1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hành trình đào tẩu gian nan của cựu đại úy Triều Tiên

(Dân trí) - Cựu đại úy của quân đội Triều Tiên Joo-il Kim đã kể lại hành trình đào tẩu đầy gian khổ và thử thách khi ông phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, trèo qua nhiều ngọn núi và vượt hàng nghìn dặm đường để đến được nước Anh như ông mong ước.

Ông Joo-il Kim cầm trên tay ấn phẩm kể về hành trình đào tẩu khỏi Triều Tiên (Ảnh: Getty)
Ông Joo-il Kim cầm trên tay ấn phẩm kể về hành trình đào tẩu khỏi Triều Tiên (Ảnh: Getty)

Vào năm 2005, Joo-il Kim, một cựu đại úy của quân đội Triều Tiên, đã quyết định rời quê hương, bỏ lại toàn bộ cuộc sống sau lưng và bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên trong hành trình tìm kiếm tự do ở 4 đất nước. Trong vòng 10 năm, ông bôn ba qua nhiều nước trước khi đặt chân tới Anh và có được cuộc sống ổn định ở xứ sở sương mù. Cựu đại úy Triều Tiên sau đó đã kể lại câu chuyện đào tẩu của mình cho tờ Dailystar của Anh.

“Lần đầu tiên tới đây, tôi tự hỏi đây có phải một đất nước phát triển không? Trong suy nghĩ của tôi, một quốc gia phát triển là nơi có nhiều ánh đèn đẹp mắt và có cuộc sống nhộn nhịp về đêm. Lúc đó tôi nghĩ Trung Quốc còn hấp dẫn hơn cả Anh. Tôi đã từng nghĩ có lẽ mình chọn sai đích đến. Nhưng sau đó tôi đã thích nghi với xã hội này. Tôi bắt đầu nhìn ra những giá trị thực sự của đất nước này như nền dân chủ, hệ thống quốc gia và phúc lợi xã hội”, ông Kim kể lại những ngày đầu khi mới đặt chân tới Anh.

Khi bắt đầu hành trình đào tẩu, ông Kim vẫn mặc trên người bộ quân phục và tìm cách trốn sang Trung Quốc đầu tiên. Hiểu rằng mình sẽ ngay lập tức bị trả về Triều Tiên nếu bị bắt, ông Kim tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người Hàn Quốc sống ở Trung Quốc.

“Tôi không thể ngủ tại nhà nghỉ vì, ngay cả khi bạn có tiền, bạn cũng thể ở lại đó nếu bạn không thể chứng minh thân thế và danh tính của bạn”, ông Kim nói. Vì thế ông đã quyết định ngủ ngoài trời, sau đó nhận làm những công việc không lương ở các nhà máy và nhà hàng của người Trung Quốc và Hàn Quốc để đổi lấy thực phẩm và chỗ ngủ.

Nhưng trong suy nghĩ của mình, ông Kim vẫn khao khát được đặt chân đến Anh.

“Sau khi tới Trung Quốc, tôi đã học được khái niệm về dân chủ. Tôi học được rằng dân chủ có nguồn gốc từ Anh và tôi muốn nghiên cứu cũng như tìm hiểu về nó”, Joo-il Kim chia sẻ, đồng thời tiết lộ thêm rằng Anh là một trong những quốc gia phương Tây mà người dân Triều Tiên được trang bị kiến thức từ trong nước, bên cạnh Mỹ.

Nói về Mỹ, ông Kim cho biết: “Mỹ rõ ràng là kẻ thù chính và khi Triều Tiên dạy người dân về các nước phương Tây, họ sử dụng các khái niệm như chủ nghĩa đế quốc”. Trong khi đó, đối với Bình Nhưỡng, “Anh là quốc gia thân thiện hơn. Người Triều Tiên cũng được học về Isaac Newton và Shakespeare”.

Theo cựu đại úy Triều Tiên, những người chạy trốn sang châu Âu sẽ ít gây rắc rối cho gia đình của họ ở quê nhà hơn so với những người xin tị nạn ở những nước là kẻ thù của Bình Nhưỡng.

Thành Đạt

Theo Dailystar