1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Thông tin thêm về hoàn cảnh của hai đứa trẻ có "bố chết, mẹ bỏ đi”

(Dân trí) - Hoàn cảnh đáng thương của hai cháu Tuyết, Tuấn nhanh chóng đã nhận được những tấm lòng giúp đỡ của bạn đọc gần xa qua bài viết: “Tiếng khóc xé lòng của hai đứa trẻ có bố chết, mẹ bỏ đi” đăng trên báo điện tử Dân trí ngày 3/8/2016. Bên cạnh đó có những phản hồi của bạn đọc về độ chính xác của thông tin bài viết như chuyện mẹ cháu vẫn ở nhà và không hề bỏ đi, hay gia đình bác Vương có điều kiện và có cả tiền cho vay… Trước những thông tin này, PV Dân trí một lần nữa trở về địa phương để có câu trả lời xác đáng đến bạn đọc.

Em Khúc Thị Liên mẹ của 2 cháu trả lời về việc mình bỏ nhà đi thời gian qua

Gia đình nghèo kiệt quệ vì liên tiếp nhiều người mang bệnh

Trước hết nói về hoàn cảnh bác Vương, gia đình làm thuần nông với thu nhập dựa hoàn toàn vào đồng ruộng. Tai họa ập xuống khi bác trai là Nhữ Văn Quynh phát hiện căn bệnh ung thư phổi và phải theo điều trị hóa chất tại bệnh viện K Hà Nội trong khoảng thời gian dài. Trong quá trình đi chăm chồng ở viện K thì bản thân bác Vương bị đau bụng dữ dội, bác sĩ cho biết bác bị sỏi ở ống mật và ống gan nên phải mổ ngay. Không còn cách nào lựa chọn, bác Vương phải mổ tại bệnh viện Việt Đức và trong tình cảnh bi đát ấy, chính bác Quynh là người từ chối việc điều trị để nhường tiền cho vợ phẫu thuật và bác cũng là người sang chăm vợ cho dù bản thân chịu nhiều đau đớn.

Sau biến cố cả 2 vợ chồng cùng đi viện, trở về nhà được 1 thời gian không lâu thì bác Quynh qua đời. Nhớ lại quãng thời gian đó, bác Vương vẫn còn nguyên cảm xúc đau đớn đến nghẹt thở: “Nếu như ông ấy được điều trị đến nơi đến chốn có lẽ sẽ còn kéo dài được 1 thời gian nữa nhưng lúc đó gia đình thực sự kiệt quệ quá rồi nên đành chịu thôi cô ạ”.

Toàn cảnh ngôi nhà bác Vương với những đồ giá trị nhất.
Toàn cảnh ngôi nhà bác Vương với những đồ giá trị nhất.

Những tưởng biến cố gia đình chỉ có vậy nhưng sau khi bác trai mất được đúng 1 tuần thì con trai đầu của bác là em Nhữ Công Kha (27 tuổi) đau bụng và được đưa cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Hải Dương. Tại đây các bác sĩ cho biết em bị thủng đại tràng và rơi vào tình trạng nhiễm trùng máu. Sau ca mổ cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, Kha nhanh chóng được đưa lên điều trị tích cực tại bệnh viện Bạch Mai nhưng không qua khỏi, em mãi mãi ra đi chỉ sau bố có vỏn vẹn 70 ngày liên tiếp.

Chiếc bàn thờ mọi người mua cho khi bố các cháu nằm xuống.
Chiếc bàn thờ mọi người mua cho khi bố các cháu nằm xuống.
Để thay thế cho chiếc bàn thờ cũ, nhỏ.
Để thay thế cho chiếc bàn thờ cũ, nhỏ.

Cả chồng, con đều qua đời vì bệnh hiểm nghèo nhưng còn để lại số nợ khổng lồ lên đến 200 triệu đồng cho bác Vương. Trong đó tổng số tiền gần 60 triệu đồng bác vay sổ vay vốn nhà nước, hơn 50 triệu vay lãi ngoài và khoản 120 triệu đồng do chính ông bà thông gia vay hộ. Nói về khoản nợ này, bác Khúc Thừa Đáng (ông ngoại hai cháu Tuyết, Kha) là thông gia của bác Vương ái ngại:

“Tôi vay với lãi suất 12%/ năm nhưng gần đây họ hạ xuống cho còn 10%/ năm nhưng đã 4 tháng rồi tôi chưa có đồng nào trả lãi cả, bà Vương thì lại càng không có nên cứ khất vậy. Tiền lãi còn không trả được, tôi cũng không biết tiền gốc thì đến bao giờ mới có trả cho họ”.

Bác Vương với cuốn sổ vay vốn ngân hàng không biết đến bao giờ mới trả được.
Bác Vương với cuốn sổ vay vốn ngân hàng không biết đến bao giờ mới trả được.
Thông tin thêm về hoàn cảnh của hai đứa trẻ có "bố chết, mẹ bỏ đi” - 5
Ngoài số tiền hơn 60 triệu bác vay trong sổ, bác còn vay ngoài trong thời gian con trai đi viện cấp cứu.
Ngoài số tiền hơn 60 triệu bác vay trong sổ, bác còn vay ngoài trong thời gian con trai đi viện cấp cứu.

Nhóm 14 (HN) trên thẻ bảo hiểm y tế của bà Vương là Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm 14 (HN) trên thẻ bảo hiểm y tế của bà Vương là Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Con trai thứ 2 của bác hiện đang là sinh viên năm 4 trường ĐH Mỏ Địa Chất. Tranh thủ những lúc ngoài giờ học em đi bốc vác thuê lấy tiền đóng học phí.
Con trai thứ 2 của bác hiện đang là sinh viên năm 4 trường ĐH Mỏ Địa Chất. Tranh thủ những lúc ngoài giờ học em đi bốc vác thuê lấy tiền đóng học phí.

Về gia đình bác Vương nhiều năm ở trong danh sách hộ nghèo, riêng năm 2016 thì chuyển sang hộ cận nghèo vì theo giải thích của ông Khúc Văn Luyên – Trưởng thôn Nhữ Thị: “Khi mà ông Quynh mất là lúc chúng tôi bình bầu hộ nghèo, thực tế thì gia đình vẫn khó khăn nhưng trong thôn cũng có những hoàn cảnh cụ già neo đơn nên là bầu cho các cụ. Tuy nhiên đột ngột liền sau đó con trai của bà Vương lại qua đời nên gia đình lại càng thêm nhiều vất vả, vì vậy mà sang năm trong đợt bình xét chúng tôi sẽ đặc biệt lưu tâm hoàn cảnh nhà bà. Tôi cũng sẽ báo lên các cấp trên về hoàn cảnh của cháu Liên để cháu được hưởng chế độ người phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ”.

Có thật chuyện mẹ các cháu bỏ đi vì quá buồn chán?

Xung quanh thông tin bài viết khi mẹ hai cháu Tuấn, Tuyết là em Khúc Thị Liên đã bỏ đi vì không chịu được nỗi đau mất chồng. Nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi khi cho rằng em Liên vẫn đi làm và về nhà chăm sóc 2 con. Phải nói thêm rằng sau khi bài báo lên trang được 1 ngày, ông ngoại các cháu là bác Khúc Thừa Đáng đã phải đi “lùng sục” khắp mọi nơi để tìm cho bằng được Liên với lí do “bắt phải về nhà với các con” và cũng lo lắng cho tâm tư của con gái mình sau khi chồng mất.

Ông ngoại Khúc Thừa Đáng phải đi lùng sục mọi nơi tìm con gái về.
Ông ngoại Khúc Thừa Đáng phải đi lùng sục mọi nơi tìm con gái về.

“Tôi gọi điện thoại thì vẫn như mọi khi là cháu nó tắt máy, tôi cũng có nghe ý kiến của mọi người nói rằng việc cháu vẫn ở nhà thường xuyên nên phải bằng mọi giá đi tìm cháu. Tôi đi nhiều chỗ lắm, bạn bè và cả những chỗ tôi biết để tìm nhưng không thấy, cuối cùng tôi có gọi điện cho 1 người họ hàng hỏi thì đúng hôm nay cháu ở đó nên là tôi đã bắt cháu về đây” – Bác Đáng tâm sự.

