1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

6 chìa khoá mở cánh cửa hoà bình cho Trung Đông

(Dân trí) - Để giải quyết tình hình chiến sự đang ngày một leo thang ở Trung Đông hiện nay cần phải có sự can thiệp của Mỹ, sự kiềm chế của Israel, sự linh động của các nước Ảrập cùng một chút may mắn ở Iraq…

Với vài lời không cảm xúc – “Chủ nhật này tôi sẽ đi Israel và Palestine. Tại đây, tôi sẽ gặp Thủ tướng Olmert và các nhà lãnh đạo của Palestine, cùng Tổng thống Abbas và những người trong chính phủ của ông.” - Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã liên hệ bộ của bà không chỉ với cuộc khủng hoảng Trung Đông mà còn với cả sự nghiệp và tên tuổi của những người tiền nhiệm. Từ Henry Kissinger, Zbigniew Brzezinski, James Baker, đến Madeleine Albright tất cả đều bị cuốn vào tiến trình đem lại hoà bình cho Trung Đông. Nhưng cho đến nay Trung Đông, vùng đất tồn tại ba tôn giáo chính, với phong cảnh hùng vĩ, vẫn chìm trong máu lửa, bom đạn.

 

      1. Có sự tham gia của Mỹ 

 

Thật dễ để nhận ra vì sao chính quyền Mỹ lại muốn đứng ngoài tiến trình hoà bình ở Trung Đông. Bởi những người từng cố gắng tham gia vào tiến trình ấy đã không làm được gì nhiều. Thành công của Jimmy Carter trong vai trò làm trung gian hoà giải giữ Ai Cập và Israel tại Trại David năm 1978 chẳng mang lại gì cho sự nghiệp chính trị của ông. Năm 1983, trong suốt nhiệm kỳ của Ronald Reagan, 241 binh lính Mỹ đã thiệt mạng trong vụ đánh bom một doanh trại quân đội ở Beirut. Thủ phạm bị tình nghi chính là lực lượng Hezbollah. Và Bill Clinton cũng phải rời nhiệm sở trong thất vọng cay đắng, khi sự thông minh và vẻ hào hoa của ông vẫn không thể đem lại hoà giải cho người Israel và Palestine.

 

Nhưng chuyến đi lần này của Rice là bằng chứng cho thấy Mỹ có tham gia vào khủng hoảng ở Trung Đông, dù có muốn hay không. Đó là bởi Mỹ có một mối quan hệ đặc biệt với Israel và đã cam kết sẽ đảm bảo an ninh cho quốc gia này. Điều này cũng có nghĩa là Washington có thể nói chuyện với Israel, và đôi khi, có thể thuyết phục được Israel ngồi vào bàn đàm phán với những bên mà họ không ưa gì.

 

Khi chiến sự ở Libăng ngày càng trở nên ác liệt, nhiều quốc gia thi nhau tố cáo Israel đã có phản ứng “không đúng mực” đối với cuộc bắt cóc của Hezbollah hai tuần trước. Tuy nhiên, một số bắt đầu tỏ ra nghi ngờ về bên “khơi mào” cho cuộc chiến hiện tại. Và họ cho rằng đó không phải là Israel. “Tôi là người ghét bạo lực, chiến tranh hơn bất kỳ ai,” một quan chức chống khủng bố Pháp nói. “Nhưng làm thế nào mà Israel lại không phản ứng với khiêu khích của Hezbollah được?” Thậm chí, Ảrập Xếut, vốn luôn chậm chạp trước những phát biểu ủng hộ Israel, thì lần này lại lên tiếng chỉ trích Hezbollah, và còn ngầm cảnh báo rằng Hezbollah sẽ “phải chịu  trách nhiệm một mình trước những hành động vô trách nhiệm của mình, và sẽ phải gánh chịu kết cục bi thảm của một cuộc khủng hoảng do chính họ gây ra.” Vua Abdullah II và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak cũng lên án Hezbollah đã “quá mạo hiểm mà không đem lại lợi ích gì cho thế giới Ảrập”.

Cũng không có gì là khó hiểu vì sao Ảrập Xếut, Ai Cập và Jordan, các quốc gia với đa số là người Hồi giáo Sunni, lại tự đẩy họ tách xa khỏi lực lượng Hezbollah. Tổ chức Libăng này lại là lực lượng chiến đấu cho người Shiite, được người Shiite và những nước “không Ảrập” như Iran tạo dựng và tài trợ. Khi Tehran vươn cánh tay của mình rộng ra các nước khác trong khu vực, theo đuổi công nghệ hạt nhân và khi lực lượng Shiite lớn ngày càng lớn mạnh ở Iraq, thì các cường quốc không khỏi lo lắng. Và điều đó đã mở cho Mỹ một cánh cửa. Các quan chức Mỹ cho rằng mục đích chuyến đi của bà Rice lần này là tạo ra một “cái ô cho các đồng minh Ảrập” để đối lại với lực lượng Hezbollah. “Ngoại trưởng sẽ không trở về với một lệnh ngừng bắn, mà với một mối quan hệ thân thiết hơn với thế giới Ảrập”, một quan chức Mỹ nhận xét.

