1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

100 ngày của Obama: nước Mỹ đang đi đúng hướng

(Dân trí) - Trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, một đường hướng ngoại giao khác biệt đã định hình. Lần đầu tiên, nhiều ngươì Mỹ nói nước Mỹ đang đi đúng hướng.

100 ngày của Obama: nước Mỹ đang đi đúng hướng - 1

 
Đối nội: Cảm hứng để hy vọng

Cuộc điều tra dư luận mới nhất do hãng tin Mỹ AP tiến hành cho thấy 48% người Mỹ tin rằng nước Mỹ đang đi đúng hướng - so với 44% không đồng ý. Điều đáng nói là con số nói “đúng hướng” đã tăng 8 điểm kể từ hồi tháng 2 và một mức kỷ lục là 31 điểm kể từ tháng 10 năm ngoái, một tháng trước khi Obama trúng cử.

Đó là những con số này truyền cảm hứng cho hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn trong những ngày đầu tiên Obama lèo lái con thuyền Mỹ. Dư luận cho thấy đánh dấu thời điểm 100 ngày tại Nhà Trắng, vào ngày 28/4 này, hầu hết người dân xem Tổng thống mới của họ là nhà lãnh đạo mạnh mẽ và có sự đồng cảm - người đang thực hiện lời hứa thay đổi Washington. Nhưng dù thế, những lo ngại khủng khiếp về vấn đề tài chính cá nhân cũng như chi phí y tế đã khiến người Mỹ dường như không mấy lạc quan về thời gian Obama có thể cần để thay đổi mọi thứ.

“Ông có cái nhìn rất lạc quan”, Cheryl Wetherington, 35 tuổi, một cử tri độc lập ở Gardner nói. “Ông là người nói rất hay về đường hướng mà nước Mỹ phải tiến theo”.

Không ai biết những tuần trăng mặt sẽ kéo dài bao lâu, nhưng rõ ràng là Obama đã biến được tinh thần “đúng, chúng ta có thể” trong chiến dịch tranh cử của ông thành một công cụ lãnh đạo. Ngay cả khi nếu không thích những gì ông đang làm, người dân Mỹ dường như cũng hài lòng vì giờ đây tổng thống của họ đang hành động, làm bất kỳ điều gì đó, còn hơn là không làm gì cả.

Đối ngoại: Hoà dịu và đa phương

Đó là phong cách hoàn toàn khác với chính phủ trước đó và bước đầu chinh phục được cảm tình của thế giới: Lắng nghe ý kiến của đối tác, sẵn sàng thỏa hiệp nếu cần thiết, nhưng vẫn duy trì tư thế lãnh đạo của cường quốc số một trên hành tinh.

Đường hướng này càng lúc càng được cụ thể hoá qua những tuyên bố và hành động của tân tổng thống Obama, Phó tổng thống Joe Biden hay Ngoại trưởng Hillary Clinton, đặc biệt là với một số chuyến công du quan trọng hướng về ba châu lục khác nhau Á, Âu và Mỹ, cũng như khu vực Cận Đông. Tờ báo Der Spiegel của Đức bình luận: “Thời kỳ của một nước Mỹ cao ngạo đã cáo chung”.

Tổng thống Obama cũng đã phác hoạ ra một số nét mới trong đường lối ngoại giao của nước Mỹ, cũng trên tinh thần hoà dịu, tôn trọng lẽ phải chứ không đơn phương dựa vào sức mạnh: đóng cửa nhà tù Guantanamo và nghiêm cấm các hình thức tra khảo nghi phạm; mong muốn bắc nhịp cầu thân thiện với thế giới Hồi giáo trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau; cởi mở cũng được thể hiện ngay cả đối với Syria và Iran - hai nước là đối tượng bị chỉ trích thời tổng thống Bush.

Nhiều nhà phân tích khẳng định chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama vẫn còn đang trên đường xây dựng, nhưng về phương thức hành động thì rõ ràng là đã định hình. Kết quả nổi bật nhất là ông Obama đã làm dịu bớt cái nhìn của thế giới với nước Mỹ. Bằng chứng là tại G20 vừa qua, Tổng thống Sarkozy lúc đầu đã doạ tẩy chay, rồi về sau cũng lại họp và thân thiện với ông Obama. Khi ông Biden tuyên bố là bang giao Mỹ và Nga phải làm lại từ đầu, ''bấm lai nút khởi động'', thì Nga đã rất hoan nghênh. Ngay cả Iran cũng nói là sẽ sẵn sàng thương thuyết với Obama.

Trước thành công vẫn là những thách thức

Obama là người hiểu rõ nhất, những thành công đầu tiên của ông mang nhiều tính hình thức và biểu tượng. Còn về cụ thể, kết quả cũng chưa có bao nhiêu vì còn rất nhiều hồ sơ nóng chưa được giải quyết.

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên; vấn đề Iran trong mối quan hệ ngày càng gay gắt với Israel; hoà bình Trung Đông chưa có lối thoát khi Israel mới có một chính phủ cứng rắn lên nắm quyền. Rồi đối với Châu Mỹ Latinh, nhiều lãnh đạo tỏ rõ thái độ thân thiện đối với cá nhân ông Obama, nhưng lại chỉ trích dữ dội chính sách của chính quyền Mỹ. Vấn đề Iraq, Afghanistan cũng còn rất nóng bỏng.

Ông Obama còn phải chú tâm trước tiên đến giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính. Dù đã tuyên bố kinh tế Mỹ bắt đầu có những tia sáng hiếm hoi, nhưng hy vọng kinh tế Mỹ sắp hồi phục lại đang giảm dần sau khi có các số liệu mới về công ăn việc làm và số nhà bán ra. Phúc trình mới nhất của Bộ Lao động cho thấy trong tuần qua số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng lên tới 640.000, trong khi số người tiếp tục xin trợ cấp dài hạn lên cao tới mức kỷ lục trong 12 tuần liên tiếp. Các gói cứu trợ khổng lồ chứng tỏ sức mạnh của một cường quốc, nhưng Obama cùng các cộng sự còn đang lo lấy tiền ở đâu ra?

Obama chắc chắn không có thời gian để để ý rằng trên mạng Facebook hiện nay, ông là chính khách được ái mộ nhất, với hơn 3 triệu người ủng hộ. Ông còn phải tiếp tục lo cụ thể những nỗ lực của mình bằng kết quả trong những ngày tiếp theo.

Nguyễn Viết
Tổng hợp