Để thông tin chính xác việc mình có thực sự bỏ đi như thông tin bài viết, Liên cúi mặt, vẫn giọng đầy chán chường: “Em không chịu được khi ở nhà vì nhiều chuyện lại nổi lên, em nhớ chồng em nên đã bỏ đi cho khuây khỏa. Khi em đi em cũng không nói với bố mẹ đẻ hay mẹ chồng của em, điện thoại em cũng tắt để mọi người khỏi liên lạc được. Em đi như thế lúc nào nhớ con thì em về ngó chúng nó rồi lại đi luôn, cả kể là đang đêm em cũng đi chứ không ngủ ở nhà”.

Vì không chịu được nỗi đau mất chồng, Liên đã bỏ nhà đi không nói với ai.
Vì không chịu được nỗi đau mất chồng, Liên đã bỏ nhà đi không nói với ai.
Lúc nào nhớ con em ghé về nhìn một lúc rồi lai đi, cả kể là trong đêm em cũng đi.
Lúc nào nhớ con em ghé về nhìn một lúc rồi lai đi, cả kể là trong đêm em cũng đi.

Vừa thương, lại vừa một chút giận em, mọi người có hỏi em đã đi đâu, làm gì trong thời gian qua thì nhận được câu trả lời: “Có lúc em làm, có lúc không, còn đi là cứ đi thôi không biết là đi đâu, em ngủ mỗi nhà một vài đêm”.

Việc em rời khỏi nhà trong nhiều ngày liền khiến cho bé thứ 2 là Nhữ Minh Tuấn nay vừa tròn 10 tháng cũng không theo mẹ khi bế và Tuấn cũng đã phải uống sữa ngoài từ lâu vì em bảo: “Em đi khỏi nhà lâu không cho bú nên em cũng hết sữa lâu rồi. Giờ cháu uống hoàn toàn sữa ngoài toàn bộ”.

22 tuổi, Liên sớm rơi vào cảnh góa chồng và gánh nặng làm mẹ của hai đứa trẻ con khiến em chênh vênh, chống chếnh. Em đã trở về rồi nhưng cả ông bà ngoại và bà nội đều nơm nớp em sẽ lại bỏ đi nên ra sức khuyên răn, động viên em ở lại. Nhìn con gái, bà ngoại Hồ Thị Lăm vừa thương, vừa giận”.

Cậu bé Tuấn 10 tháng tuổi không theo mẹ và phải uống sữa ngoài toàn bộ vì Liên đã mất sữa từ khi bỏ nhà đi.
Cậu bé Tuấn 10 tháng tuổi không theo mẹ và phải uống sữa ngoài toàn bộ vì Liên đã mất sữa từ khi bỏ nhà đi.
22 tuổi em sớm rơi vào cảnh góa chồng, 1 nách 2 con thơ.
22 tuổi em sớm rơi vào cảnh góa chồng, 1 nách 2 con thơ.

“Tôi gọi điện thì nó tắt máy, thi thoảng nó có về nhìn mặt con nó rồi lại đi, tôi có hỏi nó đi đâu thì nó không nói, nó bảo nó chán nên bỏ đi chỗ khác. Tôi biết là nó đau khổ lắm vì chồng nó chết rồi nhưng con dại, cái mang, tôi giận nhưng thương nó lắm”.

Đều chung suy nghĩ với bác Lăm, nhìn em, gương mặt buồn rượi, lúc nào cũng cúi gằm xuống đất, chúng tôi ai cũng thấy xót. Những tai họa của gia đình xảy đến đột ngột, liên tục thật quá sức chịu đựng của em khiến em tạm thời quên đi trách nhiệm làm mẹ. Tuy vậy nhưng ai cũng tin tưởng và mong muốn em sẽ ở nhà chăm sóc các con bởi chúng đã mất đi người bố nên cần có mẹ hơn bao giờ hết để dựa dẫm và chăm nom.

Phạm Oanh