“Điều chúng ta cần là các đồng minh Ảrập phải đứng lên chống lại Hezbollah và Iran. Những gì chúng ta sẽ thấy ở đây có lẽ là sự hồi sinh của một Trung Đông mới.”

2.      Không quên người Palestine

Giống như bất kỳ cuộc tái sinh nào, cuộc tái sinh lần này cũng không hề dễ dàng gì. Các quốc gia Ảrập Sunni hàng đầu của Trung Đông, nếu có tham gia cùng Mỹ trong cuộc đối đầu với Hezbollah và Iran, chắc chắn sẽ đòi đổi lấy một cái gì đó. Và cũng không khó để xác định: đó là Mỹ phải cam kết hết lòng đưa tiến trình hoà bình trở lại với Israel và người Palestine.

Với họ, liều thuốc để chữa trị cho những ốm yếu của khu vực chính là hoà bình giữa Israel và Palestine. Nếu giải quyết được vấn đề đó, thì kinh tế khu vực sẽ phát hiển nhanh chóng, các nhóm cực đoan sẽ không còn lý do gì để tồn tại, và quần chúng sẽ không ủng hộ cho bạo lực nữa. Cũng giống như Thủ tướng Anh Tony Blair đã phát biểu trước quốc hội Mỹ năm 2003 rằng: “Chủ nghĩa khủng bố sẽ không chịu thua nếu không có hoà bình ở Trung Đông, giữa Israel và Palestine.”

Nhưng cho đến giờ vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung giữa các quốc gia trong vùng cũng như trên thế giới về cách giải quyết bài toán hoà bình giữa Israel và người Palestine. Bao năm qua, Israel đã chứng kiến rất nhiều kẻ đánh bom liều chết từ Bờ Tây ồ ạt đổ vào các thành phố, và chứng kiến rocket từ dải Gaza và Libăng nã vào các thị trấn của mình. Trong bối cảnh ấy, Israel cần phải biết rằng trong bất cứ thoả thuận nào với Palestine, thì người Israel phải được đảm bảo an toàn.

 

     3. Đảm bảo an ninh cho Israel

 

Vì lý do đó, mà giải pháp cho hoà bình thứ ba là tìm cách thuyết phục người Israel rằng vào ban đêm họ và con cháu của họ có thể yên giấc. Nhưng trong vấn đề này Israel đang ở vị trí tiến thoái lưỡng nan. Mỗi khi được yêu cầu, lực lượng quân đội tinh nhuệ của nhà nước Do Thái chưa bao giờ thất bại trong các cuộc chiến thông thường chống lại những đội quân lớn mạnh. Nhưng hiện giờ, họ đang phải chiến đấu chống lại những tổ chức chiến binh (Hezbollah, Hamas) được huấn luyện tốt, và có lòng nhiệt tình tôn giáo tiếp sức. Các lực lượng quân đội sẽ đầu hàng khi chỉ huy của họ ra lệnh; nhưng khi gặp khó khăn quân du kích chỉ rút về nơi trú ẩn và đợi một ngày khác sẽ vùng lên chiến đấu. Tệ hơn, lực lượng du kích ngày nay thường sống trong các ngôi làng, trú ẩn trong nhà và được thường dân bảo vệ. Để những lực lượng này chịu khuất phục, nói thì dễ, làm mới khó.

Tất cả điều đó có nghĩa là Israel phải tham gia vào một cuộc chiến chắc chắn sẽ gây ra tổn thất vô cùng lớn đối với các thị trấn và thành phố của mình. Trong con mắt phán xét của cộng đồng quốc tế, thì Israel khó lòng mà giành được chiến thắng trong cuộc chiến này. Như vậy bằng cách cố gắng đảm bảo an ninh của mình ngày hôm nay, Israel có thể đang đe doạ nền an ninh đó trong tương lai.

        4. Bình ổn Libăng

Bằng cách để lại một lượng binh lính ở Bờ Tây sau mỗi cuộc rút quân, Israel hi vọng sẽ đạm bảo được an ninh trên bờ biên giới phía đông của họ. Nhưng chiến thuật này không thể áp dụng cho miền bắc. Không ai lại ủng hộ sự chiếm đóng của Israel đối với vạt phía nam Libăng như họ đã làm giai đoạn từ năm 1982 đến năm 2000. Đó là lý do vì sao chìa khoá cho hoà bình thứ tư là bình ổn Libăng. Điều này đồng nghĩa với việc vực dậy chính phủ lỏng lẻo của những nhà kỹ trị do Thủ tướng Fouad Siniora đứng đầu, và hỗ trợ giúp Libăng tái thiết lại đất nước.

