Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp ở khu vực ĐBSCL
(Dân trí) - Tình hình dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng diễn ra phức tạp ở khu vực ĐBSCL, tính đến thời điểm hiện tại 10/12 tỉnh thuộc khu vực này đã công bố có dịch. Đáng chú ý, An Giang vừa chính thức công bố dịch toàn tỉnh còn Cà Mau thì vẫn quay cuồng với câu chuyện "trên nóng dưới lạnh".
Cà Mau: Tỉnh chỉ đạo quyết liệt, xã vẫn làm chưa nghiêm
Chi Cục Thú y vùng VII vừa có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trên lợn của một hộ chăn nuôi ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cho thấy dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trước đó, ngày 7/6, bà Lương Thị Kiểu (ngụ xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) phát hiện một con lợn nuôi bị bệnh nên báo với ngành chức năng.
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, kết quả từ Chi Cục Thú y vùng VII cho biết, mẫu lợn bệnh của hộ bà Kiểu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo chính quyền địa phương, hộ dân này chỉ nuôi 2 con lợn, dùng thức ăn tại địa phương nhưng vẫn bị bệnh dịch. Ngành chức năng đang tiếp tục kiểm tra để xác định nguyên nhân nhằm có hướng phòng dịch hiệu quả.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện 4 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi ở 4 huyện khác nhau, tại các xã: Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển), Phú Mỹ (huyện Phú Tân), Hàm Rồng (huyện Năm Căn), Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời). Tổng số lợn bị tiêu hủy trên 100 con.
Hầu hết các ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh này đều được phát hiện tại các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ.
Theo ngành Thú y khuyến cáo, người dân không dùng thức ăn thừa chưa qua nấu chín; không sử dụng nước sông, rạch để tắm lợn hoặc nấu thức ăn cho lợn; thức ăn sử dụng cho lợn không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc,… vì những thức ăn này có thể được lấy lại từ vùng có dịch bệnh.
Ngày 10/6, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, dù tỉnh này đã chỉ đạo gia hạn lần 2 về việc thống kê tổng đàn lợn trên địa bàn đến ngày 6/6, nhưng vẫn còn các xã: Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Tây, Khánh Hưng và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) thực hiện chưa nghiêm túc, đến ngày 9/6 mới báo cáo (tức 3 ngày sau).
Đáng chú ý, vẫn còn một số hộ dân, người chăn nuôi ở một số nơi (trong đó có cả nơi lực lượng chức năng phun xịt thuốc tiêu độc, khử trùng mầm bệnh nhiều lần) chưa biết hoặc chưa hiểu sâu về bệnh dịch tả lợn châu Phi và các giải pháp phòng, chống bệnh dịch. Điều đó cho thấy công tác tuyên truyền còn chưa sâu sát.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau- ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nghiêm túc rút kinh nghiệm; chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã nói trên nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với việc thống kê tổng đàn lợn trên địa bàn, tránh để xảy ra những việc tương tự.
Chủ tịch tỉnh chỉ đạo, trường hợp địa phương thống kê sót, khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện hộ nơi xảy ra bệnh dịch không có trong danh sách thống kê thì Chủ tịch UBND cấp huyện, xã có liên quan phải chịu trách nhiệm về kinh phí hỗ trợ khôi phục sản xuất và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, có giải pháp xử lý đối với các trường hợp niêm phong thùng xe đông lạnh không để cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa, nhằm phát hiện, xử lý việc vận chuyển các sản phẩm từ lợn không đúng quy định.
An Giang: Công bố dịch toàn tỉnh
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ông vừa ký Quyết định công bố bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh An Giang từ ngày 10/6/2019.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, trước tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện và đang có chiều hướng lan rộng, khó kiểm soát trên địa bàn tỉnh An Giang như hiện nay, sau khi các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh báo cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã quyết định công bố bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh nhằm triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, từng bước khống chế, và dập dịch một cách hiệu quả
UBND tỉnh An Giang đã công bố dịch tả lợn Châu Phí trên địa bàn toàn tỉnh
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh và các địa phương phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, xem công tác xử lý, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường chốt chặn, thiết lập thêm các vị trí chốt kiểm tra lợn và sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, cũng như các "cửa ngõ" của tỉnh. Các địa phương có dịch cần tăng cường theo dõi tình hình, nắm kỹ số lượng các hộ chăn nuôi và đàn lợn trong bán kính 1km cách ổ dịch để quản lý nghiêm, tránh trường hợp hộ chăn nuôi bán lợn chạy bệnh, đồng thời phải xây dựng các phương án cụ thể, kịp thời xử lý đối với vùng có nguy cơ cao bán kính 3 km cách vùng dịch.
Ngoài việc các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm dịch, người chăn nuôi, người dân cần chung tay cùng chính quyền phòng chống dịch như "chống giặc"
Song song đó, các địa phương cần chủ động làm tốt công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ về tình hình dịch bệnh, chủ động phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây lan và yên tâm sử dụng thịt heo sạch bệnh, an toàn.
Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết, tính đến ngày 7/6, trên địa bàn tỉnh An Giang đã có 13 điểm xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 7/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh gồm: thành phố Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Phú, Tri Tôn và
Tính đến nay, khu vực ĐBSCL đã có 10 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn Châu Phú, chỉ còn tỉnh Bến Tre, Long An là chưa xuất hiện loại dịch tả này.
Tại tỉnh Bạc Liêu, qua thống kê của ngành chức năng, tổng đàn lợn có gần 250.000 con (chăn nuôi trang trại có khoảng 10%), phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ.
Tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2 địa phương là huyện Vĩnh Lợi và TP Bạc Liêu, với 5 xã, phường có ổ dịch. Tổng số lợn đã tiêu hủy gần 390 con.
Trong đó, đáng chú ý là Trại lợn giống của tỉnh này cũng bị dịch tả lợn châu Phi "tấn công", với gần 200 con lợn phải bị tiêu hủy.
Hiện, với 4 xã có ổ dịch, huyện Vĩnh Lợi cũng đã công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi ở cấp huyện.
Trại lợn giống tỉnh Bạc Liêu cũng phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Huỳnh Hải - Nguyễn Hành