Cần tố giác, tẩy chay hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

(Dân trí) - Trước thực trang sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là ở các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi, và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng do các Sở NN&PTNT làm đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan như y tế, công thương, tài chính và công an triển khai cấp bách việc tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng và uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Cần tố giác, tẩy chay hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi - 1
Cần tăng cường giám sát và tố giác việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

“Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vi phạm đạo đức phải bị cộng đồng, dư luận tố giác, tẩy chay”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Các địa phương cần các đoàn thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là chất Salbutamol trên địa bàn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trong đó đặc biệt lưu ý các cơ sở gia công thức ăn chăn nuôi, tự trộn các loại premix, thuốc thú y, thức ăn bổ sung.

Việc kiểm tra cũng cần được tiến hành tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi, tập trung vào kiểm tra thức ăn chăn nuôi, nhất là nước tiểu vật nuôi ở giai đoạn vỗ béo, xuất bán đối với lợn thịt và bò thịt.

Cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận, nhất là nước tiểu của các loại lợn, bò thịt trước khi đưa vào giết mổ tại các lò mổ; kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận của thịt lơn và bò thịt tại các chợ.

Bộ trưởng yêu cầu sử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo quy định hiện hành và theo Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định đối với hành vi sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng cấm gây hậu quả nghiêm trọng.

Các địa phương phải tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện và kết quả triển khai công tác kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn và gửi báo cáo Bộ và Ban chỉ đạo 389 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả định kỳ vào ngày 25 hàng tháng.

Nguyên An