Phi công 9x từ "lò" đào tạo bay khắc nghiệt đến sáng kiến làm lợi 250 tỷ

Hoa Lê

(Dân trí) - Từ một học viên mới chập chững học "bay", chàng trai 9x phải trải qua quá trình chinh phục thử thách gian nan mới có thể trở thành phi công chuyên nghiệp, làm chủ bầu trời.

Ước mơ làm chủ bầu trời từ thơ ấu

Tuổi thơ của anh Lê Đức Dũng (31 tuổi, ở Hà Nội) gắn liền với những câu chuyện lý thú về hành trình làm chủ "con chim sắt" từ người cha phi công của mình.

"Trên bầu trời có gì" là câu hỏi lặp đi, lặp lại của cậu bé 4 tuổi. Mê mẩn từ những đồ chơi mô hình máy bay, ước mơ làm phi công, bay đi muôn nơi cứ vậy được nuôi dưỡng mỗi ngày.

Lớn lên, ước mơ ngày càng rõ rệt, anh muốn trở thành một phi công thực thụ như cha. Sau khi tốt nghiệp đại học Thương mại, chàng trai 22 tuổi có quyết định sang Mỹ tham gia khóa huấn luyện bay để hiện thực hóa mong muốn từ ấu thơ.

Phi công 9x từ lò đào tạo bay khắc nghiệt đến sáng kiến làm lợi 250 tỷ - 1

Phi công "thời dịch" với trang phục bảo hộ khi bay (Ảnh: NVCC).

Phi công là một nghề có sức hấp dẫn không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Song, để có thể bay lượn trên bầu trời, người học phải trải qua quá trình học tập khắc nghiệt với chi phí vô cùng đắt đỏ.

Sau khi vượt qua vòng kiểm tra sức khỏe tổng quát, anh Dũng mới chính thức trở thành học viên.

Huấn luyện khắc nghiệt

Đặt chân đến Mỹ, chàng trai 9x này cũng mất một thời gian mới thích nghi, hòa nhập môi trường hoàn toàn mới. Sau quá trình dài đào tạo lý thuyết, nhóm học viên của anh bước vào những giờ bay thử.

Rất nhiều những quy tắc bay phải nằm lòng, anh Dũng vẫn không quên được sự háo hức xen lẫn những lo lắng khi bay thử. Nhiều ngày, nhóm của anh gặp thời tiết xấu, phải gián đoạn quá trình bay.

Việc học tập đầy vất vả, khổ luyện kéo dài 1,5 năm. Học viên phải đạt 3 bằng bay và một số bằng lý thuyết mới đủ tiêu chuẩn trở thành phi công. Cầm bộ hồ sơ trong tay, anh đã xin vào làm việc tại một hãng hàng không trong nước vào năm 2017.

Phi công 9x từ lò đào tạo bay khắc nghiệt đến sáng kiến làm lợi 250 tỷ - 2

Quá trình học tập, đào tạo đối với một phi công không ngừng nghỉ. Khi về nước, anh Dũng cũng trải qua những khóa học bay ngắn hạn. Hiện anh đang là cơ phó của tàu bay A321.

Chia sẻ về chuyến bay đầu tiên trên bầu trời Việt Nam, anh Dũng cho biết: "Không phải là lần đầu điều khiển máy bay, nhưng chuyến bay đầu tiên chở hàng trăm hành khách mang lại cho tôi nhiều xúc cảm. Yêu cầu với những tay lái mới là nhanh chóng cân bằng sau phút hồi hộp ban đầu để điều khiển máy bay an toàn. Lúc này, tôi thấy quá trình khổ luyện trước đó hoàn toàn xứng đáng".

Thời gian thấm thoắt, đến nay, anh Dũng đã có hơn 3.300 giờ bay, đặt chân nhiều địa phương, quốc gia khác nhau. Phi công, theo đó, là nghề có không gian làm việc lý thú nhất.

"Phần khó nhất trong mỗi chuyến bay với người phi công là thời điểm cất và hạ cánh. Còn lại trong quá trình bay, đã có hệ thống lái tự động, hỗ trợ khá hiệu quả", anh Dũng chia sẻ.

