1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tình hình Trung Đông-Bắc Phi:

Quân chính phủ Libya pháo kích Misrata, Yemen và Syria vẫn bế tắc

(Dân trí) - Các lực lượng của nhà lãnh đạo Libya Gadhafi hôm qua tiếp tục siết chặt gọng kìm ở thành phố Misrata do phe nổi dậy chiếm giữ; Giải pháp cho bế tắc chính trị Yemen tưởng như đã đạt được lại rơi vào ngõ cụt; bạo động biểu tình làm Syria ngày càng căng thẳng.

 

Quân chính phủ Libya pháo kích Misrata, Yemen và Syria vẫn bế tắc - 1

Quân của nhà lãnh đạo Gadhafi tấn công thành phố do đối lập chiếm đóng.

Báo chí phương Tây đưa tin, hôm qua, các lực lượng chính phủ Libya đã pháo kích vào cảng Misrata bị họ bao vây, nơi do quân nổi dậy chiếm giữ, một ngày sau khi các giới chức cho thấy dấu hiệu thay đổi trong chiến thuật.

Quan chức ngoại giao Libya trước đó tuyên bố quân chính phủ đang ngưng các hoạt động tại Misrata và sẽ chuyển giao các vị trí cho các thành viên bộ tộc thân Gadhafi. Theo ông này, hôm 23/4, các bộ lạc quanh Misrata đã ra một tối hậu thư cho quân đội rằng nếu họ không đánh bại quân nổi dậy ở Misrata thì chiến binh của các bộ lạc sẽ làm điều đó.

Tuy nhiên, một thủ lĩnh phe đối lập tại Libya nói trên đài truyền hình của quân nổi dậy Libya rằng ông không tin là các bộ tộc quanh Misrata sẽ giao tranh với đồng bào của họ ngay bên trong Misrata.

Misrata - thành phố lớn thứ ba của Libya - là căn cứ chính của phe nổi dậy tại phía tây nước này. Các nhóm nhân quyền nói hơn 1.000 người đã bị thiệt mạng trong những tuần có giao tranh trong thành phố.

Trong khi đó, máy bay của NATO tiến hành thêm các vụ không kích nhắm vào các mục tiêu xung quanh thủ đô Tripoli và các thành phố khác. Hôm 23/4, bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin về một vụ không kích do máy bay không người lái của Mỹ thực hiện tại Libya.

Tại Yemen, tình hình vẫn bế tắc khi giới lãnh đạo phong trào chống đối chế độ của Tổng thống Saleh bác bỏ kế hoạch của nhóm trung gian Tổ chức Các quốc gia vùng Vịnh (GCC), theo đó ông Saleh sẽ ra đi trong 30 ngày tới đây, sau khi chuyển giao quyền hành lại cho Phó tổng thống, và tổ chức bầu cử trong thời hạn 60 ngày.

Kế hoạch cũng đề xuất là các cuộc biểu tình phải chấm dứt. Tổng thống Mỹ đã hoan nghênh đề xuất này.

Nhưng phong trào chống đối đòi ông Saleh phải ra đi tức khắc. Lãnh đạo phong trào chống đối chính phủ vào hôm qua cho biết họ không chấp nhận một kế hoạch không ép Tổng thống Saleh ra đi ngay tức khắc.
 
Quân chính phủ Libya pháo kích Misrata, Yemen và Syria vẫn bế tắc - 2

Lính Yemen tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ.

Lên tiếng tại Đại học Chiến tranh Yemen hôm qua, Tổng thống Saleh cáo buộc phe chống đối tìm cách gây rối loạn. Ông nói thái độ của phe chống đối đã ngăn chặn công cuộc phát triển kinh tế tại Yemen. Ông tuyên bố rằng phe đối lập muốn gây đổ máu, gây nội chiến và lật đổ trật tự pháp lý, trong lúc ông chống lại bạo động.

Như vậy, khủng hoảng chính trị gây bạo động ở Yemen, tưởng chừng đã tìm ra giải pháp, lại tiếp tục rơi vào ngõ cụt. Hàng nghìn người ủng hộ phe đối lập tiếp tục đổ xuống các đường phố của thủ đô và ở nhiều thành phố khác.

Khủng hoảng chính trị và biểu tình bạo động đã kéo dài tại Yemen từ tháng 1 đã làm cho ít nhất 130 người thiệt mạng.

Syria, hôm qua, biểu tình biến thành bạo động tại các thành phố Izra’a, Deera và ở ngoại ô thủ đô Damas nhân đám tang nạn nhân chết hôm thứ Sáu đã làm ít nhất 13 người thiệt mạng.
 
Quân chính phủ Libya pháo kích Misrata, Yemen và Syria vẫn bế tắc - 3
Biểu tình phản đối ở ít nhất 6 thị trấn và thành phố của Syria

Tin cho hay có biểu tình phản đối ở ít nhất 6 thị trấn và thành phố khác, bất chấp những vụ chính phủ bắt giữ khắp nơi nhắm vào những thành phần tranh đấu đối lập.

Tổng thống Syria đã từng tuyên bố chấm dứt đàn áp, cho phép biểu tình ôn hòa. Nhưng theo các nhân chứng, súng vẫn nổ vào đám đông tiễn đưa nạn nhân bị thiệt mạng trong cuộc biểu tình.

Để phản đối diễn biến bạo lực này, hai nghị sĩ của thành phố Deera đã từ chức hôm 23/4. Đây là một hành động chưa từng thấy từ trước đến nay.

Trà Giang
Tổng hợp