Đưa công nghệ giáo dục thông minh của Nhật Bản về Việt Nam
(Dân trí) - VNPT vừa triển khai thử nghiệm mô hình lớp học thông minh tại trường Tiểu học Archimedes (Hà Nội). Lớp học sử dụng công nghệ củacông ty NTT (Nhật Bản), được triển khai và Việt hoá bởi VNPT.
Giáo dục thông minh đang là giải pháp mang lại nhiều lợi ích tích cực cho các trường học. Dự án lớp học thông minh đang là mô hình được hướng đến bởi sự tiện ích của nó mang lại. Giáo viên được trải nghiệm trên các thiết bị thông minh, học sinh được tương tác, nộp bài ngay lập tức cho cô giáo, thay vì việc phải thu từng vở của học sinh để chấm.
Dự án giáo dục thông minh Smart Education do VNPT và NTT (Nhật Bản) hợp tác xây dựng hiện đang được triển khai thử nghiệm tại trường Tiểu học Archimedes. Theo kế hoạch,thời gian tới hai bên sẽ xem xét phương án nhân rộng dự án nhằm áp dụng rộng rãi trong các trường học tại Việt Nam.
Mô hình giáo dục thông minh này hướng đến đối tượng học sinh tại các trường tiểu học và THCS tại Việt Nam, trong đó áp dụng các ứng dụng CNTT mới nhất đã được triển khai thành công tại nhiều trường học ở Nhật Bản.
Nhân chuyến đến thăm và làm việc tại Việt Nam, ngày hôm nay 3/5/2018, ông Manabu Sakai - Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cùng đoàn công tác đã đến trường Tiểu học Archimedes Academy và tham quan dự án Giáo dục thông minh hợp tác giữa VNPT và NTT Vietnam hiện đang được cung cấp thử nghiệm tại trường Tiểu học này.
Được biết, từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2017, VNPT đã cùng NTT làm việc và thảo luận về khả năng hợp tác triển khai giải pháp Giáo dục thông minh Smart Education của NTT tại Việt Nam. Đến tháng 7/2017, trên cơ sở kết quả thảo luận về kế hoạch thử nghiệm, kế hoạch kinh doanh cũng như tính khả thi của dự án, ông Huỳnh Quang Liêm, phó TGĐ VNPT đã đại diện Tập đoàn tham gia ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với NTT về triển khai thử nghiệm lớp học thông minh tại Việt Nam.
Từ tháng 1/2018, được sự cho phép của Bộ GD&ĐT, VNPT và NTT Việt Nam đã triển khai thử nghiệm mô hình lớp học thông minh tại trường Tiểu học Archimedes Academy. Mô hình lớp học thông minh gồm có: Nền tảng điện toán đám mây kết nối bảng tương tác, máy tính và máy tính bảng (Techcanvas); Nội dung giảng dạy được số hóa và lưu trữ trên đám mây; Các thiết bị phục vụ lớp học (bảng tương tác, máy tính cho giáo viên, máy tính bảng cho học sinh, hệ thống tủ sạc, các phụ kiện); Hạ tầng truyền dẫn (đường truyền Internet trực tiếp, Wi-Fi access point, Switch, cáp CAT5...).
Tham dự một buổi học sử dụng hệ thống lớp học thông minh của khối lớp 4, có thể nhận thấy, qua việc sử dụng các thiết bị và ứng dụng CNTT hiện đại theo mô hình lớp học thông minh, các em học sinh hào hứng hơn với tiết học. Các bài học cũng trở nên dễ hiểu hơn với các em nhờ có các ví dụ trực quan sinh động; việc được thực hành trực tiếp trên lớp đã giúp các em hiểu bài sâu hơn, từ đó phát huy được tính sáng tạo, năng lực tư duy, cách làm việc nhóm và các kỹ năng cần thiết khác.
Theo chia sẻ của đại diện dự án, kế hoạch kinh doanh và thương mại hóa mô hình Giáo dục thông minh đang được hai bên VNPT và NTT đưa vào thảo luận. Song song với thử nghiệm tại trường Archimedes, các bên sẽ tiếp tục làm việc, đàm phán và tiến hành thương mại hóa mô hình này tại nhiều trường học ở Việt Nam, dự kiến trước thềm năm học mới 2018-2019.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ,đại diện công ty NTT cho hay,Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới hiện nay, đứng thứ 3 thế giới theo đánh giá của UNICEF (năm 2016). Nhật rất chú trọng tới việc rèn luyện các kỹ năng trên cho trẻ từ rất sớm và CNTT được coi là công cụ hữu hiệu để hiện thực hóa mục tiêu đó. Nhờ áp dụng CNTT vào giáo dục, các giáo cụ trực quan sẽ giúp trẻ kích thích trí tưởng tượng; Lớp học kiểu đối thoại giúp bồi dưỡng năng lực tư duy và Khả năng giao tiếp sẽ được rèn luyện thông qua việc được giao tiếp tự do với toàn thế giới, không bị giới hạn bởi địa lý.
Tại Nhật Bản, CNTT đã được đưa vào các nhà trường từ những cấp học thấp nhất và kết quả kiểm tra của Bộ Giáo dục nước này cho thấy việc áp dụng CNTT thực sự đã đem lại hiệu quả rất cao, cụ thể: hơn 91% học sinh bắt kịp nội dung buổi học, trên 90% nhớ nội dung đã học, trên 86% học sinh đào sâu suy nghĩ, hiểu sâu hơn nội dung bài học.
Khôi Linh