Khi bay trên bầu trời, mỗi công ty đều có kế hoạch bay rõ ràng, kiểu như một bản đồ trên không. Máy bay được đặt kế hoạch đi đường nào, thì kiểm soát viên không lưu sẽ theo dõi đường đó.

Thông thường, mỗi phi công sẽ có kế hoạch bay theo tháng, khoảng 70 giờ bay. Trong quá trình làm việc, phi công thường xuyên phải sống ở không gian trái với đồng hồ sinh học khi bay đến các vùng miền, châu lục khác nhau. Chính điều này khiến phi công dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi.

Trong những hành trình bay của mình, phi công 9x nhớ nhất việc xử lý tình huống khi gặp thời tiết xấu do ảnh hưởng của bão trong một chuyến bay sang Nhật. Khi đó, anh cùng đoàn bay phải rời lịch 1 ngày, ở lại chờ thời tiết thuận lợi hơn mới có thể bay về Việt Nam.

"Trong trường hợp thời tiết xấu tại sân bay đến, nhiều khi phi công không thể tiếp cận hạ cánh thành công, phải bay lại hoặc chuyển hướng hạ cánh ở sân bay có điều kiện thời tiết tốt hơn", anh Dũng chia sẻ.

Phi công 9x từ lò đào tạo bay khắc nghiệt đến sáng kiến làm lợi 250 tỷ - 3

Sáng kiến của anh Dũng về tiết kiệm nhiên liệu nhận giải thưởng cao (Ảnh: NVCC).

Với những chuyến bay ngắn, anh sẽ không mang theo tư trang. Chính vì vậy, chuyến bay sang Lào vừa qua phải ở lại đất nước này 1 ngày do tàu bay gặp trục trặc khiến anh khá bối rối.

"Lúc bấy giờ, tôi không có đồ để thay, phải diện nguyên bộ đồng phục phi công để ra ngoài, đi ăn uống. Do không có phương tiện đi lại, tôi phải mượn xe đạp của khách sạn", anh Dũng kể.

Hình ảnh anh phi công đạp xe đi mua đồ dùng cá nhân, đi ăn uống cũng gây sự chú ý với người dân địa phương. Anh nhận được không ít ánh nhìn ngạc nhiên, tò mò.

Sáng kiến tiết kiệm nhiên liệu

Khi dịch Covid-19 bùng phát, giá xăng dầu lên cao khiến chi phí khai thác tàu bay lớn. Lúc bấy giờ, công ty phát động cuộc thi khơi dậy niềm tự hào, cống hiến trong cán bộ nhân viên. Anh Dũng nảy ra ý tưởng về giải pháp tiết kiệm nhiên liệu cho máy bay.

Cơ phó này chia sẻ: "Thông thường khi hạ cánh, phi công sẽ sử dụng cánh tà tối đa, làm máy bay mất lực nâng và rơi nhanh hơn. Tuy nhiên, cách này tiêu tốn khá nhiều nhiên liệu".

Để cải thiện tình trạng này, anh Dũng đề xuất giải pháp giảm cánh tà khi hạ cánh, thay vào đó là dùng ga nhỏ giúp tiết kiệm nhiên liệu rõ rệt.

"Bên cạnh đó, khi trên trời ít tàu bay lưu thông, phi công có thể "xin" đường bay thẳng, tìm đường ngắn nhất trong quá trình bay. Đây cũng là cách giúp tiết kiệm nhiên liệu nhiều hơn", anh Dũng cho biết.

Phi công 9x từ lò đào tạo bay khắc nghiệt đến sáng kiến làm lợi 250 tỷ - 4

Phi công 9x mong ước được chở cả gia đình trên một chuyến bay (Ảnh: NVCC).

Sáng kiến tiết kiệm nhiên liệu của anh Dũng đã đạt giải nhất hạng mục sáng tạo và được áp dụng rộng rãi trong các chuyến bay của hãng. Tính riêng năm 2019, sáng kiến này giúp công ty tiết kiệm số tiền lên đến 250 tỷ đồng.

Vợ anh Dũng là tiếp viên hàng không. Trung bình, mỗi năm vợ chồng anh chỉ có thể đồng hành một lần trên cùng một chuyến bay. Chính vì vậy, mong muốn của anh là có chuyến bay chở cả gia đình đến những miền đất lý thú của tổ quốc.