàn 2506 bị tiêu diệt, gần 1.200 phần tử còn lại bị bắt sống. Phía Mỹ còn có 4 phi công thiệt mạng sáng ngày 19/4/1961. Cuba tuyên án mỗi kẻ này 30 năm tù giam và bàn giao hầu hết cho phía Mỹ sau 20 năm thương lượng.