Lên chốn bồng lai… lai rai chuyện cá tầm

Nằm ở độ cao hơn 1.500m, núi Quảng Nam Châu (Bình Liêu, Quảng Ninh) được ví như nóc nhà của Quảng Ninh, nơi tập trung sinh sống của người Dao miền biên viễn vùng Ðông Bắc. Không chỉ nức tiếng với những cảnh đẹp mê hồn như chốn bồng lai, nơi đây còn nổi tiếng với loài cá tầm do chính tay những "ngư dân" của rừng núi Ðông Bắc nuôi thả.

“Doanh nhân... Hếnh”

Cách trung tâm huyện Bình Liêu tầm 30km về phía Bắc, dãy núi Quảng Nam Châu sừng sững giữa đất trời nằm giáp ranh với huyện Hải Hà, phía bên kia là Trung Quốc, bao đời nay, người dân tộc Dao sống dọc theo sườn núi với nghề săn bắn, trồng trọt. Đời sống văn hóa vô cùng đặc sắc bởi đây là nơi giao thoa của đất trời cũng là điểm tiếp giáp giữa các vùng văn hóa Việt-Trung.

Người Dao vốn dĩ hiền lành, chân chất, không thích biến động. Họ luôn giữ cho mình một nếp sống giản dị, bình thường nên đời sống kinh tế ở tình trạng bình bình đủ ăn, có khi thiếu đói trong mùa giáp hạt. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, người dân thỉnh thoảng vẫn truyền tai nhau câu chuyện về “doanh nhân Hếnh”, một thanh niên người Dao biết làm kinh tế giỏi.


Ðào Văn Vũ với con cá tầm nặng hơn 20kg.

Ðào Văn Vũ với con cá tầm nặng hơn 20kg.

Qua lời giới thiệu của anh bạn Phó Bí thư Huyện Đoàn, chúng tôi quyết định lên núi để mục sở thị “cơ ngơi” tiền tỷ của chàng thanh niên người Dao, Dường Cắm Hếnh. “Bà con cứ bảo trang trại này là của mình, nhưng không phải thế đâu, nó là của cả bản Khe Tiền này đấy. Công lao lớn nhất vẫn thuộc về anh Đỗ Văn Vũ, người đã “cõng” con cá tầm lên với người Dao chúng mình” - Hếnh vui vẻ nói khi gặp chúng tôi.

Hếnh là con thứ trong một gia đình đông con, sinh năm 1986 nhưng với dáng vẻ của một "lão nông tri điền" thứ thiệt. Vừa tiếp chuyện, Hếnh vừa rảo tay đảo thức ăn cho cá vừa giải thích vì sao lại có nhiều bể nước làm bằng xi măng xếp san sát nhau như ruộng bậc thang bên vách núi.

“Để nuôi được cá ở đây đã là một kỳ tích chứ chưa nói đến nuôi một loài cá "nhõng nhẽo" theo thời tiết như cá tầm. Cá tầm là loài cá nước ngọt của xứ lạnh, nó có nguồn gốc từ nước ngoài. Hiện Việt Nam mình chỉ mới có Sapa, Lai châu, Lâm Đồng nuôi được loại cá này. Riêng vùng Đông Bắc duy nhất có bản Khe Tiền, xã Đồng Văn có khí hậu thích hợp để loài cá này sinh trưởng” - anh Bá Trinh, Phó Bí thư Huyện Đoàn Bình Liêu chia sẻ.

Với diện tích gần 3ha nằm sát vách núi, ngay dưới nguồn nước chảy từ khe tiền, cơ sở nuôi cá tầm của HTX Phát triển nông nghiệp và thủy sản Đông Bắc đang là cơ sở duy nhất có thể nuôi được cá tầm nặng trên 20kg. Để có được cơ ngơi như hôm nay là cả một câu chuyện dài về chàng thanh niên người Dao Dường Cắm Hếnh.

Những “ngư dân” miền núi

Trong một lần tình cờ về xuôi, chàng thanh niên người Dao có cơ duyên gặp anh Đỗ Văn Vũ (sinh năm 1985, quê Thái Bình), là kỹ sư thủy sản của Đại học Thủy sản Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp, Vũ lang thang khắp nơi tìm việc. Vũ lên tận Lai Châu để làm thuê cho một trang trại nuôi cá tầm. Với những lý thuyết anh học được ở trường về ngành thủy sản, cùng những kinh nghiệm đời thường khi nuôi cá tầm, Vũ tâm sự với Hếnh về những dự định cho tương lai.

Khi nghe những chia sẻ kinh nghiệm, những yêu cầu về khí hậu, nhiệt độ, dòng nước. Hếnh khẳng định dòng suối quê anh có thể đáp ứng được tất cả những yêu cầu khắt khe đó. Hếnh cùng Vũ đã khảo sát nhiều lần khu vực xung quanh dãy núi Quảng Nam Châu, cuối cùng cả 2 đều chọn bản Khe Tiền làm nơi đặt nền móng cho cơ sở nuôi cá tầm.

Những đàn cá tầm tung tăng bơi lội hứa hẹn về một tương lai tươi sáng có người Dao ở Khe Tiền.
Những đàn cá tầm tung tăng bơi lội hứa hẹn về một tương lai tươi sáng có người Dao ở Khe Tiền.

Ban đầu cả 2 chàng thanh niên đều bị người nhà phản đối kịch liệt, đặc biệt là Hếnh, anh còn bị vợ dọa sẽ bỏ về nhà mẹ đẻ nếu anh cứ đòi nuôi cá. Một phần vì người Dao không thích mạo hiểm, phần nữa số vốn bỏ ra quá lớn để có thể xây dựng trang trại. Vợ Vũ cũng nhiều lần can ngăn vì từ ngày lấy nhau anh đi làm ăn xa không có thời gian quan tâm, chăm sóc vợ con.

Hai chàng thanh niên đã được sự động viên của chính quyền cùng cán bộ Đoàn xã, tạo điều kiện cho vay vốn từ Ngân hàng chính sách. Từ những ống tre, nứa do chính tay họ lên rừng dẫn nước về. Từng tảng đá, xẻng đất đều do bàn tay chăm chỉ cùng sự giúp đỡ của bạn bè, những bể nước bằng xi măng đầu tiên được xây dựng. Họ lên tận Lai Châu để mua giống và vận chuyển lứa cá đầu tiên về thả.

Năm đầu tiên, do chưa nắm kỹ khí hậu, thổ nhưỡng của vùng, cùng kinh nghiệm chăm sóc còn thiếu, lứa cá đầu tiên chết phân nửa, số còn lại thì còi cọc mãi không lớn. Nhiều người ái ngại cho 2 chàng thanh niên với số nợ ngày càng tăng dần. Không hề nản chí, Hếnh dùng sổ đỏ của gia đình, của đất trồng rừng vay tiếp ngân hàng để đầu tư lứa cá mới.

Còn dư ít tiền, họ mở rộng thêm bể để cá có không gian sinh trưởng. Đầu tư thêm bạt che phủ để tránh sương muối... Trời đã không phụ lòng người, lứa cá năm ấy giúp 2 anh thu về hơn 1 tỷ đồng, đủ để trang trải nợ nần và mở rộng thêm sản xuất. Hiện nay, cơ ngơi của hai anh đã thuộc “hàng khủng” với hơn chục bể cá chia ra từng kích cỡ từ bé đến loại trên dưới 20kg, cùng hệ thống bể lắng nước để đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Cũng có nhiều đoàn khách từ huyện, và các tỉnh lân cận đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Chúng tôi luôn chia sẻ những bài học thấm thía nhất là đối với những thanh niên người Dao muốn làm kinh tế. Điều khó nhất đó là vốn. Họ không có đủ vốn để xây dựng cơ sở nên anh em chúng tôi đang tìm cách kết nối, tạo công ăn việc làm cho bà con dân bản kiếm thêm thu nhập” - anh Đỗ Văn Vũ bày tỏ.

Đứng cheo leo bên vách núi, nhìn hàng chục bể cá xếp hàng cao thấp như những mảnh ruộng bậc thang. Thật khó để tưởng tượng lòng can đảm và sự kiên trì của 2 chàng thanh niên dám mơ ước, dám đánh đổi để xây dựng một cơ ngơi đồ sộ giữa núi rừng vùng Đông Bắc. Hiện nay, không chỉ nuôi cá tầm, Hếnh và Vũ còn nhập thêm giống cá hồi Na Uy để nuôi xen. Con cá hồi lớn nhất cũng đã được gần 5kg.

Tay bế con cá tầm nặng hơn 20kg, Vũ vui mừng: “Bây giờ tháng nào chúng tôi cũng có cá để xuất, ít cũng được vài trăm cân, mỗi năm cũng được trên dưới 20 tấn”. Chỉ tính nhẩm qua, mỗi kg cá có giá từ 200-300 nghìn đồng, trừ đi 70% chi phí bỏ ra, cơ sở nuôi cá tầm này mỗi năm cũng đút túi vài tỷ đồng.

Nhìn những đàn cá tung tăng bơi lội trong dòng nước mát, dự cảm mai này Khe Tiên sẽ trở thành "thủ phủ" của cá tầm, loài cá “đỏng đảnh” nhưng đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho nhưng “ngư dân” nơi vùng đất miền biên viễn này.

Khi nói về dự định cho tương lai, với cương vị là Phó Bí thư chi bộ bản Khe Tiền, Dường Cắm Hếnh lạc quan nói: “Anh em chúng tôi sẽ xin thêm đất để mở rộng cơ sở, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cũng như tạo điều kiện cho dân bản có cơ hội tiếp xúc với nghề nuôi cá tầm. Tôi muốn bản người Dao chúng tôi sau này không còn phải lo đến cái ăn cái mặc nữa vì trời đã ban cho chúng tôi những điều kiện thuận lợi nhất để nuôi cá tầm”.

Theo Hoàng Dương/Báo Tiền phong