Truyền hình giao thức Internet sẽ là xu hướng trong tương lai ở Việt Nam

(Dân trí) - Truyền hình internet (IPTV, OTT) được coi là xu hướng dịch vụ truyền hình sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới tại Việt Nam. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ này từ việc thuê bao internet đang tăng chóng mặt và nhu cầu xem của người dùng đã thay đổi nhiều.

Sân chơi IPTV Việt ngày càng nhộn nhịp

Hiện truyền hình trả tiền sử dụng giao thức internet ở Việt Nam chủ yếu là dạng IPTV (internet protocol television) do các nhà mạng cung cấp và truyền hình internet dạng OTT (over the top technology) cũng đã có một số đơn vị cung cấp, truyền tải nội dung như các gói dữ liệu riêng biệt đến thiết bị khách hàng. Khác với các ứng dụng truyền hình OTT, IPTV đòi hỏi nhà cung cấp phải có hạ tầng mạng riêng và phải gắn hộp giải mã để xuất dữ liệu ra màn hình chiếu.

Truyền hình giao thức Internet sẽ là xu hướng trong tương lai ở Việt Nam - 1

IPTV đã có một thị phần đang tăng trưởng nhanh nhờ các ưu thế về tính năng, truyền dẫn và nội dung của mình. IPTV chỉ chiếm khoảng hơn 1 triệu thuê bao so với tổng 8 triệu thuê bao internet băng rộng cố định trên cả nước (khoảng hơn 12%).

Thị trường IPTV cũng đang thu hút thêm các nhà cung cấp so với thời gian đầu cách đây hơn 6 năm chỉ với sân chơi của các ông lớn như FPT (OneTV hay Truyền hình FPT) và VNPT (MyTV)… đến giờ Viettel, VTC và cả SCTV đều muốn phát triển hệ thống truyền hình trên nền tảng đường truyền internet của mình thay vì tập trung cho các công nghệ truyền dẫn “kinh điển” khác. Hứa hẹn cho cuộc chơi đầy hấp dẫn trong thời gian tới.

Theo các báo cáo về tăng trưởng IPTV trên thế giới, các quốc gia Đông Á có tốc độ tăng trưởng từ 5% đến 8% hơn cả châu Mỹ (7%), châu Phi, Đông Âu (5% đến 6%).có thể thấy lý do sự phát triển các thuê bao băng rộng cố định tại các nước như nước ta vẫn đang tăng nhanh. IPTV là dịch vụ cộng thêm được ưa chuộng ở khu vực Đông Nam Á.

Chỉ số doanh thu bình quân của một thuê bao/tháng của truyền hình trả tiền Việt Nam chỉ dừng ở mức 5 USD/tháng, thấp hơn cả Cambodia (8 USD/tháng) và thấp nhất Đông Nam Á, như Siagapore (32 USD/tháng), Malaysia (30 USD/tháng). Con số thấp ấy là vì với các công nghệ truyền dẫn cũ, người dùng hầu như không thể trả thêm tiền cho bất cứ dịch vụ gì khác ngoài tiền thuê bao. Với IPTV, chỉ với 1 dịch vụ Netflix có triển khai tại Việt Nam, chi phí đã hơn 12 USD/tháng nhưng người dùng vẫn sử dụng để đáp ứng đúng nhu cầu cao hơn của mình với việc giải trí nghe nhìn.

Nhu cầu thay đổi và đầy thách thức

Người dùng của truyền hình trả tiền không còn dừng ở mức “cho gì xem nấy”, họ cần được xem đúng nhu cầu, sở thích của mình.

Người xem truyền hình dịch chuyển dần từ nhu cầu xem truyền hình mang tính thụ động, sang nhu cầu xem truyền hình mang tính chủ động hơn. Đây cũng là lý do giúp cho IPTV có thể tiến xa hơn, đáp ứng được nhu cầu có thể xem lại khi không có đủ thời gian, nhất là trong thời buổi phát triển như hiện nay.

Đồng thời, các chuyên gia truyền hình dự báo năm 2016, dịch vụ truyền hình qua internet sẽ phát triển mạnh và có thể chiếm tới hơn 60% nguồn thu trên môi trường internet. Dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống như cáp, vệ tinh sẽ ngày càng rẻ đi mà thay vào đó các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình sẽ thu phí từ các dịch vụ giá trị gia tăng như trò chơi trực tuyến, cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu.

Truyền hình giao thức Internet sẽ là xu hướng trong tương lai ở Việt Nam - 2

Nhưng điều này cũng khiến các thách thức về mặt bản quyền cũng như cạnh tranh về công nghệ, tính năng của các nhà cung cấp. Cuộc đua về các nội dung có bản quyền sẽ khiến người dùng có thể phải chi nhiều hơn cho các nội dung yêu thích, vì thế những nhà cung cấp có lượng khách hàng lớn có thể chiếm ưu thế trong việc tìm thấy các nội dung độc quyền hay, chất lượng cao và có giá chia đều rẻ hơn.

Thêm vào đó, trong môi trường tương tác, khác với cách nghĩ về truyền hình cổ điển, cứ phát và mở xem, đòi hỏi của người dùng sẽ càng lúc càng tăng nhanh từ nội dung đến cách tương tác. Việc thay đổi các công nghệ điều khiển cho phù hợp như có thể tìm kiếm, chơi game bằng các điều khiển từ xa, thu gọn bộ giải mã nhưng phải tăng cấu hình lên cao để đáp ứng khả năng giải các nội dung nặng, việc đầu tư nghiên cứu phát triển các nội dung tương tác từ giải trí đến giáo dục, một hạ tầng ngày càng phải mạnh hơn… khiến IPTV không thể là cuộc chơi dành cho những nhà đầu tư yếu lực.

Nhưng dù sao, IPTV với các lợi thế về mặt công nghệ của mình có thể tạo ra nhiều kênh truyền hình yêu thích riêng biệt phù hợp với độ tuổi và nhu cầu của mọi thành viên trong gia đình đang ngày càng phát triển. Hy vọng với các chính sách từ chính phủ về phát triển truyền hình cũng như một bộ luật thông suốt về việc tạo nội dung, IPTV Việt trong năm nay sẽ tạo ra được cú hích về khách hàng, thị trường.

Gia Hưng