1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bản lĩnh Mursy

(Dân trí) – Dám công khai thách thức cả quân đội và bộ máy tư pháp, tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursy đang chứng tỏ là người có bản lĩnh vững vàng. Tuy nhiên, hành động này của ông cũng báo hiệu một thời kỳ căng thẳng mới đang mở ra tại xứ sở Kim tự tháp.

Tân Tổng thống Mohamed Mursy, gương mặt đang mang lại làn gió mới cho chính trường Ai Cập.

Tân Tổng thống Mohamed Mursy, gương mặt đang mang lại làn gió mới cho chính trường Ai Cập.

Mới chỉ hơn một tuần trước đây, ông Mursy còn bị xem là một tổng thống "bù nhìn" khi lên nắm quyền mà trong tay hầu như không có quyền bính gì đáng kể.

Tiếng là nguyên thủ của một nước, nhưng ông gần như bị "trói chân, trói tay" khi Hiến pháp chưa được xây dựng, Quốc hội bị Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) giải tán theo phán quyết trước đó của Tòa án Hiến pháp (SCC). Đâu đó đã có những nhận định rằng ông Mursy thực chất chỉ có 3 quyền gồm thành lập chính phủ, thông qua và/hoặc bãi bỏ luật.

Thế nhưng ngày 8/7, ông Mursy đã thể hiện dấu ấn quyền lực đầu tiên của mình trên cương vị tổng thống dân bầu đầu tiên của Ai Cập với quyết định ban hành sắc lệnh triệu tập Quốc hội nhóm họp trở lại vào ngày 10/7, phớt lờ quyết định trước đó của cả SCAF và SCC.

Sắc lệnh bãi bỏ nghị định hành chính của SCAF ban hành ngày 14/6 yêu cầu phải giải tán Quốc hội do phe Hồi giáo chiếm đa số với lý do có tới gần 1/3 số thành viên đắc cử bất hợp pháp. Đây là các nghị sĩ dân biểu trúng cử trong cuộc bỏ phiếu tháng 1/2012.

Ngay sau khi ông Mursy thông qua sắc lệnh trên, cả SCAF và SCC cùng loan báo triệu tập cuộc họp khẩn cấp.

Thậm chí, SCC còn ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh của Tổng thống Mursy, kèm theo tuyên bố "phán quyết trước đó phải được thực thi bất luận vì lý do gì". Phán quyết mới nhất này của SCC ghi rõ: "Tất cả các phán quyết và quyết định của SCC là quyết định cuối cùng không thể bị kháng cáo và có tính ràng buộc đối với tất cả các thiết chế nhà nước".

Ngay lập tức, SCAF cũng lên tiếng "phụ họa" SCC, khẳng định cần phải nhanh chóng lập lại các luật định và ban hành Hiến pháp mới để đưa mọi hoạt động vào khuôn khổ hiến định.

Tuy nhiên, bất chấp sức ép từ cả bộ máy tư pháp lẫn quân đội đầy quyền lực vốn lên nắm quyền tại Ai Cập kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarrack bị lật đổ hồi tháng 2/2011, phần lớn các nghị sĩ, chủ yếu là những người Hồi giáo, vẫn vượt qua "tầng tầng, lớp lớp" lực lượng an ninh án ngữ ken đặc bên ngoài trụ sở Quốc hội để tham dự phiên họp đầu tiên theo “tiếng gọi” của Tổng thống Mursy.

"Chúng ta nhóm họp hôm nay để xem xét lại các quyết định của Tòa án Hiến pháp Tối cao trong việc yêu cầu giải tán cơ quan lập pháp. Tôi muốn nêu rõ rằng chúng ta không chống lại phán quyết của SCC mà chỉ xem xét cơ chế thực thi phán quyết đó", Chủ tịch Quốc hội Saad al-Katatni phát biểu khai mạc phiên họp.


Tân Tổng thống Mohamed Mursy, gương mặt đang mang lại làn gió mới cho chính trường Ai Cập.

