Vertu sụp đổ, "cái chết" được dự báo sớm ở Việt Nam? (P1)

(Dân trí) - Từ khi sang chủ mới, các phiên bản mới của Vertu đã không thu hút được sự quan tâm của giới kinh doanh lẫn nhà chế tác trong nước, khiến cho Vertu dần mất chỗ đứng ở VN.

Lợi nhuận nào cho Vertu?

Là một thương hiệu xa xỉ "vạn người mê", biểu tượng cho sự thành đạt, Vertu chỉ dành cho giới quý tộc đúng nghĩa.

Ngay từ ban đầu, Vertu được tạo ra nhằm hướng đến việc tạo ra một sản phẩm như các đồ trang sức quý giá dành cho người dùng chứ không đơn thuần là chiếc điện thoại cao cấp.

Hãng này cũng từng cho biết, nếu người dùng có thể bỏ ra hàng chục ngàn USD để mua chiếc đồng hồ hay một trang sức nào đó thì tại sao không bỏ ra số tiền tương ứng để mua một chiếc điện thoại di động?

Một mẫu Vertu đang bán tại VN
Một mẫu Vertu đang bán tại VN

Điểm nhấn của Vertu đó là chiếc điện thoại được chế tác hoàn toàn bằng thủ công thông qua các bàn tay của những nghệ nhân bậc nhất thế giới. Những kim loại, đá quý, da thượng hạng được sử dụng để chế tác ra một chiếc điện thoại. Những mặt hàng này chỉ hướng đến giới nhà giàu trên toàn thế giới và trong đó có cả Việt Nam.

Tại Việt Nam, nếu tính số lượng cửa hàng thì cũng ngót nghét trên dưới 10 cửa hàng có kinh doanh mặt hàng này. Một con số không thấm vào đâu so với quy mô kinh doanh điện thoại di động của các nhà bán lẻ tại VN. Tuy nhiên, về phương diện chính hãng chỉ có mỗi FPT là đơn vị độc quyền nhập khẩu và phân phối với 2 chuỗi trưng bày tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.

Số lượng sản phẩm bán ra trên toàn cầu của Vertu rất ít, chỉ vài trăm chiếc cho mỗi phiên bản bởi nó sản xuất hoàn toàn bằng thủ công, không thể so bì với một nhà sản xuất di động phục vụ số đông thông qua máy móc. Vì vậy, lượng hàng bán tại Việt Nam cũng tương đối ít, không nhiều nhưng giá trị vô cùng cao.

Nghịch lý gì đang xảy ra?

Tuy nhiên, nếu nhìn vào dải sản phẩm Vertu mà các cửa hàng kể trên tại Việt Nam kinh doanh thì sẽ nhận thấy rõ một điều, hầu hết đều là điện thoại Vertu được sản xuất từ năm 2016 trở lại mà không phải là mẫu từ 2017 trở đi? Nghịch lý gì đang xảy ra?

Một nhà bán lẻ Vertu tại Việt Nam tiết lộ: "Do nhiều người dùng không chú ý chứ hầu hết đều đang kinh doanh mặt hàng Vertu từ năm 2016 trở lại. Đây có thể là những sản phẩm đã đặt hàng từ trước hoặc nhập qua các cửa hàng khác trên thế giới.

Do đó, có thể hiểu, riêng tại thị trường Việt Nam, từ khi Vertu thuộc sở hữu của ông Hakan Uzan sau khi ông này thâu tóm vào tháng 3 năm 2017 đã không có được lợi nhuận như mong muốn".

Lý giải về việc vì sao các nhà bán lẻ lại nhập các dòng từ năm 2016 trở về trước để bán, nhà bán lẻ này cho biết, các dòng Vertu mới được sản xuất thông qua những đối tác khác, không phải các nghệ nhân đến từ Anh Quốc như trước đây.

Chẳng hạn mẫu Signature S của năm 2017, được người trong giới đánh giá không cao về độ hoàn thiện và chất lượng như các mẫu của năm ngoái. Chưa kể phần mềm của phiên bản này là Linux thay vì Symbian như trước đây, khiến giới kinh doanh chưa dám thử nghiệm.

Một vấn đề cũng đáng quan tâm là lợi nhuận bán các thiết bị này không cao so với thế hệ năm 2016. Lợi nhuận ít khiến cho giới kinh doanh trong nước quay lưng và tìm nguồn hàng sản xuất từ năm 2016.

Gia Hưng

(Còn nữa)