Chính thức tăng thuế gấp đôi, “cửa” cho xe cũ nhập khẩu hẹp lại

(Dân trí) - Trong khi nhiều dòng xe nội có cơ hội giảm giá do nhiều loại linh kiện được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% thì dòng xe cũ nhập khẩu được dự báo sẽ thêm phần khó khăn bởi thuế nhập khẩu tăng vọt.

Thuế nhập khẩu nhiều loại linh kiện sẽ giảm về 0% trong khi dòng xe cũ nhập khẩu sẽ phải chịu thuế tăng gấp đôi.
Thuế nhập khẩu nhiều loại linh kiện sẽ giảm về 0% trong khi dòng xe cũ nhập khẩu sẽ phải chịu thuế tăng gấp đôi.

Ngày 16/11/2017, Chính phủ đã ký Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Đáng lưu ý, Nghị định bổ sung quy định về Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô giai đoạn 2018-2022 nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng của Chính phủ với việc quy định về thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế.

Theo đó, đối tượng áp dụng Chương trình ưu đãi thuế phải đáp ứng tiêu chuẩn như: doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn từ năm 2018 - 2021) và mức 5 (từ năm 2022 trở đi) và đạt đủ sản lượng quy định; Linh kiện nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất 0% phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.

Nghị định cũng sửa đổi thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng theo hướng tăng mức thuế nhập khẩu đối với xe đã qua sử dụng phù hợp với mức cam kết WTO đối với xe ô tô chở người dưới 16 chỗ, giữ nguyên thuế suất đối với xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở lên và xe ô tô tải đã qua sử dụng.Cụ thể, mức thuế tuyệt đối đối với xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xilanh không quá 1.000cc (nhóm 87.03) là 10.000USD/chiếc.

Mức thuế hỗn hợp đối với xe ôtô, kể cả ôtô chở người có khoang chở hành lý chung, SUVs và ôtô thể thao, nhưng không kể ôtô van có dung tích xi lanh trên 1.000cc (nhóm 87.03) là 200% hoặc 150% + 10.000USD, lấy theo mức thấp nhất.

Mức thuế hỗn hợp đối với các dòng xe khác thuộc nhóm xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh trên 1.000cc là giá tính thuế xe ôtô đã qua sử dụng nhân với mức thuế suất của dòng thuế xe ôtô mới cộng 10.000USD với xe trên 1.000 cc nhưng không quá 2.500cc và cộng 15.000USD với xe trên 2.500cc.

Đối với xe ôtô từ 10 đến 15 chỗ ngồi (kể cả lái xe) thuộc nhóm 87.02, mức thuế bằng giá tính thuế xe ôtô đã qua sử dụng nhân với mức thuế suất của dòng thuế xe ôtô mới cộng 10.000USD với xe trên dưới 2.500cc và cộng 15.000USD với xe từ 2.500cc trở lên.

Mức thuế mới cao gấp đôi mức thuế cũ bởi theo Nghị định 122, các dòng ô tô đã qua sử dụng, có dung tích xi lanh dưới 1.000cc được áp mức thuế tuyệt đối là 5.000USD/chiếc, đối với các dòng dung tích từ 1.000-1.500cc là 10.000 USD/chiếc.

Trước đó, trong quá trình xây dựng Nghị định này, Bộ Tài chính cho biết, theo tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực ASEAN cho thấy, Chính phủ các nước có nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô. Đặc biệt trong giai đoạn đầu phát triển, các nước đều có biện pháp tập trung bảo hộ thị trường nội địa để các doanh nghiệp trong nước có thời gian phát triển, đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hoá.

Theo đó, chính sách ưu đãi thuế tập trung vào mục đích tăng dung lượng thị trường thông qua việc tăng sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hoá và đều có chính sách ưu đãi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe khuyến khích sản xuất, lắp ráp.

Việc giảm thuế sẽ nhằm mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc đạt tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước là 40% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước từ năm 2022 trở đi. Bên cạnh đó, duy trì ổn định tỷ lệ tăng trưởng trong giai đoạn 2018-2022 là 16% /năm với xe dưới 9 chỗ và 18%/năm với xe tải; Tăng tỷ lệ số xe sản xuất, lắp ráp so với nhu cầu nội địa đối với 02 nhóm xe này trong giai đoạn 2018-2022 đạt từ 80% trở lên.

Đồng thời, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển; tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động; góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và góp phần hạn chế nhập siêu ô tô.

Phương Dung