1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bên trong nhà máy chuyên làm vũ khí giả của Ukraine

Quốc Đạt

(Dân trí) - Bên trong một nhà máy ở Ukraine, những người công nhân khéo léo lắp ráp những khí tài quân sự giả bằng đủ loại chất liệu như nhựa, gỗ, xốp và kim loại, để làm mồi nhử các đòn tập kích của Nga.

Bên trong nhà máy chuyên làm vũ khí giả của Ukraine - 1

Một xưởng chế tạo ở Ukraine đang lắp ráp những khí tài quân sự giả để làm mồi nhử các đòn tập kích của Nga (Ảnh: Guardian).

Trong một nhà xưởng bụi bặm tại Ukraine, một nhóm chuyên gia vũ khí đang cấp tốc sản xuất những khẩu pháo không bao giờ khai hỏa, những chiếc xe radar không thể phát hiện bất cứ thứ gì, và những quả tên lửa không nhồi chất nổ.

Những món đồ ấy là mồi nhử chuyên được dùng để thu hút hỏa lực của Nga, gây lãng phí đạn dược, tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của đối phương, đồng thời bảo vệ trang thiết bị thật cùng những người lính điều khiển.

Với kỹ năng được mài dũa trong hơn một năm qua, nhóm chuyên gia này đang tạo hình nhựa, gỗ phế liệu, xốp và kim loại thành bản sao giống thật của các hệ thống vũ khí tiên tiến, có khả năng qua mặt người điều khiển UAV và binh sĩ dày dạn kinh nghiệm của Nga trên chiến trường.

Những con người này đo lường sự thành công bằng tốc độ sản phẩm của họ bị phá hủy. "Khi người của quân đội xuất hiện và nói "những thứ này hết rồi", điều đó có nghĩa là chúng tôi đã hoàn toàn thành công trong công việc", một người tại nhà máy nói.

Gần nhà xưởng trên là chiếc tủ chứa đầy những "món quà lưu niệm" đắt tiền để chứng minh cho thành công đó, bao gồm động cơ và các mảnh vỡ của UAV cảm tử Shahed, hay phần cánh của UAV Lancet do Nga sản xuất. Cả hai đều tấn công khí tài giả.

"Các thứ này có thể cứu mạng những người lính của chúng tôi", công nhân trên cho biết. "Chúng tôi đã thỏa thuận với quân đội về việc chia sẻ hình ảnh và xác của các cuộc tấn công (vào mồi nhử), để làm bằng chứng cho thấy chúng tôi đã làm tốt công việc".

Bên trong nhà máy chuyên làm vũ khí giả của Ukraine - 2

Công nhân tại xưởng thường xuyên cập nhật "dây chuyền sản xuất" để mô phỏng những khí tài mới được nhập kho Ukraine (Ảnh: Guardian).

Đòn tâm lý

Tất cả người làm việc tại xưởng chế tạo độc đáo nói trên đều là nhân viên được biệt phái vô thời hạn của công ty thép Metinvest - công ty vận hành nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, nơi thất thủ vào mùa xuân năm 2022 sau thời gian kháng cự lực lượng Nga.

Ba quản lý cấp cao của Metinvest đã nảy ra ý tưởng chế tạo vũ khí mồi nhử vào đầu cuộc xung đột, thời điểm quân đội Ukraine dường như bị áp đảo về vũ khí đến mức nguy hiểm. Dòng vũ khí phương Tây khi đó mới chỉ vừa bắt đầu được chuyển qua biên giới vào Ukraine.

"Chúng tôi đã nghĩ nếu người Nga nhìn thấy nhiều vũ khí, họ có thể sợ không dám tiến lên hoặc không dám pháo kích vào một khu vực. Đó là một dạng vũ khí tâm lý", một trong 3 người quản lý nói. "Công ty hoàn toàn ủng hộ việc đó".

Một người phát ngôn viên cho biết, cổ đông chính của Metinvest là người giàu nhất Ukraine, Rinat Akhmetov. Ông Akhmetov đích thân ủng hộ dự án vũ khí mồi nhử, theo người này.

Xưởng chế tạo vũ khí mồi nhử thường xuyên cập nhật "dây chuyền sản xuất" để bắt chước những sản phẩm mới được nhập kho Ukraine và để tạo ra những mô hình giống thật hơn.

