Các triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài bao lâu?
(Dân trí) - Khoảng 5-10% bệnh nhân Covid-19 gặp triệu chứng kéo dài, có người hơn 2 tuần nhưng cũng có người cả tháng, thậm chí 3 tháng hoặc lâu hơn. Tình trạng này không phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh.
Chia sẻ tại Hội nghị khoa học lần thứ nhất chuyên đề Khám và Điều trị Covid-19 diễn ra sáng 4/6 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, GS.TS Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, từ khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu đến nay cả thế giới đã có hơn 131 triệu ca mắc, hơn 6 triệu ca tử vong. Một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề là Mỹ, Ấn Độ, Brazil…
"Đến nay, WHO chưa tuyên bố kết thúc đại dịch để thế giới không mất cảnh giác. Chúng ta đang trong quá trình theo dõi để Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, bệnh theo mùa", TS Kính nhấn mạnh.
Chung quan điểm này, TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: "Đại dịch Covid-19 tại nước ta đã trải qua 4 lần bùng phát. Đến nay chúng ta đã khống chế được dịch, hiện mỗi ngày cả nước chỉ còn khoảng 1.000 ca mắc mới. Điều thành công nhất là chúng ta đã khống chế được ca nặng và tử vong".
Tuy nhiên, dịch vẫn còn những diễn biến khó lường vì liên tục xuất hiện các biến thể, biến chủng mới. Hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định Covid-19 đã thành bệnh đặc hữu.
Đến nay, WHO vẫn nhấn mạnh đại dịch Covid-19 chưa kết thúc. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn đang xuất hiện và lây lan.
Là bệnh viện hạng 3, Bệnh viện Đức Giang cũng được Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội phân công điều trị tầng 3. Chỉ tính riêng trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay, Bệnh viện đã điều trị gần 5.000 F0, trong đó hơn 60% là bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong số này có một trường hợp phải thở ECMO, 430 ca thở máy xâm nhập/không xâm nhập, 426 ca lọc máu và gần 1000 ca thở oxy...
"Chúng tôi chưa bao giờ có nhiều bệnh nhân nặng đến thế. Chặng đường vừa qua là hết sức khó khăn, trong đó không tránh khỏi những mất mát. Đó là điều hết sức đáng tiếc", TS Thường nói.
Hơn 200 dị chứng hậu Covid-19
Đến khi dịch tạm ổn thì một vấn đề mới nổi lên là hội chứng hậu Covid-19. Theo TS Kính, hậu Covid-19 là tình trạng rối loạn xảy ra ở bệnh nhân có tiền sử có thể hoặc được khẳng định mắc Covid-19, thường 3 tháng kể từ ngày khởi phát triệu chứng, tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác.
Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và một vài triệu chứng khác, có ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Các triệu chứng có thể xuất hiện mới sau khi bệnh nhân đã hồi phục hoặc tồn tại từ giai đoạn ban đầu. Các triệu chứng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.
Các chuyên gia ước tính Covid-19 để lại tới 203 di chứng như mệt mỏi, xơ phổi, vấn đề về trí nhớ… Các biểu hiện chủ yếu hậu Covid-19 gồm: thần kinh (hội chứng sương mù não, bệnh não, đột quỵ), tâm thần (trầm cảm, stress sau chấn thương), phổi (khó thở, ho, đau ngực, bệnh phổi kẽ hậu Covid-19), tim mạch (hồi hộp, viêm cơ tim và màng tim, suy tim), da (thường gặp nhất là ban đỏ, mày đay), tổng quát (thường gặp nhất là đau cơ, mệt…), TS Kính cho biết.
Theo ông, cơ chế bệnh sinh của hậu Covid-10 chưa rõ ràng. Tình trạng này cũng không phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh Covid-19 ban đầu và khoảng thời gian của các triệu chứng trong giai đoạn cấp. Các bệnh lý hậu Covid-19 xảy ra ở cả bệnh nhân Covid-19 nhập viện hoặc không nhập viện trong giai đoạn cấp của bệnh. Khoảng 5-20% bệnh nhân Covid-19 gặp triệu chứng kéo dài.
Nhiều trường hợp mắc Covid-19 kéo hơn 2 tuần, cả tháng, thậm chí 3 tháng hoặc lâu hơn. Vậy liệu Covid-19 có trở thành bệnh kéo dài mãn tính giống lao, HIV… hay không là câu hỏi đang được đặt ra.