5 đặc điểm chung của các bệnh nhân ung thư vú
(Dân trí) - Ung thư vú có thể chữa khỏi 100% nếu được phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm giảm dần khi bệnh được phát hiện và điều trị muộn hơn.
Vú được cấu tạo bởi mô vú nhiều thùy, mô liên kết và chất béo. Khi các tế bào vú phân chia và tăng sinh không kiểm soát sẽ hình thành các khối u. Nếu khối u ác tính, nó là ung thư vú. Tế bào ung thư vú không chỉ xâm lấn vào các mô vú mà còn lan đến các tuyến bạch huyết dưới nách và thậm chí là các cơ quan khác như gan, phổi.
Dấu hiệu chính của bệnh ung thư vú
Vú là cơ quan lộ ra trên bề mặt và có thể phát hiện ra một số triệu chứng bằng mắt thường. Nếu có những biểu hiện bất thường sau đây, hãy chú ý hơn và đi kiểm tra càng sớm càng tốt:
- Xuất hiện cục u trên vú hoặc nách.
- Những thay đổi về kích thước hoặc hình dạng của vú, với một phần lõm hoặc phồng lên.
- Chảy máu núm vú hoặc tiết dịch bất thường.
- Mẩn đỏ hoặc loét trên da vú.
- Sưng các tuyến bạch huyết ở nách.
Năm yếu tố nguy cơ cao dẫn đến ung thư vú
Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào tìm ra nguyên nhân rõ ràng gây ra bệnh ung thư vú. Theo một nghiên cứu tại Hồng Kông được thực hiện trên hơn 16.000 bệnh nhân ung thư vú, những người này có chung 5 yếu tố nguy cơ gây ung thư cao sau đây:
- 77,7% bệnh nhân lười vận động (ít hơn 3 giờ tập thể dục mỗi tuần).
- 65,8% bệnh nhân chưa từng cho con bú.
- 38,6% bệnh nhân béo phì hoặc thừa cân (BMI ≥ 25).
- 37,1% bệnh nhân bị stress trong thời gian dài.
- 26,4% bệnh nhân chưa từng sinh con hoặc sinh con lần đầu sau 35 tuổi.
Mặc dù di truyền trong gia đình cũng có tác động, nhưng hầu hết các yếu tố mà nghiên cứu đưa ra đều liên quan đến thói quen ăn uống và sinh hoạt kém. Vì vậy, việc phòng ngừa ung thư vú có thể bắt đầu từ chính lối sống hàng ngày.
Về lối sống
Duy trì tập thể dục: Ít nhất 4 giờ tập thể dục vừa phải mỗi tuần.
Kiểm soát cân nặng: Chỉ số khối cơ thể (BMI) của người trưởng thành được khuyến nghị duy trì trong khoảng 18,5-25.
Giải tỏa căng thẳng: Căng thẳng tinh thần làm tăng tiết cortisol, sau đó làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể, tế bào ung thư dễ dàng xâm nhập cơ thể hơn.
Giảm uống rượu và hút thuốc: Nghiên cứu do Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới thực hiện khẳng định rằng, uống rượu làm tăng nguy cơ ung thư vú. Vì vậy, không nên uống nhiều hơn 1 lon bia hoặc 150 ml rượu vang mỗi ngày.
Về thói quen ăn uống
- Cố gắng ăn ít chất béo động vật bão hòa.
- Ăn ngũ cốc nguyên hạt có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú.
- Ăn ít nhất 5 phần trái cây và rau mỗi ngày có thể giảm 11% nguy cơ ung thư vú.
- Cả dầu ô liu và axit béo Omega-3 đều có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú một cách hiệu quả.
- Ăn nhiều rau họ cải (chẳng hạn như bông cải xanh) và thực phẩm có chứa polyphenol trong trà (chẳng hạn như trà xanh).
Tự khám là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư vú. Phụ nữ nên tự khám vú đều đặn mỗi tháng một lần, tốt nhất tự kiểm tra sau kỳ kinh nguyệt là lúc vú mềm nhất. Trong gia đình có người thân mắc bệnh thì nguy cơ di truyền càng cao. Nếu bạn phát hiện có khối u hay sự thay đổi của vú, nên đến viện khám càng sớm càng tốt.
Các chị em nên tự khám vú sau kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày, là lúc tuyến vú mềm và dễ cảm nhận nhất; cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư vú khi qua tuổi 40. Với những chị em có nguy cơ cao (trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư vú, đột biến gen BRCA1/BRCA2; có kinh sớm; không sinh con...), nên đi khám, tầm soát ở lứa tuổi sớm hơn.
Minh Nhật
Theo HK