Ô tô tạt ngã xe máy điện cực nguy hiểm rồi bỏ đi

Nhật Minh

(Dân trí) - Dường như người đi xe máy điện đã lọt vào điểm mù của xe tải, và cũng không biết xe tải chuẩn bị rẽ phải, nên mới dẫn tới tình huống va chạm đáng sợ này.

Sự việc xảy ra vào sáng 10/11 tại ngã tư đường 359, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Hình ảnh do camera hành trình của ô tô chạy phía sau xe tải cho thấy khi tới gần ngã tư, thấy đèn xanh đang ở những giây cuối, nhiều người đã cho xe tăng tốc để không phải chờ đèn đỏ, và đó là một phần lý do dẫn tới va chạm giữa xe tải với xe máy điện.

Có vẻ như người đi xe máy điện đã rơi vào điểm mù của xe tải, và cũng không nhận biết được việc xe tải chuẩn bị cua sang phải.

Cua gấp ở giao lộ, ô tô tạt ngã xe máy điện cực nguy hiểm (Video: OFFB Sub).

Tình huống va chạm trên đã để lại một số bài học quan trọng cho người tham gia giao thông nói chung.

Thứ nhất, đừng nên đi cố qua ngã tư khi đèn xanh chỉ còn vài giây, chuẩn bị chuyển sang màu vàng/đỏ. "Ba giây xanh thì bỏ, ba giây đỏ thì đi" là một trong những "khẩu quyết" hữu ích mà người tham gia giao thông nên nắm vững.

Theo đó, nếu thấy đèn xanh và đồng hồ đếm ngược chỉ còn 3 giây trở xuống thì người điều khiển phương tiện nên giảm tốc độ, rồi dừng xe, thay vì tăng ga để kịp qua giao lộ trước khi đèn chuyển sang màu vàng/đỏ. Việc cố vượt qua ngã ba, ngã tư khi đèn xanh chỉ còn vài giây rất nguy hiểm, dễ xảy ra va chạm.

Ngược lại, khi đang dừng đèn đỏ, không nên vội vàng đạp thốc ga ngay khi đèn vừa chuyển sang màu xanh, vì có thể ở hướng đường cắt ngang có xe cũng tăng tốc cố vài giây đèn xanh.

Trong tình huống trên, việc "chạy đua" với đồng hồ đếm ngược tại ngã tư có lẽ đã ảnh hưởng lớn đến khả năng xử lý tình huống của cả tài xế xe tải và người đi xe máy điện.

Thứ hai, khi chuyển hướng, người điều khiển phương tiện cần chú ý quan sát cẩn thận, đặc biệt là ở bên phía mình định rẽ, để tránh xảy ra va chạm với các phương tiện đi thẳng.

Thứ ba, hãy chú ý sử dụng các trang bị an toàn cần thiết, như mũ bảo hiểm cho người đi xe hai bánh. Với tình huống va chạm trên, nếu người đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm thì nguy cơ chấn thương ở vùng đầu là rất cao.

Thứ tư, nếu không may xảy ra va chạm, các bên có liên quan cần dừng lại, vừa để hỗ trợ người gặp nạn, vừa để xác định trách nhiệm của mỗi bên.

Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển xe và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm:

- Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

- Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi lực lượng chức năng đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu, phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất;

- Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Về mức phạt đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức xử phạt hành chính 16-18 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 5-7 tháng.

Tài xế gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 72 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt tù từ 3 đến 10 năm.