Cách sơ cứu cực kỳ đơn giản khi trẻ nhỏ bị dị vật đường thở
(Dân trí) - Dị vật đường thở (1 vật nào đó lọt vào đường thở) rất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể bất tỉnh, ngừng thở, tim ngừng đập và dẫn đến tử vong. Trường hợp này rất hay gặp ở trẻ em, tuy nhiên nếu biết cách sơ cứu sẽ giúp bệnh nhân thoát “án tử”.
Ông Đoàn Đại Dương – Trưởng Ban chăm sóc sức khỏe của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội cho biết: Tắc không hoàn toàn là có dấu hiệu của người bị dị vật đường thở thường ho (nạn nhân cố ho khạc để tống dị vật ra ngoài), có biểu hiện khó thở hoặc thở không bình thường; tắc hoàn toàn thường nạn nhân không nói được tay ôm lấy cổ; nạn nhân trong trường hợp khó thở, cố gắng thở, mắt trợn ngược, vẻ mặt hốt hoảng; mặt đỏ, các mạch máu ở cổ nổi phồng; môi và lưỡi bệnh nhân tím tái dần.
Cũng theo ông Dương, dị vật đường thở hay bắt gặp ở trẻ em do một số nguyên nhân sau: Trẻ có thói quen khi chơi thường cho tất cả các thứ vào miệng, đặc biệt là các đồ chơi có kích thước quá nhỏ, các hạt như đậu, ngô,…; do ăn uống trẻ bị sặc: sữa, bột, thuốc,…; do trẻ bị nôn: chất nôn trào ngược vào đường thở.
“Dị vật đường thở rất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể bất tỉnh, ngừng thở, tim ngừng đập và dẫn đến tử vong. Trường hợp này rất hay gặp ở trẻ em, tuy nhiên nếu biết cách sơ cứu sẽ giúp bệnh nhân thoát “án tử” – ông Dương cho biết.
Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thì cách sơ cứu là vỗ lưng và ép ngực, mục đích là để dị vật bắn ra ngoài.
Theo ông Dương, đối với phương pháp vỗ lưng thì thực hiện như sau: Người sơ cứu ngồi hoặc đứng chân ra phía trước, sau đó đặt trẻ nằm sập dọc theo mặt trước cẳng tay để cổ ngửa, đầu thấp. Tiếp theo, dùng bàn tay vỗ 5 lần vào lưng trẻ ở vị trí giữa 2 xương bả vai.
Còn đối với phương pháp ép ngực: Nếu dị vật chưa ra thì lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay, cổ ngửa, đầu thấp. Vị trí ép là dưới điểm giao nhau giữa xương ức và đường ngang qua 2 núm vú (đặt 3 ngón tay dọc theo xương ức bắt đầu từ điểm giao nhau vừa xác định xác định, sau đó rút bớt 1 ngón tay sát điểm giao nhau); Dùng 2 ngón tay ấn 5 lần vừa phải theo hướng từ ngoài vào trong và từ dưới lên; Làm xen kẽ 2 phương pháp trên cho đến khi dị vật ra. Nếu dị vật không ra, trẻ trở nên bất tỉnh thì chuyển sang phần xử trí nạn nhân bất tỉnh.
“Để phòng ngừa tránh cho trẻ không bị dị vật đường thở, người lớn không nên cho trẻ chơi những đồ chơi quá nhỏ. Trẻ thường hiếu động, vì vậy phải luôn có người trông coi. Khi cho trẻ em ăn, uống không được quát tháo hoặc ép trẻ” – ông Dương khuyến cáo.
Nguyễn Dương