1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dịch sởi lan rộng ở miền Bắc, nhiều biến chứng nặng

(Dân trí) - Đã có gần 200 ca mắc sởi nhập viện, chủ yếu trong độ tuổi từ 18-25… Nhiều bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng thở, rối loạn nhịp tim. 8 bệnh nhân bị biến chứng viêm não.

Người lớn khi bị bệnh sởi thường rất chủ quan, cho rằng sức đề kháng tốt chỉ vài ba ngày khỏi. Vì thế, nhiều người vẫn mải đi làm, đi học, lao động gắng sức chỉ đến khi bệnh quá nặng mới đi khám, vào viện.
 
Bệnh nhân tuổi thanh niên chiếm đại đa số
 
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, cho biết, bắt đầu từ cuối tháng 12/2008 đã có bệnh nhân nhập viện vì mắc sởi. Tính đến nay, tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia có khoảng 340 bệnh nhân nhập viện nhưng theo xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thì chỉ có 180 ca trong số đó mắc bệnh sởi. Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận thêm 5-6 ca. Bệnh nhân chủ yếu là thanh niên 18-25 tuổi, đa số là sinh viên, phần lớn sống rải rác ở địa bàn Hà Nội mở rộng. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân từ các tỉnh thành khác trong cả nước chuyển về như Nam Định, Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình…
 
Anh Đỗ Ngọc Tùng, bệnh nhân đến từ Phú Thọ hiện đang điều trị tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia kể, mấy hôm trước, tự dưng thấy người rét, sốt, sau đó 1 ngày thì nổi ban toàn người, anh chỉ nghĩ đơn giản là sốt phát ban, mình là người lớn, sức đề kháng tốt, chỉ vài ngày là bệnh. Không ngờ, tình trạng bệnh của anh ngày càng nặng hơn, với các biểu hiện sốt, ho, viêm phế quản khiến anh phải nhập viện điều trị.
 
Dịch sởi lan rộng ở miền Bắc, nhiều biến chứng nặng - 1
Tại Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai cũng đang điều trị
cho nhiều bệnh nhân sởi người lớn (Ảnh: H.Hải)

Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Điều trị tích cực, cho biết: Nhiều bệnh nhân sởi nhập viện trong tình trạng rất nặng với các triệu chứng: hôn mê sâu, ngừng thở, rối loạn nhịp tim, tất cả đều trong độ tuổi từ 18- 25. Hiện đã có 8 bệnh nhân độ tuổi từ 18 - 40 bị biến chứng viêm não do sởi được điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, trong đó, một sinh viên đã hồi phục hoàn toàn và được ra viện.

Trường hợp nặng nhất, hôn mê sâu, rối loạn tri giác, chưa hồi phục hoàn toàn là Lê Đình Tú, sinh viên năm thứ 4, Đại học Y Hà Nội. Tú bị sốt từ hôm 20/12 trong ký túc xá của trường, đến ngày 25 thì phát ban. Em nhập viện trong tình trạng rất nặng với biểu hiện hôn mê sâu, rối loạn tri giác. Hiện em đã qua cơn nguy kịch nhưng bác sĩ vẫn đang phải điều trị phục hồi thần kinh cho em.

Còn tại khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai hiện cũng có 10 bệnh nhân bị sởi đang được điều trị. Mỗi ngày có khoảng 3 - 4 bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi vào viện, chủ yếu bệnh nhân ở lứa tuổi thanh niên. Có cả bệnh nhân ở Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ.

TS Trịnh Thị Ngọc, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho hay, hiện tại khoa, ngoài bệnh nhân viêm đường hô hấp, bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính khác, thì số bệnh nhân sởi chiếm thứ 3, với 10 bệnh nhân được xác định dương tính. Tuy nhiên, hiện chưa có ca nào biến chứng viêm não, chủ yếu viêm phế quản là nhiều, sốt, ho.