Chủ tịch Quốc hội Saad al-Katatni (giữa) trao đổi với tân Tổng thống Mursy. Ông al-Katatni là đồng minh thân cận của Tổng thống Mursy từ khi là thành viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông al-Katatni còn khẳng định "Quốc hội sẽ không có bất kỳ chương trình nghị sự nào khác ngoài việc xem xét phán quyết của SCC" và rằng “cơ quan lập pháp tôn trọng pháp luật cũng như mọi phán quyết của tòa án".

Tại sao tân Tổng thống Mursy lại “cả gan” có những hành động "vuốt râu hùm" như vậy? Câu trả lời có lẽ nằm ở hai lực lượng chính đang ủng hộ ông.

Thứ nhất là người dân Ai Cập đã quá chán ngán trước cảnh "nồi da nấu thịt" cũng như sự bất công trong xã hội nảy sinh từ sự lạm quyền của quân đội đã kéo dài hàng chục năm qua.

Sau khi Tổng thống Mubarack bị lật đổ, những bất công trong xã hội Ai Cập không vì thế mà giảm đi, nếu không muốn nói ngày càng tăng lên do mọi quyền bính đều tập trung trong tay quân đội. Đây là lý do vì sao người dân Ai Cập đã bỏ phiếu cho ông Mursy, chứ không phải ứng cử viên Shafiq được phe quân đội ủng hộ. Người dân Ai Cập giờ đây muốn được sống yên ổn trong một đất nước hòa bình, nơi Tổng thống do họ bầu lên sẽ được thực thi đầy đủ quyền hành lãnh đạo, còn quân đội phải trở về đúng với chức năng vốn có là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.  

Lực lượng thứ hai cũng đang hậu thuẫn và được coi là điểm tựa cho ông Mursy là Mỹ và phương Tây.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang ở thăm Cairo.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang ở thăm Cairo.

Vẫn biết xưa nay giữa SCAF và Mỹ luôn tồn tại "quan hệ đồng minh" khá gần gũi thể hiện qua việc Mỹ rót rất nhiều tiền tài trợ cho lực lượng này, song việc ông Mursy thắng cử dường như đã làm đảo lộn trật tự ưu tiên trong quan hệ của Mỹ và phương Tây với thế giới Hồi giáo.

Điều này được thể hiện rất rõ qua cách mà phương Tây chào đón một vị Tổng thống có tư tưởng - về mặt lý thuyết - không ăn nhập gì với nền dân chủ của mình. Phương Tây không thể tiếp tục bảo lãnh cho các cuộc bầu cử gian lận và chế độ quân sự đi ngược lại nguyện vọng của phần đông dân chúng Ai Cập, bởi họ hiểu rằng lợi ích sống còn của họ không phải là cuộc sống sung túc của người dân Ai Cập, mà là sự cam kết của tân chính phủ trong việc duy trì các hiệp định và hiệp ước quốc tế, đặc biệt là Hiệp ước Hòa bình Ai Cập - Israel. Đây lại chính là điều ông Mursy đã chủ động cam kết khi tuyên thệ nhậm chức và cũng chỉ có ông mới có thể làm được điều này trong giai đoạn hiện nay.

Phát biểu mới đây nhân chuyến thăm Cairo, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói rằng ông tin tưởng Ai Cập sẽ giải quyết được cuộc chiến quyền lực trong nước, sẽ tìm ra giải pháp cho mình và con đường hướng tới dân chủ sẽ thành công nếu người dân Ai Cập thực sự muốn làm điều đó. Trong chuyến thăm Ai Cập ngày 14/7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng nói sự có mặt của bà là để cổ vũ cho Tổng thống Mursy trong tiến trình chuyển tiếp chính trị.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Đức, Mỹ cùng với món quà “mở lại Tổng lãnh sự Mỹ ở Alexandria” mà bà Hillary mang tới Cairo là những minh chứng rõ ràng nhất cho sự hậu thuẫn của phương Tây dành cho ông Mursy, tạo nên điểm tựa vững chắc cho Tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập trên con đường giành lại quyền lực từ tay quân đội.

Đức Vũ