"Khi xung đột bắt đầu thì mọi việc rất đơn giản. Người Nga nhìn thấy thứ gì đó là sẽ cố gắng tấn công vào đó", một người nói. Quân đội Nga lúc này đã tiến hành trinh sát nhiều hơn để xác minh mục tiêu, nhưng nhóm chế tạo tin rằng thiết kế của họ có thể đi trước một bước.

Gần đây, họ đã thực hiện thủ thuật bắt chước sức nóng phát ra hệ thống vũ khí thực để tăng sức thuyết phục cho các mô hình này vào ban đêm, khi chúng nhiều khả năng sẽ được quan sát qua các ống kính ảnh nhiệt.

"Đối phương không khờ khạo. Chúng tôi phải thích ứng với thực tế và luôn bổ sung những điều mới mẻ trong công việc", một người trong nhóm nói. "Chúng tôi cũng tự đánh giá bản thân theo cách ấy. Nếu mẫu đồ mới không gặp chuyện gì hoặc không bị ngắm bắn thì chúng tôi đã mắc lỗi trong khâu thiết kế".

Bên trong nhà máy chuyên làm vũ khí giả của Ukraine - 3

Ảnh chụp khẩu pháo và xe radar mồi nhử (Ảnh: Metinvest).

Ưu việt hơn đồ bơm hơi

Quân đội Ukraine thường gửi yêu cầu cho xưởng chế tạo vũ khí mồi nhử qua tin nhắn mã hóa. Một cuộc trao đổi gần đây có nội dung: "Các ông có thể thử làm món này không? Chúng tôi muốn 50 chiếc". Nhà thiết kế của Metinvest đồng ý và cả nhóm bắt tay vào làm.

Đầu tiên, họ tra cứu bằng Google để có thêm hình ảnh của khí tài được đặt hàng. Sau đó là tới bước trao đổi để xác định sẽ dùng phế liệu hoặc vật liệu rẻ tiền nào để mồi nhử trông giống thật dưới lớp sơn ngụy trang. Cả nhóm đã sử dụng đủ mọi vật liệu từ ống nước thải đến bao bì bằng gỗ bỏ đi và các thùng đựng dầu cũ.

Tiếp theo, các bản in cỡ lớn của hệ thống vũ khí sẽ được dán lại để công nhân đo lường cẩn thận từng bộ phận, cho đến cả đai ốc bánh xe trên các phương tiện chuyên dụng vận chuyển "vũ khí".

Sau khi được hoàn thiện, các món khí tài mồi nhử có thể được dễ dàng vận chuyển dưới dạng các tấm phẳng. Người ở tiền tuyến có thể lắp ráp những tấm này thành một "khẩu pháo" chỉ trong 20 phút.

Không ai trong nhóm chế tác có kinh nghiệm thiết kế đạo cụ sân khấu hoặc đạo cụ làm phim, nhưng họ tin rằng những món đồ họ làm hơn hẳn những mồi nhử bơm hơi mà quân đội Ukraine cũng đang dùng.

Hầu hết khí tài mồi nhử họ làm ra có các cột đỡ kim loại bên trong, có nghĩa là chúng có thể được sửa chữa sau khi bị thiệt hại nhẹ, không giống những món đồ bơm hơi.

"Quân đội đã nói với chúng tôi rằng đồ bơm hơi có một số vấn đề. Khi gặp gió hoặc các dạng thời tiết khác, chúng có thể bị thổi bay và trông không giống thật", một người nói.

Lịch sử của khí tài mồi nhử có chiều dài gần như ngang bằng lịch sử của chiến tranh. Một trong những ví dụ sớm nhất của khí tài mồi nhử là "con ngựa thành Troy", cụm từ mô tả một vật gì đó "có mục đích bí mật làm suy yếu kẻ thù".

Xe tăng bơm hơi lần đầu tiên được phe Đồng minh triển khai trong Thế chiến II. Khi đó, Mỹ đã triển khai một sư đoàn xe tăng "ma" với hiệu ứng âm thanh, tín hiệu vô tuyến giả và các sự mẹo mực khác để bắt chước những cuộc hành quân lớn.

Sau khi xuất ngũ, một số thành viên của sư đoàn "ma" nói trên đã tiếp tục có sự nghiệp điện ảnh và sân khấu. Nhưng nhóm chế tạo vũ khí mồi nhử của Ukraine lại có mong muốn đơn giản hơn: Họ muốn được thất nghiệp.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine