1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ai Cập có kế hoạch chuyển giao quyền lực, biểu tình lớn tiếp diễn

(Dân trí) - Người biểu tình ở Ai Cập hôm qua đã tiến hành một trong những cuộc phản đối lớn nhất để yêu cầu Tổng thống Hosni Mubarak từ chức, bất chấp thông báo của phó Tổng thống về một kế hoạch chuyển giao quyền lực.

 
Ai Cập có kế hoạch chuyển giao quyền lực, biểu tình lớn tiếp diễn - 1
Áp lực với Tổng thống Mubarak không giảm.

Ngoài kế hoạch chuyển giao quyền lực

Phó Tổng thống Ai Cập, ông Omar Suleiman, người nhân danh Tổng thống Hosni Mubarak đàm phán với phe đối lập, vừa nói chính phủ có một kế hoạch chuyển giao quyền lực trong hoà bình.

Phát biểu trên truyền hình Ai Cập sau khi đã trình bày cho vị tổng thống 82 tuổi về nội dung cuộc đàm phán với phe đối lập, ông Suleiman tỏ ra lạc quan rằng: "Tổng thống hoan nghênh cuộc hòa giải dân tộc". Tổng thống nhấn mạnh đến ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đi từ các chỉ dẫn cho tới chỗ có một lộ trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình và trật tự, tôn trọng hiến pháp.

Trong khi đó, Tổng thống Mubarak tiếp tục ban hành các biện pháp xoa dịu tình hình. Ông đã thông báo tăng lương công chức và tiền hưu bổng lên 15% kể từ đầu tháng 4; thông báo thành lập ủy ban điều tra bạo lực trong vụ xung đột giữa phe thân chính quyền và phong trào phản kháng giữa tuần trước. Tổng thống Mubarak còn ký sắc lệnh thành lập Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp, chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 9.

Về việc sửa đổi hiến pháp, Tổng thống Mubarak ký sắc lệnh thành lập Ủy ban xem xét sửa đổi điều khoản liên quan đến số ứng cử viên và nhiệm kỳ. Vấn đề là Quốc hội Ai Cập nằm trong tay đảng cầm quyền. Nhiệm kỳ tổng thống hiện nay là 6 năm nhưng không có giới hạn số nhiệm kỳ, đã cho phép ông Mubarak tái ứng cử suốt đời.

Tuần qua, con trai ông Hosni Mubarak là Gamal Mubarak, 48 tuổi, đã từ chức Tổng bí thư đảng Dân chủ Quốc gia cầm quyền. Bộ Chính trị Đảng này cũng từ chức đồng loạt nhằm giảm sức ép lên ông Mubarak. Tuy nhiên, điều này chưa rõ có phải là chỉ dấu rằng ông Mubarak sẽ ra đi ngay như yêu cầu của hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ tại Cairo hay không.

Báo giới phương Tây cho rằng việc Phó Tổng thống Suleiman chính thức nói về một lộ trình chuyển giao quyền lực cho thấy sức ép lên ông Mubarak ngày càng tăng, và việc ông Mubarak ra đi hay chưa chỉ là vấn đề thời gian và cách ông rút lui ra sao.

Nhưng vì là nước đông dân nhất, có gần 84 triệu người, trong khối Ảrập, mọi chuyện xảy ra ở Ai Cập có tác động sâu rộng đến toàn khu vực và vì thế, Mỹ và châu Âu đều mong rằng cuộc chuyển đổi dân chủ tại đây diễn ra êm ả. Các đồng minh của Ai Cập như Mỹ và nước đóng vai trò quan trọng trong an ninh vùng là Israel cũng lo ngại hỗn loạn.

Phe đối lập chưa thoả mãn

Các thông báo này không xoa dịu được dân chúng Ai Cập. Quảng trường Tahrir tiếp tục bị chiếm giữ đến ngày thứ 15 và người biểu tình đòi ông Mubarak ra đi.

Trong khi đó phong trào đối lập Huynh đệ Hồi giáo cho là các biện pháp cải cách mà chính quyền đề nghị “không đầy đủ”. Họ đòi phải giải tán Quốc hội ngay tức khắc.

Hôm qua, có thêm người đến tham gia với hàng chục nghìn người đang tràn ngập quảng trường Tahrir, bất chấp quyết định của Tổng Thống Hosni Mubarak thành lập các ủy ban giám sát cải tổ dân chủ.

Nhiều người biểu tình cho rằng những sự nhượng bộ của chính phủ chỉ “mang tính chất giả tạo”, nhưng họ cũng lo ngại là điều này làm giảm bớt sự ủng hộ của công chúng đối với phong trào của họ.

Các nhân vật lãnh đạo biểu tình đã kêu gọi thực hiện một cuộc mít-tinh qui mô lớn trong ngày hôm qua để duy trì áp lực đòi ông Mubarak từ chức.

Hà Khoa
Tổng hợp