13 triệu chứng cảnh báo trầm cảm hậu Covid-19

Minh Nhật

(Dân trí) - Hậu Covid-19 bao gồm nhiều vấn đề khác nhau, một trong số đó là trầm cảm sau Covid-19 và có thể gây nhiều nguy hại cho sức khỏe người bệnh.

Trầm cảm sau Covid-19 là gì?

Theo các chuyên gia, trầm cảm là một trong những rối loạn tâm lý thường gặp, được xếp vào nhóm bệnh "rối loạn khí sắc". Người bệnh thường xuyên ở trạng thái trầm buồn, bi quan, mất hết hy vọng vào tương lai, không còn sự tự tin hay hứng thú với hoạt động diễn ra trong cuộc sống. Trầm cảm nghiêm trọng dẫn đến biểu hiện cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng và làm thay đổi thói quen ăn uống, tụt hoặc tăng cân, rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là xuất hiện những ý định hay hành vi thụ động, tự gây hại bản thân và thậm chí tự tử. Khi một người có ít nhất 2 trong các biểu hiện nêu trên thì khả năng đã mắc chứng trầm cảm.

13 triệu chứng cảnh báo trầm cảm hậu Covid-19 - 1

Sau khi được xác định khỏi Covid-19 trong 3 tháng, người bệnh nếu có đủ tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm thì được gọi là trầm cảm sau Covid-19.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), dịch bệnh Covid-19 khiến 63% người từ 18 đến 24 tuổi mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm. Trong đó có khoảng 25% bắt đầu sử dụng chất kích thích nhiều hơn và có đến 25% người có ý định tự tử. Một khảo sát thực hiện tại bệnh viện hồi sức Covid-19 TPHCM vào năm 2021 ghi nhận có đến hơn 53% người bệnh điều trị tại đây mắc chứng rối loạn lo âu: trầm cảm là 20% và khoảng 16,7% ở trạng thái căng thẳng, stress. Đặc biệt, những trường hợp Covid-19 mức độ nặng, cần phải thở HFNC (thở oxy dòng cao), thở mask thì tỉ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu rất cao, lên tới 66,7%.

Nguyên nhân trầm cảm vì Covid-19

Khi nhiễm virus SARS-CoV-2, cơ thể người bệnh sẽ xảy ra phản ứng miễn dịch và phản ứng viêm. Điều này kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra các cytokines, chemokines và những hoạt chất khác thúc đẩy phản ứng viêm. Đặc biệt, trong số đó có một loại cytokine bài tiết từ tế bào T helper 2, khi bệnh càng nặng thì nồng độ cytokine này càng cao, cho đến khi cơ thể không kiểm soát được sẽ dẫn đến những ảnh hưởng cho hệ thần kinh.

Phản ứng viêm ở hệ thần kinh sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp phá vỡ hàng rào máu não, dẫn đến sự xâm nhập của tế bào viêm ở ngoại biên vào hệ thần kinh trung ương. Hệ quả là những rối loạn trong sự dẫn truyền thần kinh và rối loạn trục nội tiết hạ đồi-tuyến yên. Tất cả những tình trạng trên là nguyên nhân chính dẫn đến một số rối loạn tâm thần như trầm cảm hay rối loạn lo âu, bao gồm cả trầm cảm sau Covid-19.

Bên cạnh đó, chứng trầm cảm sau Covid-19 còn liên quan đến một số yếu tố tâm lý như sau:

Tình trạng cách ly xã hội hay cảm giác lo lắng, căng thẳng vì sợ bản thân làm lây lan virus cho người khác;

Sự kỳ thị của mọi người xung quanh đối với người nhiễm SARS-CoV-2;

Thời gian điều trị tại bệnh viện hoặc khu cách ly khiến người bệnh gần như cách ly hoàn toàn với xã hội bên ngoài, cảm giác cô đơn, không có người thân bên cạnh, không tương tác được với ai, kèm theo rối loạn giấc ngủ khi nằm viện dẫn đến nguy cơ trầm cảm nghiêm trọng.

Một số yếu tố tâm lý xã hội khác như nỗi lo lắng sợ nhiễm bệnh, sự đau khổ khi mất người thân vì dịch bệnh, những vấn đề liên quan đến yếu tố tài chính (như thất nghiệp, giảm thu nhập) hoặc các bệnh lý mãn tính không được điều trị trong thời kỳ bệnh dịch… đều có thể khiến người bệnh trầm cảm sau Covid-19.

Biểu hiện của trầm cảm sau Covid-19 

- Cảm giác buồn bã, chán nản, mất hy vọng vào cuộc sống, bơ phờ.

- Mất hy vọng vào khả năng hồi phục sức khỏe của bản thân.

- Vô cảm, không có hoặc biểu hiện rất ít cảm xúc khi thấy người xung quanh bị nhiễm bệnh hoặc chết vì Covid-19.

- Mất hứng thú đối với các hoạt động, công việc hàng ngày.

- Giảm các mối quan hệ xã hội, bao gồm cả với những người thân yêu trước đây.

- Tâm lý dao động, không quyết đoán khi cần đưa ra quyết định.

- Tâm lý sợ nhiễm virus hoặc ngược lại là không quan tâm.

- Giảm trí nhớ, hay quên, giảm hoặc mất khả năng hoàn thành công việc hay nhiệm vụ nào đó.

- Suy giảm sự tập trung, hay sao nhãng trong công việc.

- Rối loạn giấc ngủ.

- Đau đầu, trầm cảm vì Covid-19 kèm biểu hiện lo âu.

- Tăng thói quen sử dụng chất kích thích như rượu, cần sa, amphetamine.

- Cảm giác kiệt sức, suy nhược thần kinh.

Điều trị trầm cảm sau Covid-19

Điều trị trầm cảm sau Covid-19 không dùng thuốc

Khi có các biểu hiện của chứng trầm cảm nghiêm trọng sau nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh nên áp dụng các biện pháp sau:

Xây dựng lịch trình công việc mới mẻ, phù hợp hơn như tập làm việc tại nhà, thiết lập thói quen hay thú vui mới thay thế cho những thói quen cũ;

Hạn chế sử dụng mạng xã hội hoặc báo mạng để đọc những thông tin, tin tức gây hoang mang, lo lắng;

Bắt đầu thói quen tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, mỗi ngày thực hiện ít nhất 30 phút và ít nhất 5 ngày mỗi tuần;

Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, đủ chất dinh dưỡng thiết yếu;

Cố gắng ngủ đầy đủ;

Duy trì các mối quan hệ xã hội;

Tìm hiểu và thực hiện một số liệu pháp trị liệu tâm lý như liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp gia đình, liệu pháp tương tác cá nhân.

Điều trị trầm cảm sau Covid-19 bằng thuốc

Trầm cảm là bệnh lý có thể được điều trị hiệu quả, trong đó việc sử dụng các thuốc chống trầm cảm phải theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tâm thần. Đồng thời, lựa chọn thuốc điều trị phải xem xét trên từng người bệnh cụ thể. 

Việc điều trị trầm cảm sau Covid-19 cũng tương tự trầm cảm do các nguyên nhân khác, đòi hỏi phải sử dụng các thuốc phù hợp. Các thuốc chống trầm cảm đa số đều liên quan đến cơ chế điều chỉnh sự cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh (vốn suy giảm trong bệnh trầm cảm) như serotonin, noradrenalin… Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm được xếp vào nhóm có nguy cơ dẫn đến tác dụng phụ, đặc biệt ở giai đoạn đầu sử dụng và có thể cải thiện dần theo thời gian.

Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa

Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm