1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Đi đòi nợ ngày cuối năm, nam thanh niên 27 tuổi ở TPHCM bị đâm thủng tim

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trong lúc đi đòi nợ, nam thanh niên xảy ra mâu thuẫn với con nợ nên bị dùng dao đâm vào ngực, dẫn đến thủng tim nguy kịch.

Ngày 13/1, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) vừa phẫu thuật cho một trường hợp bị vết thương thủng tim đe dọa tử vong.

Bệnh nhân là anh N.T.V. (27 tuổi), được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong tình trạng huyết áp không đo được, mạch khó bắt, lơ mơ cùng nhiều vết thương do bị hung khí đâm ở tay, chân, một vết thương dài 3cm ở ngực trái. Theo lời kể của người nhà, trước đó nam thanh niên đang đi đòi nợ ở khu vực gần bệnh viện thì xảy ra xích mích, mâu thuẫn với người vay tiền. Nạn nhân sau đó bị con nợ dùng dao tấn công.

Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, ekip bác sĩ trực cấp cứu đã lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ, để bệnh nhân được chuyển ngay vào phòng mổ. Tiến hành siêu âm cho anh V., các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị chèn ép tim cấp do tràn dịch màng ngoài tim, phải tiến hành khâu tim khẩn, nếu không sẽ mất mạng.

Đi đòi nợ ngày cuối năm, nam thanh niên 27 tuổi ở TPHCM bị đâm thủng tim - 1

Nam thanh niên bị đâm thủng tim, đang điều trị tại bệnh viện (Ảnh: T.N.).

Các bác sĩ mở ngực trái và màng tim bệnh nhân để tiến hành thám sát, ghi nhận lỗ thủng rách cơ tim 3cm. Ekip điều trị dùng tay bịt kín chỗ thủng, khâu 5 mũi ở cơ tim, giúp huyết động của bệnh nhân ổn định trở lại. Sau đó, bệnh nhân được đóng ngực và dẫn lưu. Quá trình phẫu thuật chỉ mất 25 phút, bệnh nhân được truyền khoảng 2.000 ml máu trong suốt quá trình cấp cứu.

Hậu phẫu, bệnh nhân được thở máy và rút máy thở sau ngày đầu tiên. Hiện tại, bệnh nhân ổn định, ăn uống bình thường, có thể vận động tại giường và đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nhân, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, đối với các trường hợp có vết thương thủng tim, nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân thường tử vong do sốc tim, chèn ép tim cấp và sốc mất máu. Với trường hợp anh A., dù được can thiệp phẫu thuật thành công, bệnh nhân vẫn cần phải theo dõi sát tình trạng loạn nhịp tim, huyết động học.