Bệnh nhân Lê Thị Thu Thuỷ, sinh viên năm thứ 2, ĐH Thăng Long, Hà Nội cũng vừa nhập viện hôm qua, 3/2, với các biểu hiện sốt, ho, phát ban toàn thân đang được điều trị. Thuỷ ở cùng với một bạn gái tại nhà trọ, nhưng chỉ mình em có biểu hiện sốt, rét và phát ban. Ngoài ra, cũng có bệnh nhân ở Thanh Trì (Hà Nội), Phú Thọ bị sởi đang được điều trị.

Sởi người lớn nguy hiểm hơn trẻ em

Đó là cảnh báo của BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó GĐ Bệnh viện Nhi T.Ư. Theo BS Lộc, người lớn khi bị bệnh này thường rất chủ quan, cho rằng sức đề kháng tốt chỉ vài ba ngày khỏi. Vì thế, nhiều người vẫn mải đi làm, đi học, lao động gắng sức chỉ đến khi bệnh quá nặng mới đi khám, vào viện. Trong khi đó, biến chứng sởi ở người lớn lại rất nặng nề, nguy hiểm hơn ở trẻ em rất nhiều, vì gây phản ứng rất mạnh như: bị sốt cao hơn gây nguy cơ sốc, co giật, trụy tim mạch, thậm chí tử vong.
 
Dịch sởi lan rộng ở miền Bắc, nhiều biến chứng nặng - 2

Bệnh nhân Thuỷ đang được điều trị tại khoa Truyền nhiễm
với biến chứng viêm phế quản do sởi (Ảnh: H.Hải)

Đa phần bệnh nhân mắc sởi đều tự khỏi sau vài ngày mà không phải dùng kháng sinh nếu được chăm sóc tốt, nghỉ ngơi, tránh gió lạnh, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu. Biến chứng viêm não tuy ít gặp nhưng nếu gặp thì bệnh sẽ rất nặng.

Về dịch sởi đang bùng phát trên diện rộng ở địa bàn Hà Nội và xuất hiện rải rác ở nhiều tỉnh thành, PGS.TS Phạm Ngọc Đính, nguyên Phó GĐ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương bày tỏ, sởi vốn là bệnh lành tính, nhưng lại rất nguy hiểm vì tốc độ lây lan nhanh, khó khống chế dịch vì vi rút gây bệnh phân tán trong không khí, nên ai cũng có thể nhiễm. Trong khi đó, thời tiết như hiện nay chính là một điều kiện thuận lợi cho loại vi rút gây sởi phát triển, phát tán.

Theo PGS Đính, để phòng ngừa nguy cơ dịch sởi lan rộng, cần phải duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng sởi cho trẻ em hơn 95%. Đồng thời, triển khai nghiêm túc việc tiêm chủng mũi hai cho trẻ. Cần ghi nhớ, việc tiêm chủng mũi hai nên tiến hành nhắc lại sau mũi 1 thời hạn dài nhất là 6 tuổi, không nên để quá 6 tuổi vì hệ miễn dịch giảm, việc phòng ngừa sẽ không đạt hiệu quả cao.

Còn khi trong cộng đồng như trường học, nơi sinh sống có xuất hiện ca sởi dương tính huyết thanh học, cần phải kịp thời tổ chức tiêm cho những đối tượng có nguy cơ để hạn chế lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, việc quan trọng không kém, đó là phải tăng cường giám sát dịch tễ phát hiện ca sởi mới. PGS Đính nhấn mạnh: “Sởi có 3 triệu chứng lâm sàng nổi bật, đó là sốt, có nổi ban diện rộng trên cơ thể dạng hồng ban chống đỏ, kèm theo ho, chảy nước mũi hoặc viêm kết mạc mắt dị ứng. Vì thế, trong thời điểm dịch đang bùng phát như hiện nay, nếu thấy có những dấu hiện trên, cần nhanh chóng đi khám để xác định chính xác bệnh, điều trị kịp thời tránh nguy cơ biến chứng”.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Dịch Sởi ở HN