Nấm sữa Kefir: Dùng nhiều có tốt?
Nhiều người dân, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư và các bà mẹ trẻ đang mách nhau dùng nấm sữa kefir để trị các bệnh. Nhưng theo ý kiến các chuyên gia, cần thận trọng vì sử dụng quá nhiều có thể gây bệnh.
PGS.TS Nguyễn Kim Vũ, phó chủ tịch Hội sinh học Việt Nam cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào về giống nấm này. Đây là loại nấm lưu truyền trong dân gian nên không rõ có phải đúng chủng kefir hay không. Muốn biết chính xác phải kiểm tra bằng sinh học phân tử, xác định ADN và xem xét có chủng tạp ở ngoài hay không.
Nếu đúng là chủng kefir, thì sử dụng có lợi cho sức khoẻ bởi thành phần chủ đạo của nấm là lactic, có tác dụng lớn tạo ra môi trường axit làm đông tụ protein, có sự kháng khuẩn nên tạo ra sức đề kháng cho cơ thể.
DS Phan Đức Bình, phó tổng biên tập Tạp chí Thuốc và Sức khoẻ cho hay, kefir là một loại men, trông giống như những hạt cơm nguội, to 2-3mm, có nhiều vi sinh vật cộng sinh với chúng sống nhờ sữa và giúp bảo quản sữa nên từ lâu đời người dân sống quanh vùng núi Capcas (thuộc Liên Xô cũ) đã biết sử dụng để làm rượu (nuôi bằng nước cốt trái cây), làm sữa chua (nuôi bằng sữa bò, trâu, dê, lạc đà) tương tự như yaourt.
Giá trị dinh dưỡng của nó gồm các dưỡng chất của sữa, một số vi sinh vật có lợi cho đường ruột và sản phẩm lên men của kefir, như các axit hữu cơ (chủ yếu là axit lactic), một ít sinh tố, kể cả sinh tố B12 do vi sinh vật tạo ra...
Theo TS Trần Thị Thanh Hiền, trưởng Ban kiểm soát chất lượng Công ty Cổ phần sữa Vinamilk, chưa có cơ sở khoa học nào trong nước cũng như thế giới chứng minh sữa, sữa chua (nấm sữa kefir cũng là dạng sữa lên men gần giống sữa chua) có khả năng điều trị bách bệnh. Sữa lên men chỉ có tác dụng tốt cho đường tiêu hoá.
Tuy nhiên, chủng kefir được lưu truyền trong dân gian, khi thực hiện lại qua các khâu lọc bỏ qua rổ rá... Vì vậy, quá trình lên men và sử lý đều là môi trường thuận lợi cho các chủng khác xâm nhập (ngoài không khí có rất nhiều chủng nấm, đặc biệt là nấm mốc). Vậy, người dân phải rất cẩn thận khi chế biến, tránh để nhiễm khuẩn, gây hại cho sức khoẻ, đặc biệt là trẻ em.
Theo DS Bình, đối với giá trị trị bệnh của kefir theo một số tài liệu thì ăn càng nhiều kefir càng tốt là cường điệu quá đáng. Tốt nhất, nên giới hạn ở mức 200 - 400ml sữa/ngày, nếu ăn quá nửa lít sữa kefir/ ngày và ăn liên tục, có thể làm cho một số người không chịu nổi, nhất là người viêm loét dạ dày, nhạy cảm với chất chua. Ngoài ra, một lít sữa kefir tương đương 1 lít sữa bò tươi và như vậy chứa tới 37g chất đạm, 50g bột đường, 35g chất béo, 1.230mg calcium. Lượng chất bổ này tốt cho cơ thể nhưng nếu cộng thêm với thức ăn hàng ngày thì sẽ bị dư, nhất là chất béo nên có thể gây phì.
Đối với những bệnh nan y, các chuyên gia đều khuyên, nếu không còn cách nào khác thì có thể dùng kefir để thử nghiệm. Tuy nhiên, nó có thể tốt cho người này nhưng không tốt cho người khác. Vì vậy, khi sử dụng, cần phải kiểm tra, theo dõi bản thân, nếu thấy các biểu hiện lạ (đau bụng, tiêu chảy...) thì phải ngừng ngay.
Theo Thúy Nga
Sức khỏe & Đời sống