Hoang mang thử máu tìm giun

“Thử máu tìm giun” đang là mốt mà các phòng khám tại TPHCM đua nhau mở ra, thậm chí, nhiều phòng khám còn chỉ định xét nghiệm nhiều loại ký sinh trùng (KST)… không có ở VN.

Thử máu tìm giun vì… ngứa

 

Theo các BS BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, gỏi cá, rau sống, thịt bò nhúng, tái, cua nướng, ốc ma... là những món ăn được ưa thích. Tuy nhiên, nhiều người không hề biết chúng có thể chứa KST giun sán và có thể truyền bệnh cho người.
 

 

Hoang mang thử máu tìm giun  - 1

Xét nghiệm ký sinh trùng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: V.T

 

Mới đây nhất, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân Tr.T.N - 47 tuổi (ngụ Châu Đốc, An Giang) và đã tử vong sau 5 ngày nhập viện. Theo gia đình, trước đó, bà N bị bệnh loét dạ dày và đã bắt ốc ma về ăn sống khi nghe hàng xóm rỉ tai phương thuốc hiệu nghiệm này. Các BS chẩn đoán, bệnh nhân bị viêm màng não nặng do một loại KST cư trú trong ốc ma gây ra.

 

Sau khi báo chí đăng tải thông tin trên, nhiều người dân đổ xô đến các BV và phòng khám để xin làm xét nghiệm KST trong máu. Thậm chí, nhiều phòng khám còn thổi phồng lên rằng, nếu không trị dứt thì giun sẽ chui lên não và sinh sôi ở đó.

 

Phần lớn các bệnh nhân đến khám KST đều có các biểu hiện bị ngứa, đau đầu, xét nghiệm máu dương tính với KST, não có tổn thương chất trắng khi chụp MRI. Thống kê tại BV Bệnh nhiệt đới cho thấy, chỉ có 30% có biểu hiện nhiễm KST. Nhiều người xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh dương tính KST. Mặc dù BS đã giải thích là không bị bệnh gì, nhưng nhiều bệnh nhân cứ khẳng định bị nhiễm KST. Chính vì điều này, nhiều BV, phòng khám tư cho bệnh nhân uống thuốc diệt KST kéo dài, tốn kém mà kết quả mơ hồ khiến người bệnh hoang mang.

 

Cụ thể, bệnh nhân N.T.H (45 tuổi, quận 8) bị ngứa nhiều ở tay, đã đi khám chuyên khoa da liễu nhưng không biết là bệnh gì, uống thuốc dị ứng cũng không hết. Sau khi thử máu với kết quả dương tính với KTS giun đũa chó, bệnh nhân này nghĩ căn bệnh của mình không thể chữa khỏi và có ý định tự tử trước khi đến khám tại BV chuyên khoa. Trường hợp tương tự khác là bệnh nhân L.T.T.T (25 tuổi, Tiền Giang) bị ngứa suốt 2 năm, cứ ngừng thuốc 1-2 ngày là ngứa. Kết quả xét nghiệm tại một trung tâm y khoa TPHCM cho biết, chị nhiễm giun lươn nhưng uống thuốc hoài không thấy hết. Quá lo lắng, chị đưa cả 4 người trong gia đình chị đến BV Bệnh nhiệt đới kiểm tra KST và muốn diệt tận gốc.   

 

Cho bệnh nhân tìm KST… chưa có ở VN

 

TS. BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hiện nay có nhiều cơ sở y tế đã triển khai rất nhiều loại xét nghiệm tầm soát KST, thu hút nhiều bệnh nhân đến thử máu. Tuy nhiên, việc tư vấn và điều trị lại bỏ ngỏ, khiến nhiều bệnh nhân mang kết quả xét nghiệm chạy lòng vòng từ cơ sở y tế này đến cơ sở y tế khác mà vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng về tình trạng bệnh lý của mình. Nhiều cơ sở y tế cứ cho bệnh nhân thử rất nhiều loại KST, kể cả những loại... không có ở VN.

 

Sau khi có kết quả, bệnh nhân được chữa theo kiểu “dương đâu chữa đấy” có nghĩa là kết quả xét nghiệm dương tính với bất kỳ loại KST nào cũng được cấp thuốc điều trị, kể cả khi bệnh nhân chẳng có triệu chứng nào có liên quan, thậm chí có bệnh nhân uống thuốc đến 6 tháng mà BS vẫn bảo chưa hết nhưng không giải thích tại sao. Nhiều bệnh nhân sau vài đợt điều trị lại càng hoang mang lo lắng vì kết quả thử máu vẫn còn “dương tính”, không biết phải chạy chữa như thế nào.

 

BS Siêu khẳng định, chẩn đoán bệnh KST không đơn giản với suy nghĩ chỉ cần thử máu là biết hết tất cả. Để chẩn đoán bệnh KST, thầy thuốc cần chọn lựa cho bệnh nhân làm một hoặc vài loại xét nghiệm như: Soi phân tìm KST đường ruột (giun đũa, giun móc, giun tóc, giun lươn, amip, các loại đơn bào gây tiêu chảy ký sinh tại đường ruột); xét nghiệm đờm tìm trứng sán lá phổi, xét nghiệm dịch màng phổi tìm ấu trùng giun lươn; nội soi dạ dày tìm KST lạc chỗ từ ruột non chui lên như giun lươn, giun móc, phết máu ngoại biên tìm KST sốt rét, ấu trùng giun chỉ...

 

Như vậy muốn biết mình có bị nhiễm KST nào, cách tốt nhất phải đi khám chuyên khoa KST để các BS khám và thăm hỏi về thói quen ăn uống, nơi sinh sống và những triệu chứng đi kèm để chẩn đoán có khả năng bị nhiễm loại nào. Từ đó các BS chỉ định làm xét nghiệm thích hợp (soi cấy phân, sinh thiết hay thử máu) và được điều trị đặc hiệu.

 

Một điều cần lưu ý, bệnh nhân cũng không nên tự ý mua thuốc xổ giun ở các hiệu thuốc tây hay tự đi xét nghiệm và uống thuốc không đúng chuyên khoa, sẽ kéo dài bệnh mà không được điều trị đặc hiệu hoặc uống thuốc quá nhiều gây độc cho gan.

 

Theo Võ Tuấn

Lao động