Nhưng bình ổn Libăng còn có nghĩa là phải đảm bảo rằng lực lượng Hezbollah sẽ không sử dụng các căn cứ của họ ở miền nam để đe doạ hoà bình của khu vực. Đó là lý do vì sao bà Rice cho rằng mục đích chuyến đi lần này của bà là thay đổi trò chơi chính trị ở Libăng, đẩy lực lượng Hezbollah ra khỏi cuộc chơi ấy.

        5. Đối phó với Iran

Một nhân tố tạo nên sự khác biệt thực sự trong cuộc khủng hoảng hiện nay với những cuộc khủng hoảng trước đó: là vai trò trung tâm của Iran. Với người Israel, chính Iran đã khuyến khích Hezbollah bắt cóc binh lính của họ. Và quan điểm đó không chỉ tồn tại ở trong lòng Jerusalem. “Không hề có sự nghi ngờ dù là nhỏ nhất về vai trò của Iran trong cuộc khủng hoảng này”, một quan chức ngoại giao Pháp nói. “Thật là trùng hợp khi ngày Hezbollah bắt cóc binh lính Israel rơi đúng vào ngày các bộ trưởng nhóm họp ở Paris để quyết định biện pháp tiếp theo đối với vấn đề hạt nhân của Iran!”

Giả sử Iran có đứng đằng sau vụ bắt giữ của Hezbollah thật, thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Hiện Mỹ và các cường quốc khác đang thảo luận biện pháp đối phó với chương trình hạt nhân của Iran, nên giờ họ có thêm cớ để dễ dàng cùng nhau áp đặt lệnh cấm vận đối với Iran. Nhưng rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Hãy nhìn lên bản đồ. Iran là một nước giàu dầu mỏ, giáp với Pakistan, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và một số nước khác. Nó có một vị trí chiến lược giữa Á và Âu. Các quan chức châu Âu đã nói đến một “cuộc đối thoại xây dựng” với Tehran. Có nghĩa là họ đã nhìn nhận Iran như một cường quốc quan trọng trong khu vực.

Nhưng Israel lại cho rằng đối thoại với một quốc gia có vị tổng thống ngạo mạn muốn “xoá Israel ra khỏi bản đồ” thế giới chỉ tốn công mà thôi. Trong khi đó, Mỹ cũng có  rất ít các cuộc đàm thoại quan trọng với các quan chức Iran trong vòng 26 năm qua. Điều đó cho thấy Washington và các đồng minh sẽ hành động nếu Iran thực sự muốn tìm kiếm vị trí bá chủ trong khu vực. Nhưng thậm chí nếu Iran có bị kiềm chế hay phải thay đổi giọng điệu của mình thì chắc chắn Hezbollah cũng không theo họ. Và Hamas cũng vậy. Một quan chức Israel tố cáo Iran đã có những cuộc thương lượng đầu tiên với Hamas năm 2001và Khaled Mashaal, thủ lĩnh của Hamas hiện đang ở Syria, thường “bay qua bay lại giữa Dumascus và Tehran. Nhưng Hamas là một tổ chức hồi giáo Sunni, được thành lập từ sự phản kháng của người Palestine. Họ không cần Iran khuyến khích cũng đã sẵn sàng chiến đấu chống lại Israel rồi.

        6. Cầu nguyện cho Iraq

Và cuối cùng là vấn đề của Iraq. Hi vọng ban đầu của Mỹ đối với Iraq không còn được đón chào nữa: một nền dân chủ thực sự ở Iraq sẽ đem lại bình ổn cho toàn vùng. Thất bại của Mỹ trong việc lập lại trật tự ở Iraq khiến nhiều người tin rằng thêm một cuộc bùng phát bạo lực nữa sẽ buộc Washington và đồng minh phải từ bỏ “ước muốn” đem lại thay đổi cơ bản cho Trung Đông của họ. Và một kết cục tồi tệ sẽ đến. Iraq có thể trở thành bệ phóng cho một cuộc chiến toàn diện giữa người Sunni và Shiite; giữa một bên là Iraq bảo vệ cho người Shiite và một bên là các quốc gia Ảrập bảo vệ cho người Sunni. Trong cuộc chiến khốc liệt giữa Iran – Iraq năm 1980-88, hơn 1 triệu người đã bị chết và bị thương. Và lịch sử đó có thể lặp lại trong bối cảnh trong vùng hiện có ít nhất một cường quốc, Iran, muốn phát triển vũ khí hạt nhân.

Nguyên Hạ

Theo Time

Dòng sự kiện: Israel - Lebanon crisis