Vertu sụp đổ, "cái chết" được dự báo sớm ở Việt Nam? (P2)

(Dân trí) - Một thực tế đang xảy ra không chỉ ở riêng Việt Nam mà trên khắp thế giới, sức mua các mặt hàng siêu sang hiện đang giảm mạnh, trong đó có Vertu.


Vertu hướng đến sự xa xỉ thông qua các chất liệu, cách chế tác tỉ mỉ của những bàn tay nghệ nhân.

Vertu hướng đến sự xa xỉ thông qua các chất liệu, cách chế tác tỉ mỉ của những bàn tay nghệ nhân.

Sức mua giảm

Ông Mai Triều Nguyên, điều hành chuỗi Mai Nguyên Luxury cho biết, sức mua của các mặt hàng công nghệ siêu sang hiện đang giảm mạnh ở Việt Nam trong 2 năm trở lại đây.

Lý do bởi xu hướng mua sắm chi tiêu vào mặt hàng xa xỉ của người Việt không còn nhiều. Bên cạnh đó, sự phổ cập của smartphone quá lớn cũng tác động không nhỏ đến tâm lý và hành vi tiêu dùng, khiến cho sức hút của các sản phẩm xa xỉ giảm đi rõ rệt.

Ông Dương Trần Quang Minh, một nhà chế tác mặt hàng công nghệ siêu sang tại Việt Nam cho biết, năm 2015 còn vẫn là năm ăn nên làm ra của lĩnh vực này.

Tuy nhiên, từ quý II năm 2016 trở đi cho đến nay, sức tiêu thụ mặt hàng siêu sang như Vertu giảm đi rõ rệt. "Nhiều cửa hàng, showroom trong đó có tôi đã phải cắt giảm nhân sự, cắt giảm khu trưng bày để mong trụ vững khi kinh tế phục hồi", ông Minh chia sẻ.

Ông Minh cũng cho biết, việc giảm này không chỉ ở VN mà cả trên thế giới. Tình hình biến động chính trị, kinh tế các nước như Mỹ, liên minh Châu Âu... cũng chỉ mới hồi phục đầu năm nay. Trong khi năm 2016, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới chậm lại, khả năng chi tiêu không cao đã tác động rất lớn cho ngành kinh doanh xa xỉ.

"Năm 2015 là năm mà tôi chế tác nhiều mặt hàng Vertu nhất, đến nỗi không có thời gian để nhận thêm máy. Tuy nhiên, từ 2016 trở đi, người đặt mua và đặt chế tác giảm đi rõ rệt. Chứng tỏ việc chi tiêu ngày càng được thắt chặt hơn và nhu cầu cho mặt hàng siêu xa xỉ này hiện không còn nhiều". Ông Minh nói.

Các dịch vụ cao cấp bị khoá

Một điểm khác khiến cho Vertu ngày càng kém thu hút người dùng, các dịch vụ cao cấp dành riêng cho khách hàng Vertu cũng bị khóa.

Điều này khiến cho người dùng "bức bối" quay lưng.

"Riêng khoản nợ đối với dịch vụ hỗ trợ Vertu Concierge đã khiến cho nhiều đối tác đóng dịch vụ. Đây là dịch vụ hỗ trợ khách hàng chuyên biệt, hỗ trợ 15 ngôn ngữ. Dịch vụ này đã bị khóa khiến cho khách hàng không nhận được đặc quyền dành cho các dịch vụ cao cấp như đặt vé, đặt chỗ nghe nhạc Opera, du thuyền...", một nhà bán lẻ cho biết.

Bên cạnh đó, người yêu thích Vertu cũng biết rằng, mỗi năm một phiên bản nâng cấp đều không có nhiều thay đổi trong thiết kế. Thay đổi duy nhất chỉ nằm chất liệu, đính thêm đá, tùy chất liệu đá...

Vertu không chạy theo xu hướng như các smartphone, bắt buộc thay đổi thiết kế liên tục mà sản phẩm này hướng đến sự xa xỉ thông qua các chất liệu, cách chế tác tỉ mỉ của những bàn tay nghệ nhân. Điều này khiến cho việc mở rộng thị trường cũng rất khó khăn.

Trong tháng 6 vừa qua, chủ mới của Vertu đã công bố hợp tác với TCL, một nhà sản xuất đến từ Trung Quốc để sử dụng công nghệ chế tạo các sản phẩm.

Tuy nhiên, các điều khoản trong thỏa thuận không được 2 bên tiết lộ. Người dùng không rõ TCL lẫn Vertu sẽ hợp tác trên phương diện như thế nào? TCL chỉ là nhà cung cấp hay là đơn vị chế tác Vertu?

Điều này cũng phần nào tác động lớn vào giới đầu tư và kinh doanh, khi không biết rằng, còn bàn tay của nghệ nhân Anh Quốc trong sản phẩm này nữa hay không!

Thông tin mới nhất cho hay, Vertu sẽ phải giải thể và nhà máy sẽ bị đóng cửa khiến 200 nhân viên bị thất nghiệp. Hiện tại các cửa hàng Vertu chính thức của Việt Nam vẫn đang hoạt động bình thường. Người phát ngôn của FPT chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về số phận các cửa hàng Vertu chính hãng ở VN.

Quốc Phan