Nên coi nước là hàng hóa kinh tế
(Dân trí) - “Thay vì quan niệm truyền thống rằng nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn, nước ta nên coi nước là hàng hóa kinh tế, người sử dụng phải trả tiền, người gây ô nhiễm phải trả phí…”
Theo ông Hồng, nước ta có nguồn tài nguyên nước tương đối lớn, với 853 tỷ m3 nước chảy qua lãnh thổ, đứng thứ 8 trên thế giới, chiếm 60% tổng lượng nước của quốc gia, và 328 tỷ m3 nước trong lãnh thổ, chiếm 40%.
Tuy nhiên khả năng quản lý nguồn tài nguyên nước ở nước ta còn hạn chế. Các hồ thủy lợi và thủy điện chỉ chứa được 22 tỷ m3 nước, chủ động đáp ứng từ 25% đến 30% nhu cầu. Để đáp ứng được nhu cầu nước thực tế chúng ta đang phải tận dụng các phương tiện khác nhau như hệ thống trạm bơm, cống dẫn nước, trữ nước mưa ở ĐBSCL...
Do quan niệm truyền thống cho rằng nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận nên việc sử dụng và quản lý nước ở nước ta còn nhiều hạn chế dấn đến thất thoát nước lớn, ô nhiễm nguồn nước, nguy cơ thiếu nước sạch đang gia tăng.
Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới về việc trái đất sẽ nóng thêm 40C, toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ phải đối mặt với nguy cơ giảm nguồn nước ngọt.
Nguồn nước đang đối mặt với nhiều thách thức do quản lý đất đai buông lỏng dẫn đến mặt hồ, ao, đầm lầy … nơi thoát nước tự nhiên bị lấp kín cho đô thị, thảm thực vật bị phá hủy phục vụ cho phát triển kinh tế dẫn đến lượng nước bị bốc hơi tăng. Khoảng 1 tỷ m3 nước thải chưa được xử lý, trong khi đó lượng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nông nghiệp đang ngày càng gia tăng. Nước thải dân cư, đô thị, công nghiệp gia tăng và chất lượng nước ngầm giảm do ô nhiễm thạch tím.
“Hiện nay việc quản lý nguồn nước ở nước ta còn chồng chéo giữa các bộ và ngành liên quan, và vẫn còn nhiều mâu thuẫn trong các chính sách phát triển do chính phủ vẫn coi trọng yếu tố lợi ích kinh tế,” ông Hồng cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Thỉnh, Phó tổng Cục Trưởng, Tổng cục Thủy Lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, chúng ta cần đẩy nhanh việc xây dựng Luật Thủy Lợi và dự kiến đến năm 2015 Quốc hội sẽ thông qua luật này.
Cục cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi 200.000 héc-ta đất lúa sang trồng ngô, đậu tương và một số hoa màu phục vụ cho ngành chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị cây trồng và giảm lượng tiêu thụ nước.
Còn theo ông Hồng, chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm từ Israel, một nước đã phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước 65 năm trước đây nhưng nay đã khắc phục được nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nguồn tài nguyên nước.
TS Sinaia Netanyahu, trưởng các nhà khoa học bảo vệ môi trường Israel cho rằng, Việt Nam nên áp dụng công nghệ vào ngành tưới tiêu để đảm bảo tưới tiết kiệm và hợp lý và xử lý nước thải vì hơn 90% lượng nước thải ở nước ta chưa được xử lý mà xả thẳng vào hệ thống thoát nước. Nước thải được xử lý sẽ phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, rửa đường, rửa xe, vv.. chỉ nước ăn mới được dùng nước sạch vì ở nước ta đang dùng nước sạch cho tất cả các mục đích trên.
“Việc xử lý nước thải sẽ tạo nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước và bảo vệ môi trường,” bà nhấn mạnh.
Theo bà Sinaia, cần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch hiệu quả và tiết kiệm. Việc giáo dục cho trẻ em nên bắt đầu ngay từ trường mẫu giáo. Nên tăng thuế sử dụng nước buộc người sử dụng càng nhiều nước thì giá nước càng cao. Mỗi gia đình nên cam kết lượng nước sử dụng trong tháng, nếu họ sử dụng quá số đăng ký họ phải nộp phạt.
Ngoài các biện pháp khôi phục tầng nước ngầm và xử lý nước thải, sửa chữa rò rỉ và cải thiện hệ thống tưới tiêu, Israel cũng áp dụng nhiều biện pháp để quản lý nguồn cung nước trong đó có việc áp dụng công nghệ hiện đại để xây dựng các nhà máy khử mặn nước biển đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, bà cho biết.
Thảo Nguyên