Vì sao ô tô nhập khẩu đã về nhưng chưa thể đến tay người tiêu dùng?
(Dân trí) - Đã có một số hãng ôtô có xe cập cảng tại Việt Nam, nhưng những lô xe này chưa thể đến tay người tiêu dùng, dù là xe được nhập khẩu từ châu Âu hay từ khu vực ASEAN, với mức thuế nhập khẩu ưu đãi.
Xe nhập khẩu đã về nhưng chưa thể đến tay người tiêu dùng
Từ đầu tháng 3 đến nay, ngay sau khi Honda đưa về Việt Nam các dòng xe CR-V, Civic, Accrod, Jazz, đến lượt Volkswagen đưa các mẫu Tiguan, Beetle từ Ấn Độ và Mexico về, Mercedes-Benz đưa về các mẫu CLA 45 AMG 4Matic, hai phiên bản nâng cấp của mẫu SUV cỡ lớn là GLE 43 AMG 4Matic Coupé và mẫu GLE 63 AMG S 4Matic… có xuất xứ từ châu Âu.
Trong khu vực Đông Nam Á, Mitsubishi đưa về mẫu bán tải Triton Athlete…; còn GM Việt Nam cũng chuẩn bị đưa lô hàng đầu tiên từ Thái Lan (với Colorado và Trailblazer), Toyota đưa Fortuner (và có thể cả Wigo) từ Indonesia…
Tuy nhiên, cho dù đã cập cảng tại Việt Nam, nhưng hiện các mẫu xe này mới chỉ được phép tạm giải phóng hàng khỏi cảng để đưa về lưu kho tại các doanh nghiệp và chưa thể đến tay người tiêu dùng.
Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu cho biết, các doanh nghiệp được phép giải phóng hàng khỏi cảng để tránh tăng thêm các chi phí lưu kho tại cảng. Nguyên nhân chính khiến các lô hàng chưa thể thông quan, đến tay người tiêu dùng là do việc chưa thể hoàn thiện các yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải về các tiêu chuẩn kiểm tra khí thải và an toàn cũng như các yêu cầu mới về chứng nhận kiểu loại (lốp/gương/đèn/kính).
Sẽ sửa đổi Nghị định 116 và Thông tư 03 để “gỡ rối”?
Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT quy định các điều kiện mới về nhập khẩu ôtô đã chính thức có hiệu lực từ 1/3/2018, nhưng hiện các cơ quan quản lí đang nhận được nhiều các kiến nghị từ các doanh nghiệp, trong đó có đề nghị tạm dừng thực hiện để sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong hai quyết định này để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Các vấn đề chính hiện nay mà các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ôtô đề xuất liên quan đến Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài, cùng với đó các vấn đề về kiểm định ôtô nhập khẩu theo từng lô, việc yêu cầu phải có đường thử dài 800m…
Bộ GTVT cho biết hiện nay, trong việc thực hiện các yêu cầu đối với điều kiện kinh doanh, có trong Nghị định 116 và Thông tư 03, vẫn có các doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, Bộ vẫn kiến nghị Chính phủ xem xét phương án sửa đổi một số quy định tại hai quyết định này cho phù hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh.
Cụ thể, Bộ GTVT đã đưa ra 2 phương án:
Phương án 1: Kiến nghị Chính phủ tiếp thu toàn bộ các kiến nghị của doanh nghiệp và chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ và doanh nghiệp sửa đổi nội dung tại Nghị định 116.
Theo đó, bỏ thủ tục giấy chứng nhận kiểu loại, sửa đổi phương thức kiểm tra theo từng lô, sửa đổi quy định đường thử chiều dài 800m. Đồng thời Bộ GTVT sửa đổi Thông Tư 03 theo hướng bỏ một số thủ tục về giấy chứng nhận linh kiện (lốp/gương/đèn/kính).
Phương án 2: Trước mắt tiếp tục thực hiện theo Nghị định 116 và Thông tư 03 trong một thời gian nữa, nếu thực sự có vướng mắc bất cập đúng như phản ánh của doanh nghiệp thì tiến hành sửa đổi, bổ sung.
Điều đáng lưu ý là Bộ GTVT cũng cho rằng việc sửa đổi cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Ví dụ, nếu sửa đổi NĐ 116 theo hướng xe nhập khẩu chỉ thử nghiệm an toàn và khí thải lần đầu tiên, 6 tháng sau mới tiến hành kiểm tra lại sẽ tạo lỗ hổng cho các doanh nghiệp nhập khẩu lách luật, tránh các bước kiểm tra của cơ quan chức năng, dẫn đến chất lượng của các xe không được kiểm soát chặt chẽ và quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Vào thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được một số giấy chứng nhận kiểu loại do chính phủ Thái Lan cấp cho Ford (với Ranger và Everest), Honda (CR-V, Jazz, Civic…), do chính phủ Đức cấp cho các mẫu (BMW, MINI..). Chính vì vậy, bộ GTVT cho rằng các doanh nghiệp nhập khẩu đã giải quyết được vướng mắc, kiến nghị liên quan đến giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho ô tô khi nhập khẩu vào Việt Nam và hiện không có vướng mắc gì.
Hồ sơ đăng ký kiểm tra Chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu (chưa qua sử dụng):
1- Bản đăng ký kiểm tra Chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu theo quy định.
2- Bản sao Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.
3- Bản sao Giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
4- Bản chính Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô.
5- Bản sao tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.
6- Bản sao hóa đơn thương mại.
7- Bản sao Bản giải mã số VIN của nhà sản xuất xe (cho kiểu loại chứng nhận lần đầu).
8- Bản chính bản thông tin xe cơ giới NK theo mẫu quy định.
9- Bản sao tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật xe của nhà sản xuất.
10- Bản sao tờ khai hàng hóa NK đối với hồ sơ Giấy; Số ngày, tháng, năm của Tờ khai đối với hồ sơ Điện tử.
11- Bản sao báo cáo thử nghiệm khí thải.
12- Bản sao báo cáo thử nghiệm an toàn.
(Trích quy định Thông tư 03/2018/TT-BGTVT về Kiểm tra Chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của NĐ 116/2017/NĐ-CP).
Việt Hưng